Theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đây là cuộc làm việc đầu tiên sau nhiều năm giữa Chủ tịch nước với cơ quan thường trực của Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc tăng cường phối hợp giữa Chủ tịch nước - một thiết chế Hiến định, là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Việt Nam về đối nội và đối ngoại, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh với Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một trong những nội dung đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Trong 3 nhiệm kỳ gần đây, quan hệ phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn được tăng cường trên 6 lĩnh vực công tác. Nổi bật nhất là trong việc thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và tạo động lực mới cho sự nghiệp phát triển nước nhà.
Với vai trò quan trọng trong quy trình lập pháp, Chủ tịch nước đã thực hiện nghiêm túc việc công bố các luật, pháp lệnh. Trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố 172 luật, và 12 pháp lệnh đúng thời hạn, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, sớm đưa văn bản pháp luật vào cuộc sống.
Về phương hướng nhiệm vụ phối hợp công tác trong thời gian tới giữa Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 15, đồng thời khẳng định Chủ tịch nước sẽ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong đổi mới việc xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, xây dựng pháp lệnh, nhất là khắc phục tình trạng lợi ích ngành, đồng thời ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Chủ tịch nước cũng ủng hộ và phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong đổi mới cách thức tổ chức họp, cũng như phương thức chỉ đạo điều hành của Quốc hội, tăng cường hình thức họp trực tuyến, thảo luận theo chuyên đề kịp thời, gắn với thực tiễn của xã hội, nhất là về các vấn đề nóng, các vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng mong muốn cùng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình xây dựng, thực hiện các Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết theo quan điểm thực sự lấy người dân là trung tâm, người dân là chủ thể của phát triển và chủ thể của giám sát.
Với nhiều năm kinh nghiệm phối hợp công tác với Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong Đảng đoàn Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tạo nên một tập thể Quốc hội đoàn kết, thống nhất theo tinh thần "trên dưới đồng lòng", "dọc ngang thông suốt" để cùng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng. Còn Chủ tịch nước trong vai trò là người đứng đầu Nhà nước theo quy định của Hiến pháp, sẽ phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như với tất các đại biểu Quốc hội trong thực hiện mục tiêu chung của Đảng, Nhà nước về phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín quốc gia, dân tộc.
Nguồn: cand.com.vn