Sáng 31/3, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng TAND tối cao và Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC); Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Trung ương về PCTN,TC; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng BCĐ Trung ương về PCTN,TC; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tối cao, Ủy viên BCĐ Trung ương về PCTN,TC; Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao, Ủy viên BCĐ Trung ương về PCTN,TC đồng chủ trì hội nghị trực tuyến.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, sau 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong lĩnh vực nội chính, PCTN và gần đây đã bổ sung phòng chống tiêu cực, cải cách tư pháp, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Vì vậy, hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đánh giá tình hình, kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân và kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện các Quy chế phối hợp; từ đó, xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan cho những năm tiếp theo.
Để hội nghị bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các đại biểu phát huy dân chủ, trách nhiệm; tập trung thảo luận, đánh giá để làm rõ những thành tích đã đạt được, cũng như những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp trong công tác nội chính, PCTN,TC và cải cách tư pháp năm 2022 và những năm tiếp theo.
Báo cáo do Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày cho biết, từ khi Quy chế phối hợp được ban hành, công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng TAND tối cao, Ban cán sự Đảng VKSND tối cao ngày càng chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, thượng tôn pháp luật và đúng quy định của Đảng, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nổi bật là, phối hợp tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước chủ trương, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nội chính, PCTN,TC và cải cách tư pháp. Qua việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đã chủ động, sáng tạo tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCĐ Trung ương về PCTN,TC chỉ đạo nhiều chủ trương, quan điểm lớn, cơ chế, nguyên tắc chỉ đạo xử lý các vấn đề phức tạp, các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp trong đấu tranh PCTN như: "Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách"; "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai"; "Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực"; "Xử lý nghiêm đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, gây hậu quả nghiêm trọng; khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hoặc bồi thường thiệt hại gây ra..."
Bên cạnh đó, tham mưu có hiệu quả với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCĐ chỉ đạo xử lý nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; thực hiện đúng quan điểm của Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư "có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật". Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Các cơ quan đã phối hợp tham mưu đưa 965 vụ án, vụ việc vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ, trong đó BCĐ Trung ương về PCTN,TC trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 171 vụ án, 130 vụ việc. Các CQĐT trong CAND đã thụ lý 123 vụ án, 925 bị can, 72 vụ việc; VKSND các cấp đã thụ lý 160 vụ án/1121 bị can, 124 vụ việc; đã truy tố 118 vụ/1056 bị can; TAND các cấp đã đưa ra xét xử sơ thẩm 112 vụ án/ 1008 bị cáo, xét xử phúc thẩm 77 vụ án/ 666 bị cáo...
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, nêu bài học kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp trong công tác nội chính, PCTN,TC và cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Điều tra, xử lý nhiều vụ án được cho là "vùng cấm, nhạy cảm"
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng những kết quả đạt được trong thực hiện các Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng VKSND tối cao và Ban cán sự Đảng TAND tối cao thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh, 4 cơ quan đã phối hợp điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là "vùng cấm, nhạy cảm"; đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi và xử lý nghiêm minh, công khai cả cán bộ cao cấp, đương chức và đã nghỉ hưu, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa mạnh mẽ, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Dẫn lại phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính: "Các cơ quan trong khối nội chính phải thực sự đoàn kết, trách nhiệm, phối hợp rất chặt chẽ, rất nhịp nhàng và thống nhất với nhau; trong thực thi nhiệm vụ, phải gương mẫu, rất công tâm, khách quan, có dũng khí, có bản lĩnh, xuất phát từ động cơ trong sáng, tình cảm chân thành, đồng chí, anh em; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của Nhân dân lên trên hết...", đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, đây là tư tưởng, quan điểm chỉ đạo quan trọng cho công tác phối hợp giữa các cơ quan nội chính nói chung, và giữa 4 cơ quan nói riêng, đề nghị các cơ quan tiếp tục quán triệt thực hiện thật tốt.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu các cơ quan tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác nghiên cứu, tham mưu các chủ trương, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính, PCTN,TC và cải cách tư pháp. Nhất là, phối hợp nghiên cứu, tham mưu các chủ trương, giải pháp về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm, PCTN,TC và cải cách tư pháp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, tiếp tục tăng cường phối hợp, tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc TN,TC; đặc biệt là các vụ án, vụ việc TN,TC nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư.
Đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý, chúng ta không bao giờ giải quyết một vấn đề gì dựa trên dư luận xã hội hay chạy theo dư luận xã hội, nhưng những vấn đề tác động lớn đến dư luận xã hội, liên quan đến nhiều người, có sự thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội và được các đồng chí lãnh đạo các cấp, đặc biệt lãnh đạo chủ chốt đã có chỉ đạo thì phải đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, tránh bị suy diễn. "Ví dụ 3 vụ việc chúng ta xử lý vừa qua: Vụ xử lý nhóm "Báo sạch", vụ khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng, vụ thao túng thị trường chứng khoán, chúng ta có cách xử lý nghiêm minh, kịp thời, có tính toán đảm bảo những yếu tố để không gây ảnh hưởng đến các hoạt động, cần làm tốt trong thời gian tới", Thường trực Ban Bí thư nêu rõ.
Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các cơ quan tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát công tác nội chính, PCTN,TC và cải cách tư pháp. Trước mắt cần phối hợp tham mưu, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.
Phối hợp tham mưu chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp, không để phát sinh "điểm nóng", bị động, bất ngờ...
Nhân dịp này, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã tặng thưởng 15 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc thuộc diện BCĐ Trung ương về PCTN,TC theo dõi, chỉ đạo. Các tập thể được khen thưởng thuộc Bộ Công an gồm: Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an; Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Cục An ninh điều tra.
Ban Tổ chức cũng công bố các Quyết định tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Nội chính Đảng" tặng các đồng chi: Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an và Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an vì có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành Nội chính Đảng; đồng thời, tặng Bằng khen của Trưởng Ban Nội chính Trung ương tặng 6 tập thể và 12 cá nhân thuộc Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao đã có thành tích trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính và PCTN,TC giữa các cơ quan với Ban Nội chính Trung ương.