CÔNG AN BẠC LIÊU
Bảo đảm an toàn cho hồ chứa thủy lợi
Cập nhật ngày: 4-04-2018, lượt xem: 48
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện có gần 6.650 hồ chứa thủy lợi, trong đó có hơn 700 hồ chứa lớn. Hồ chứa thủy lợi có vai trò quan trọng trong điều tiết nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong mùa mưa, bão, hạn chế ngập lụt vùng hạ lưu.

Bằng chứng là trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 12 tại các tỉnh miền trung, các hồ chứa thủy lợi lớn ở khu vực Trung Bộ đã góp phần cắt giảm được tổng lượng lũ là 631 triệu m3, trong tổng số 1,27 tỷ m3 về hồ, chiếm gần 50% tổng lượng lũ. Tuy nhiên, đáng lo ngại là trong số 6.650 hồ chứa thủy lợi hiện có gần 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, chủ yếu tập trung ở các hồ chứa được xây dựng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Phần lớn các đập tạo hồ chứa thủy lợi giai đoạn này đều là đập đất, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố rất lớn. Chỉ tính riêng mùa mưa bão năm 2017 vừa qua, đã xảy ra sự cố ở 23 hồ, đập trên địa bàn 11 tỉnh có hồ.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, năm nay hiện tượng La Nina sẽ tiếp tục duy trì trong 5 tháng đầu năm, với nhiều đợt mưa lớn cục bộ nhiều khả năng xuất hiện trong thời đoạn ngắn. Các đợt mưa lớn diện rộng, hoặc mưa gây lũ lớn cục bộ sẽ tiếp tục là nhân tố rất nguy hiểm cho các hồ chứa thủy lợi, nhất là các hồ chứa đang trong tình trạng bị hư hỏng, mất an toàn.

Ðáng chú ý, với khả năng điều tiết của rừng đang có chiều hướng suy giảm, việc bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi cần có hành động cụ thể và kịp thời. Trước hết, cần kiểm tra, đánh giá các hồ đập, nhất là các hồ chứa đã quá xuống cấp nhằm phát hiện sớm nguy cơ gây mất an toàn công trình để đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Rà soát, đánh giá quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đã được phê duyệt để điều chỉnh, hoặc kiến nghị điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp, bảo đảm vận hành an toàn công trình và vùng hạ du. Nâng cao năng lực cảnh báo, giám sát, dự báo khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ chỉ đạo, vận hành hồ chứa. Phải coi việc theo dõi thường xuyên diễn biến khí tượng thủy văn và các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo các thời hạn dự báo khác nhau để các đơn vị quản lý hồ, đập sớm chủ động lập kế hoạch và các phương án vận hành hồ chứa nước thủy lợi.

Ngoài ra, đối với các hồ chứa nước lớn có cửa van xả lũ cần thường xuyên quan trắc, tính toán lưu lượng nước đến hồ, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ để chủ động vận hành đập, hồ chứa điều tiết cắt lũ hợp lý bảo đảm chống lũ an toàn. Ðáng chú ý, cùng với việc cập nhật thông tin hồ chứa lên trang thông tin điện tử thu thập thông tin điều hành hệ thống thủy lợi của Tổng cục Thủy lợi để phối hợp điều tiết liên hồ chứa, cần lưu ý quy định cảnh báo sớm cho người dân ở hạ du trước khi hồ chứa xả lũ; tổ chức diễn tập, hướng dẫn người dân cách ứng phó với các tình huống khẩn cấp, nhất là vùng hạ du các hồ, đập chứa nước xung yếu, kiên quyết không để "nước đến chân mới nhảy".

Nguồn nhandan.com.vn

Các tin khác