Luật Căn cước năm 2023 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật Căn cước gồm 07 chương, 46 Điều, quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật Căn cước năm 2023 ra đời nhằm góp phần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 trong tình hình phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay. Theo đó, Luật Căn cước năm 2023 bao gồm 10 điểm mới cụ thể sau.
Thẻ Căn cước theo mẫu mới
Một là, chính thức đổi tên thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước
Trong thời điểm phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, việc đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước là để phù hợp, thống nhất với tên gọi các loại thẻ nhận dạng thông tin công dân của các nước trên thế giới (Idencity card – Thẻ căn cước hay thẻ nhận dạng cá nhân). Đồng thời, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước thì thông tin trên thẻ và thông tin được tích hợp vào thẻ không chỉ đơn thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây.
Việc đổi tên sẽ bảo đảm tính bao quát hơn và không tác động đến tâm lý người dân, vì tại Điều 46 Luật Căn cước đã quy định: Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật; thẻ Căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ Căn cước được quy định tại Luật này. Như vậy, việc đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước sẽ không tác động, ảnh hưởng đến giá trị các giấy tờ pháp lý có thể hiện thông tin số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân (công dân không phải thực hiện cấp đổi, cấp lại các giấy tờ này), đồng thời, thẻ Căn cước công dân vẫn còn giá trị sử dụng như thẻ Căn cước cho đến khi hết thời hạn sử dụng. Do đó, không ảnh hưởng đến chi phí của người dân, xã hội và ngân sách Nhà nước.
Hai là, Chứng minh nhân dân hết hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng, thì được sử dụng đến ngày 31/12/2024. Thẻ Căn cước công dân được cấp trước ngày 01/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ, công dân nếu có nhu cầu thì vẫn được cấp đổi sang thẻ Căn cước.
Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.
Ba là, bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin trong thẻ Căn cước.
Theo quy định tại Điều 22 Luật Căn cước, tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước là việc bổ sung vào bộ phận lưu trữ của thẻ Căn cước những thông tin ngoài thông tin về căn cước và được mã hóa. Thông tin được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Theo đó, thông tin được tích hợp vào thẻ Căn cước gồm: thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
Việc sử dụng các thông tin đã được tích hợp vào thẻ Căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác.
Bạc Liêu triển khai mô hình sử dụng thiết bị đọc QR,
đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân để xác thực định danh điện tử
Bốn là, bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định các thông tin lưu trữ gồm: họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; nhóm máu; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện; nơi thường trú; nơi ở hiện nay; tình trạng hôn nhân.
Luật Căn cước 2023 quy định, ngoại trừ những thông tin lưu trữ theo Luật Căn cước công dân 2014, còn bổ sung thêm một số trường thông tin, cụ thể: tên gọi khác; số định danh cá nhân; nơi sinh; số chứng minh nhân dân 09 số; ngày, tháng, năm, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ Căn cước, thẻ Căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp; nơi tạm trú; tình trạng khai báo tạm vắng; số hồ sơ cư trú; mối quan hệ với chủ hộ; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân 09 số các thành viên hộ gia đình tại nơi cư trú; số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử; thông tin khác theo quy định của Chính phủ.
Đối với Cơ sở dữ liệu căn cước, Luật Căn cước 2023 cơ bản vẫn giữ các trường thông tin lưu trữ cụ thể: họ, chữ đệm và tên khai sinh; tên gọi khác; số định danh cá nhân; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; nhóm máu; số chứng minh nhân dân 09 số; ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ Căn cước, thẻ Căn cước công dân, chứng minh dân 12 số đã được cấp; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện; nơi thường trú; nơi tạm trú; nơi ở hiện tại; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử; nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu. Đồng thời, bổ sung thêm trường thông tin sinh trắc học như mống mắt, ADN, giọng nói…
Việc thu thập thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói chỉ được thực hiện khi người dân tự nguyện cung cấp, hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính chi sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước. Đối với các trường thông tin khác như: email, số điện thoại, nghề nghiệp… là những thông tin không bắt buộc, những thông tin này được thu thập qua quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nhằm phục vụ lợi ích chính đáng của người dân.
Năm là, bổ sung Giấy chứng nhận căn cước cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam
Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam là người đang sinh sống tại Việt Nam, không có giấy tờ, tại liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam và nước khác nhưng có cùng dòng máu về trực hệ với người đã từng có quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống.
Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho đối tượng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam. Có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Sáu là, cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi từ ngày 01/7/2024
Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ Căn cước theo nhu cầu. Điều này phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh (hiện nay vẫn đang thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt) và các quy định pháp luật khác có liên quan, cũng như phù hợp với pháp luật của nhiều nước trên thế giới. Qua đó, góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy được giá trị của việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và tiện tích của thẻ Căn cước, tài khoản định danh điện tử.
Bảy là, từ ngày 01/7/2024, công dân sẽ có Căn cước điện tử
Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 Căn cước điện tử. Căn cước điện tử được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
Tám là, bỏ một số trường thông tin ghi trên thẻ Căn cước
Việc bỏ thông tin quê quán, vân tay, đặc điểm nhân dạng trên thẻ Căn cước để tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình sử thẻ Căn cước, bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ Căn cước.
Việc chỉnh lý thông tin “nơi thường trú” in trên thẻ Căn cước công dân thành “nơi cư trú” in trên thẻ Căn cước để phù hợp thực tiễn. Vì nhiều người hiện nay chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện nay hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú. Với quy định này thì tất cả người Việt Nam đều sẽ đủ điều kiện để được cấp thẻ Căn cước, đều được bảo đảm quyền lợi khi có được giấy tờ tùy thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự theo nhu cầu.
Chín là, thủ tục cấp thẻ Căn cước: phải lấy sinh trắc học mống mắt đối với các trường hợp công dân trên 06 tuổi
Thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt đối với các công dân từ từ đủ 06 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước.
Trường hợp người dưới 06 tuổi làm thẻ Căn cước do người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Đặc biệt, không thu thập thông tin nhận dạng và sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi.
Mười là, hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Với nhiều điểm mới và nội dung bổ sung so với Luật Căn cước công dân 2014, Luật Căn cước năm 2023 được thông qua và có hiệu lực thi hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện, xây dựng Chính phủ điện tử. Tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế./.
Phương Thảo