Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) là một khu vực được gắn kết với nhau bởi dòng sông Mê Công, có diện tích 2,6 triệu km2 và dân số khoảng 340 triệu người. Cơ chế hợp tác GMS được khởi xướng năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), gồm các nước thành viên là Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái-lan và Trung Quốc (với hai tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây). Với mục tiêu dài hạn là nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước thành viên, đưa tiểu vùng Mê Công mở rộng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở khu vực Đông - Nam Á, hợp tác GMS những năm qua đã được các nước chú trọng đẩy mạnh, đạt được những bước tiến quan trọng và thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác lớn trong và ngoài khu vực. Năm 2017 đánh dấu 25 năm thành lập cơ chế hợp tác GMS. Sau hơn hai thập niên hoạt động, cơ chế hợp tác GMS đã giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, đồng thời tăng cường tiếng nói của các nước thành viên.
Cơ chế hợp tác khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam (CLV) được Thủ tướng ba nước quyết định thành lập năm 1999, với mục tiêu nhằm tăng cường tình đoàn kết và sự hợp tác giữa ba nước, góp phần bảo đảm an ninh, ổn định chính trị, xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLV tập trung vào các lĩnh vực: An ninh - đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư… Sau hơn 18 năm được triển khai, cơ chế hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLV về cơ bản vẫn giữ vai trò là cơ chế gắn kết giữa ba nước, duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở 13 tỉnh biên giới và giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế thiết thực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực ở các tỉnh biên giới.
Việt Nam là thành viên tích cực và chủ động trong cả hai cơ chế hợp tác GMS và Tam giác phát triển CLV. Ngay từ những ngày đầu tham gia cơ chế hợp tác GMS, Việt Nam đã tích cực đóng góp vào hầu hết tất cả các sáng kiến hợp tác của GMS trong các lĩnh vực: Giao thông vận tải, năng lượng, đầu tư, thông tin và truyền thông, nông nghiệp... Sự tham gia của Việt Nam mang đến nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo, cũng như góp phần gia tăng liên kết kinh tế khu vực. Tính đến tháng 12-2017, các dự án hợp tác trong cơ chế GMS tại Việt Nam có quy mô đạt khoảng sáu tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng số khoản vay, trợ cấp của GMS. Hiện nay, Việt Nam là mắt xích quan trọng và là cửa ngõ cho các tuyến hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông -Tây và ven biển phía nam, có vai trò trọng yếu của GMS. Đối với cơ chế hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLV, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt về xây dựng tài liệu định hướng và danh sách dự án cụ thể.
Việc Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị cấp cao GMS-6 và Hội nghị cấp cao CLV-10 nhằm khẳng định, khu vực Mê Công là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam và là thị trường quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời tiếp tục truyền tải mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong việc thúc đẩy hợp tác tại khu vực tiểu vùng Mê Công nói chung, tại cơ chế hợp tác GMS và khu vực Tam giác phát triển CLV nói riêng. Các hội nghị cấp cao này cũng là dịp mở rộng và tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và nhiều đối tác quan trọng. Thông qua các hội nghị này, Việt Nam tiếp tục tạo ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế về một đất nước hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển năng động, con người Việt Nam sáng tạo, mến khách.
Với thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao, cùng sự ủng hộ, tín nhiệm của bạn bè quốc tế, chắc chắn rằng, Hội nghị cấp cao GMS-6 và Hội nghị cấp cao CLV-10 do Việt Nam chủ trì tổ chức sẽ thành công tốt đẹp, khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam không ngừng đóng góp để xây dựng khu vực tiểu vùng Mê Công hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và toàn diện.
Nguồn nhandan.com.vn