CÔNG AN BẠC LIÊU
Nông nghiệp tăng trưởng cao nhưng phải bền vững
Cập nhật ngày: 6-04-2018, lượt xem: 71
Sau hơn mười năm (kể từ năm 2005), quý I năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm sản và thủy sản tăng tới 4,05%, đây thật sự là dấu son của ngành nông nghiệp nước nhà. Chín tháng còn lại, ngành nông nghiệp tiếp tục đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 3,05%, xuất khẩu đạt 40 đến 40,5 tỷ USD. Ðây là một mục tiêu vừa tầm nếu so với quý I, nhưng là cả một vấn đề lớn nếu không giải quyết rốt ráo khó khăn tiềm ẩn sẽ khó thành công, nhất là đối với thị trường xuất khẩu, nhiều sản phẩm nông nghiệp luôn phải đối phó với những rào cản lớn từ thị trường nước ngoài.

Ðơn cử như mặt hàng thủy hải sản, từ cuối năm 2017 đến hết quý I năm 2018 ngành thủy sản luôn bị gây khó, nhất là việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra xuất khẩu vào Mỹ từ 2,39 USD/kg lên 7,74 USD/kg. Với mức áp thuế này, cơ hội để xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ là không thể. Vì vậy ngành thủy sản đang khẩn trương chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ.

Dù kết quả như thế nào, nhưng ít nhiều đã tác động đến tâm lý các nhà nhập khẩu vào thị trường này. Trong khi đó, với thị trường EU, các doanh nghiệp thủy sản cũng phải đối mặt rào cản kỹ thuật như quyết định rút "thẻ vàng" của EU đối với ngành đánh bắt hải sản của Việt Nam…

Ðối với thị trường nội địa, trong ba tháng đầu năm 2018, chúng ta tiếp tục chứng kiến hậu quả của việc đầu tư phát triển sản xuất theo phong trào dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, đời sống người dân khi tiếp tục phải "cứu" củ cải, mía đường, khoai tây… do bí "đầu ra".

Vì vậy "đường dài mới biết ngựa hay", muốn tốc độ tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp trong quý I năm 2018 nhân rộng ra cả năm và các năm tiếp theo một cách bền vững, chúng ta cần phải tổ chức lại thị trường nông sản trong nước, giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống (nhất là các thị trường lớn), gắn với việc tìm kiếm mở rộng những thị trường xuất khẩu mới.

Muốn vậy cần tiếp tục rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo ba trục sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; cấp tỉnh, thành phố và đặc sản làng, xã để có giải pháp chỉ đạo cụ thể. Các địa phương và cơ quan chức năng cần tập trung triển khai giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát quá trình sản xuất, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường, khắc phục tình trạng đầu tư phát triển sản xuất theo phong trào dẫn đến dư thừa nguồn cung; tăng cường chế biến sâu, kiểm soát bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cần phải thoát khỏi tư duy chạy theo sản lượng, cần chú trọng đến chất lượng, đồng thời xây dựng những vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Phải xuất phát từ thực tiễn thị trường để đặt ra nhiệm vụ cho các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách để đưa ra những thông tin chuẩn xác khơi thông và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Khẩn trương và quyết tâm xây dựng cho được thương hiệu cho một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, bởi đây là "tấm thẻ" quan trọng để nông sản Việt tạo dựng được chỗ đứng tại thị trường quốc tế trước mắt và lâu dài.

Nguồn nhandan.com.vn

Các tin khác