CÔNG AN BẠC LIÊU
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Thủ tướng Cộng hòa Bê-la-rút và cựu Bộ trưởng Điều phối chính sách Hàn Quốc
Cập nhật ngày: 30-03-2018, lượt xem: 47
Chiều 29-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Thủ tướng Cộng hòa Bê-la-rút V.Xê-ma-scô đang thăm làm việc tại Việt Nam.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian trưng bày tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai. Ảnh: TRẦN HẢI

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của Phó Thủ tướng V.Xê-ma-scô, coi đây là dấu mốc quan trọng mở ra những triển vọng mới cho hợp tác giữa Việt Nam và Bê-la-rút; nhấn mạnh Bê-la-rút là đối tác quan trọng của Việt Nam và Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tiếp tục gìn giữ, vun đắp mối quan hệ hợp tác hữu nghị bền vững với Bê-la-rút. Trong những năm gần đây, các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước đã tạo xung lực mới trong việc mở rộng không gian hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Bê-la-rút. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu đã chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2016 là sự kiện quan trọng mở ra nhiều cơ hội, triển vọng mới trong quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại. Việt Nam luôn coi Bê-la-rút là một trong các đối tác ưu tiên, quan trọng và truyền thống trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam tại khu vực kinh tế Á - Âu; luôn mong muốn gìn giữ mối quan hệ này.

Thủ tướng nêu rõ, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước còn khiêm tốn so tiềm năng. Do đó, Thủ tướng hai bên cần tìm thêm các biện pháp hiệu quả để thúc đẩy quan hệ này, trong đó, cần tăng cường cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp và thường xuyên tổ chức các triển lãm, hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp để giới thiệu về sản phẩm và các lĩnh vực của mỗi nước nhằm thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tương xứng tiềm năng. Việt Nam hoan nghênh và mong muốn tiếp nhận thêm các dòng vốn đầu tư từ Bê-la-rút, nhất là những lĩnh vực các bạn có thế mạnh như sản xuất ô-tô và linh kiện ô-tô, cơ khí, thiết bị công nghiệp, sữa, dược phẩm, cung cấp các thiết bị khai thác dầu khí hiện đại và phục vụ khai thác một số mỏ than... Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Bê-la-rút hợp tác, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, ổn định lâu dài gắn với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Về những đề xuất của phía Bê-la-rút trong hợp tác làm ăn, Thủ tướng giao các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất Chính phủ.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng đề nghị Bê-la-rút ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam và ASEAN về giải quyết tranh chấp bằng mọi biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Phó Thủ tướng Bê-la-rút V.Xê-ma-scô cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp; nêu rõ mục đích chuyến thăm nhằm đánh giá kết quả hai bên đã đạt được trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Á - Âu, bàn biện pháp đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới. Phó Thủ tướng bày tỏ quan tâm các dự án hợp tác thí điểm giữa hai nước đang phát triển hết sức thuận lợi. Phó Thủ tướng cảm ơn lãnh đạo Chính phủ, các địa phương ở Việt Nam đã tạo điều kiện cho các đơn vị liên doanh giữa hai nước triển khai hoạt động thuận lợi thời gian qua.

Phó Thủ tướng đánh giá, mặc dù đạt kết quả tích cực thời gian qua, song quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư chưa phát triển tương xứng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước; cho rằng, việc thành lập các liên doanh sản xuất tại Việt Nam sẽ đem lại lợi ích cho hai nước, đồng thời đề nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các liên doanh này hoạt động hiệu quả.

* Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp cựu Bộ trưởng Điều phối chính sách Hàn Quốc Y-un Đê Hi.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hiện nay, Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác lớn và quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư và thương mại. Thủ tướng nêu bật tầm quan trọng của việc hợp tác tri thức, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ... trong đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam. Do đó, Thủ tướng đánh giá cao hoạt động của ông Y-un Đê Hi trong hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm giúp Việt Nam.

Cựu Bộ trưởng Y-un Đê Hi đánh giá cao kết quả điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua; chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công rực rỡ Tuần lễ cấp cao APEC 2017, qua đó góp phần nâng cao vị thế rất lớn của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đánh giá cao các ý kiến của ông Y-un Đê Hi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam hiện là nước hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới, tuy nhiên, trong quá trình này, Việt Nam cũng gặp không ít rào cản, khó khăn và thách thức. Thủ tướng mong muốn Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm, tri thức giúp Việt Nam trong công cuộc này; mong muốn ông Y-un Đê Hi tích cực hợp tác lâu dài, có nhiều đóng góp quý báu, tư vấn giúp Chính phủ Việt Nam. Đây chính là những hành động thiết thực đóng góp vào mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang phát triển mạnh mẽ.

* Sáng 29-3, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự, có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và các địa phương trên toàn quốc, cùng hàng trăm đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và ngoài nước.

Thay mặt Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong những năm qua thiên tai diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, khó dự báo, cảnh báo. Năm 2017, thiên tai diễn ra suốt cả năm, trên tất cả các vùng miền, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, thiệt hại kinh tế lên đến 60 nghìn tỷ đồng. Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác phòng, chống thiên tai hiện nay đã và đang bộc lộ những tồn tại, hạn chế, cũng như những thách thức mới cần có những giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương cùng tháo gỡ, giải quyết kịp thời trong thời gian tới.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận sự nỗ lực và những thành tựu của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần lớn nhất, quan điểm chỉ đạo bao trùm nhất là xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai. Theo đó, phòng, chống thiên tai phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Phải quan tâm đầy đủ đến công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, trong đó muốn giảm thiệt hại thì phải lấy phòng ngừa là chính, quan tâm đầu tư phòng ngừa, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”…

Nội dung phòng, chống thiên tai phải được đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các ngành để giảm thấp nhất rủi ro do thiên tai; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phòng, chống thiên tai theo hình thức đối tác công - tư bằng các cơ chế, chính sách phù hợp. Phải kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, kết hợp giữa khôi phục và nâng cấp sau thiên tai với yêu cầu xây dựng lại tốt hơn. Đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai phải kết hợp nhiều mục tiêu. Bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng, phải có tổ chức bộ máy, thể chế tốt hơn nữa cho công tác phòng, chống thiên tai với tinh thần “gọn mà tinh, cán bộ phải giỏi, trách nhiệm phải cao, gắn trách nhiệm với quyền lợi của người dân, hướng về người dân”. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là vào theo dõi, quan trắc, dự báo. Về thể chế, chính sách, Thủ tướng nêu rõ, sẽ tiếp tục hoàn thiện, trong đó có chính sách về tài chính để hỗ trợ cho công tác này, thúc đẩy xã hội hóa, tạo điều kiện cho hợp tác công-tư…

Gợi mở những giải pháp cụ thể trong thời gian tới đối với các vùng miền, Thủ tướng nêu rõ, đối với khu vực miền núi bao gồm phía bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên, sạt lở đất, lũ quét, an toàn hồ đập, di dời dân là những vấn đề cần lưu ý nhiều trong chỉ đạo. Phải làm rõ quy trình vận hành liên hồ. Đối với vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, phải bảo đảm an toàn các công trình phòng, chống thiên tai, trong đó có hệ thống đê, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đê toàn vùng, nhất là Hà Nội. Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ với tinh thần “thuận thiên” trong ứng phó biến đổi khí hậu… Và ngay sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về phòng, chống thiên tai để các ngành, địa phương triển khai. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Nguồn nhandan.com.vn

Các tin khác