Trong bối cảnh Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng MRC năm 2018, chuyến tham dự hội nghị lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam nhằm khẳng định sự quan tâm và cam kết của Việt Nam đối với hợp tác trong khuôn khổ MRC, góp phần tăng cường vai trò của MRC cũng như sự đoàn kết và hợp tác giữa các nước thành viên vì lợi ích chung.
Hội nghị cấp cao MRC mang tính định kỳ, được tổ chức bốn năm một lần từ năm 2010, luân phiên giữa các nước thành viên. Hội nghị lần này do Cam-pu-chia chủ trì tổ chức. Với chủ đề "Tăng cường nỗ lực chung và mở rộng quan hệ đối tác nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trên lưu vực sông Mê Công", hội nghị lần này là dịp để các nước kiểm điểm hoạt động của Ủy hội trong bốn năm qua, xác định các lĩnh vực hợp tác phù hợp, nhằm vượt qua thách thức và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
MRC là một tổ chức quốc tế được thành lập trên cơ sở Hiệp định Mê Công năm 1995, gồm bốn quốc gia thành viên là Lào, Thái-lan, Cam-pu-chia và Việt Nam. Mục tiêu của MRC là nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong sử dụng, phát triển một cách bền vững và bảo vệ tài nguyên nước cùng các tài nguyên liên quan trên lưu vực sông Mê Công. Sau hơn 20 năm thành lập, MRC đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy hợp tác lưu vực, như xây dựng các quy chế sử dụng nước, quản lý môi trường, nghề cá, liên kết giao thông đường thủy, mở rộng hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực.
MRC hiện đang triển khai Kế hoạch chiến lược chu kỳ 5 (giai đoạn 2016 - 2020), gồm bảy kết quả chính và hơn 190 hoạt động với tổng kinh phí ước tính khoảng 60 triệu USD. Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm thực hiện các ưu tiên chiến lược của Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước; tiếp tục thực hiện chuyển giao các chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông về cho các quốc gia và các hoạt động cải tổ Ban Thư ký Ủy hội. Kể từ Hội nghị cấp cao MRC lần thứ hai vào tháng 4-2014 do Việt Nam đăng cai tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, MRC tiếp tục phát huy vai trò là cơ chế duy nhất có chức năng xây dựng khung pháp lý và các quy định kỹ thuật cụ thể, ràng buộc trách nhiệm của các nước thành viên trong khai thác, bảo vệ và quản lý bền vững nguồn nước sông Mê Công.
Việt Nam đã tích cực tham gia MRC ngay từ quá trình thành lập và có nhiều đóng góp về nội dung, lĩnh vực hợp tác. Trong khuôn khổ MRC, Việt Nam phối hợp với các nước thành viên thúc đẩy để lần đầu Ủy ban liên hợp MRC ra Tuyên bố về quá trình tham vấn trước đối với dự án thủy điện Pắc Beng. Năm 2014, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao MRC lần thứ hai với chủ đề "An ninh nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu của lưu vực sông Mê Công". Bên cạnh MRC, Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy phát triển bền vững nguồn nước sông Mê Công thông qua việc tham gia hợp tác về nguồn nước tại các tổ chức khu vực, quốc tế như Diễn đàn Nước thế giới (WWF), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), ASEAN…
Trong năm 2015, Việt Nam đã tổ chức phiên thảo luận về an ninh nguồn nước trong khuôn khổ Ðại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) và Hội thảo quốc tế trong khuôn khổ ASEM với chủ đề "Phối hợp hành động trong quản lý nguồn nước nhằm định hình chương trình nghị sự sau năm 2015". Ngoài ra, nước ta cũng tích cực, chủ động tham gia và thúc đẩy nội dung về bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước tại các cơ chế như Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Sáng kiến Hạ nguồn Mê Công (LMI), Hợp tác Mê Công - Lan Thương (MLC)…
Chuyến tham dự Hội nghị cấp cao MRC lần thứ ba của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam khẳng định sự quan tâm và cam kết của Việt Nam đối với hợp tác trong khuôn khổ MRC, góp phần tăng cường vai trò của MRC cũng như sự đoàn kết, hợp tác giữa các nước thành viên. Ðồng thời cũng khẳng định những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam trong việc sử dụng hiệu quả và quản lý bền vững nguồn nước sông Mê Công, vì lợi ích chung của người dân tại lưu vực sông Mê Công nói chung và tại đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, hướng tới sự phát triển bền vững.
Nguồn nhandan.com.vn