CÔNG AN BẠC LIÊU
QUY ĐỊNH NỒNG ĐỘ CỒN KHI LÁI XE TRONG DỰ THẢO LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Cập nhật ngày: 10-05-2024, lượt xem: 120
Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội Khóa XV thảo luận tại Kỳ họp thứ 6. Xung quanh câu chuyện nồng độ cồn với tài xế, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng cấm tuyệt đối hay nồng độ cồn bằng 0 là cần thiết để đảm bảo tính nghiêm minh, an toàn giao thông, tính mạng cho người dân...
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn, chia làm 02 nhóm: (1) Nhóm các quốc gia nghiêm cấm tuyệt đối vi phạm nồng độ cồn; (2) Nhóm các quốc gia quy định về ngưỡng nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở được phép đối với người lái xe, theo đối tượng: Mức chuẩn, Người lái xe thương mại (taxi, xe buýt, lái xe thuê) và người mới lái xe. Tuy nhiên, trong điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay có nhiều đặc thù, rất cần nồng độ cồn bằng không khi điều khiển phương tiện.

Theo khảo sát của một số Tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng vào loại cao trên thế giới (thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia), đây là tỷ lệ rất đáng báo động. Rượu bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, sử dụng rượu bia đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội (hơn 50% các vụ án giết người; gây rối trật tự công cộng; hiếp dâm; vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu bia, hơn 30% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có liên quan đến sử dụng rượu bia). Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Bên cạnh đó, Bộ Công an, Bộ Y tế đã tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tổ chức điều tra xã hội học, hội thảo khoa học về: “Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ”, lấy ý kiến các chuyên gia y tế tại các bệnh viện lớn của Việt Nam. Kết quả cho thấy “Rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi của con người, đặc biệt là những người sau khi sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông”. Các nhà khoa học đều đồng thuận cao, phải xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có sử dụng rượu, bia.

Theo số liệu thống kê cho thấy: (1) Từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023 số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra, trong số đó, 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra. Kết quả điều tra xã hội học đối với 43.765 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an, có 22.442 phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu, bia (chiếm 51,28%). (2) Từ năm 2018 đến năm 2023, tổng số lượt nạn nhân đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do tai nạn giao thông đường bộ gây ra là 2.742.395 lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn tương sọ não là 381.269 lượt người (chiếm 13,9%). Trong đó, số nạn nhân có liên quan đến rượu, bia là 425.619 lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn tương sọ não là 70.522 lượt người (chiếm 16,6%).


Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ tuần tra, kiểm soát,

bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn 

Có thể khẳng định quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn không phải là nội dung mới, mà được kế thừa của quy định tại Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở” và thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ).

Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, nhất là trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông trên cả nước nói chung, Công an tỉnh Bạc Liêu nói riêng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo tinh thần nghiêm minh “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, đã góp phần quan trọng làm giảm tai nạn giao thông, giảm gây rối trật tự công cộng, góp phần giúp người dân giảm bớt nỗi lo khi tham gia giao thông. Riêng trong năm 2023, khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, cần tiếp tục duy trì việc kiểm soát, xử lý quyết liệt, phát huy hiệu quả hơn nữa chủ trương này, dần hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”.
 
Hồng Thúy - Phòng Tham mưu Công an tỉnh

Các tin khác