CÔNG AN BẠC LIÊU
Phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Cập nhật ngày: 7-04-2018, lượt xem: 44
Khảo sát mới đây tại một số địa phương vùng Tây Bắc có đông đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy, cho dù được ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế, xã hội nhưng tỷ lệ hộ nghèo còn cao, mức thu nhập hộ nông dân có khoảng cách lớn so với vùng đồng bằng. Tại một hội thảo, trong nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nguyên nhân được thống nhất khá cao là do nguồn nhân lực “mỏng”, ít được đào tạo, một bộ phận cán bộ cơ sở chưa nâng cao trách nhiệm và tác phong công tác. Nhiều năm liền, chỉ tiêu về giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chính sách đầu tư cho phát triển từng vùng chưa đạt yêu cầu đề ra.

Ðối với những tỉnh nghèo, vùng cao đông đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với chính sách chung, cần đặc biệt coi trọng phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo. Các chính sách, giải pháp thúc đẩy quá trình này phải từ việc đầu tư nâng cao tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở tất cả các cấp học; tỷ lệ sinh viên, học sinh (nhất là người dân tộc thiểu số) và cả tỷ lệ người được học nghề… qua đó nâng cao mặt bằng dân trí và tỷ lệ người được đào tạo nghề.

Ðồng thời, việc dạy nghề và các chính sách liên quan trực tiếp đến đào tạo nhân lực tại các địa phương cần được quan tâm với tư duy mới, cách làm mới, đa dạng hóa các loại hình. Trước hết là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý ở cấp xã, thôn, bản. Cùng với các chính sách của Trung ương, từng địa phương cần đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, nghề trọng điểm; gắn liền đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số; coi trọng đào tạo nghề cho nông dân để không ngừng nâng cao trình độ sản xuất, kiến thức thị trường, giúp người dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các địa phương cần căn cơ trong sử dụng các nguồn tài chính, bảo đảm huy động cao nhất các nguồn vốn, áp dụng khoa học, công nghệ mới cho nông nghiệp trên địa bàn, theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

Mặt khác, cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể quần chúng cần đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế; hướng dẫn nông dân phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh.

Muốn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương cần chủ động thông qua các chính sách, chương trình, hành động cụ thể để tiếp tục đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực; coi trọng xây dựng đội ngũ trí thức, doanh nhân, cán bộ người dân tộc thiểu số.

Nguồn nhandan.com.vn

Các tin khác