CÔNG AN BẠC LIÊU
Ngăn chặn bạo lực học đường – Trách nhiệm không của riêng ai!
Cập nhật ngày: 4-05-2024, lượt xem: 429
Gia đình, nhà trường và xã hội vẫn luôn là “chiếc kiềng 3 chân” vững chãi bảo vệ chính con em, học sinh của mình trước những vụ bạo lực học đường. Nếu những bậc cha mẹ, thầy cô, các ngành chức năng thờ ơ, coi đây chỉ là xích mích của con trẻ thì không thể chấm dứt tình trạng bạo lực học đường gây bức xúc như thời gian qua.
Nguyên nhân do đâu?
 
“Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường” là một trong những chủ đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh nhằm hướng đến một môi trường giáo dục thân thiện, lấy học sinh làm trung tâm. Nhưng rõ ràng, từ mục tiêu đề ra đi đến hoạt động thực tiễn vẫn còn một những bất cập nhất định. Thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường đang là vấn đề nan giải không những của các cơ quan quản lý giáo dục các cấp mà còn là mối lo ngại của mỗi gia đình khi trực tiếp tác động đến tinh thần, kết quả học tập của học sinh cũng như việc giảng dạy của các thầy cô giáo và sự phát triển của từng thế hệ con em chúng ta. Đây là một thực trạng không mới nhưng điểm đáng lưu tâm là gần đây xảy ra một số vụ tiềm ẩn nhiều hệ lụy như: học sinh nữ đánh nhau, làm nhục bạn học; học sinh hành hung giáo viên… trở thành chủ đề “nóng” trong dư luận xã hội.
 

02 đoạn clip về bạo lực học đường xảy ra tại huyện Hồng Dân và thị xã
Giá Rai lan truyền trên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội

Những ngày gần đây, các fanpage, diễn đàn trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip khoảng 04 phút ghi lại hình ảnh 04 học sinh nữ mặc đồng phục liên tục tác động vào mặt của một bạn nữ gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Ngay sau khi tiếp nhận vụ việc lan truyền trên mạng xã hội, các ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đã nhanh chóng xác minh, qua đó xác định 04 em học sinh có hành vi đánh bạn trong clip hiện đang học lớp 7 tại Trường THPT Ninh Thạnh Lợi (đào tạo cả 2 cấp: cấp II và cấp III), huyện Hồng Dân. Vụ việc xảy ra ngày 19/4/2024 ở bên ngoài trường, bạn nữ bị đánh là học sinh cũ, đã thôi học. Vụ việc trên vẫn đang trong quá trình xử lý thì không lâu sau trên Facebook lại tiếp tục lan truyền thêm đoạn clip 02 nữ sinh mặc đồng phục đánh bạn tại một khu nhà cho thuê trên địa bàn thị xã Giá Rai khiến dư luận bức xúc.

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Như vậy việc chú trọng đến phẩm chất người học; việc giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, thực hiện xuyên suốt.

Mặc dù đã có một số quy định pháp luật liên quan đến bạo lực học đường như tại Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, về các biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường, hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường, biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường; Thông tư số 38/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hội hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, quy định về xử lý khi xảy ra bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Tuy nhiên, bạo lực học đường vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
 

Lực lượng Công an tích cực trong công tác tuyên truyền về kiến thức phòng chống
bạo lực học đường và hậu quả của bạo lực học đường cho đoàn viên, thanh niên và học sinh

Theo phân tích của chúng tôi, bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Các em học sinh đang trong giai đoạn quan trọng hình thành nhân cách, cùng với đó là tâm lý không ổn định và cái “tôi” cá nhân cao, khó kiềm chế được lời nói, hành vi. Nhiều bậc phụ huynh bị cuốn theo vòng xoay kinh tế nên thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ và định hướng cho con cái. Một số trường học chưa thật sự quan tâm, theo dõi, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những mâu thuẫn trong nội bộ các em học sinh. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội, game online chứa cảnh bạo lực đã có những tác động tiêu cực đến quá trình hình thành tính cách, đạo đức của học sinh….

Từ những nguyên nhân có khách quan lẫn chủ quan nêu trên, gia đình, nhà trường và xã hội phải luôn xác định việc quan tâm chăm sóc trẻ em về tâm lý cũng quan trọng như việc đào tạo kiến thức. Cần tích cực rèn luyện cho con em, học sinh về kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người khác như ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo; tôn trọng nhân phẩm và thân thể của mọi người, sống chân thành, thật thà và suy nghĩ tích cực…

Bạo lực học đường: Trách nhiệm không của riêng ai!

Trước những thực trạng trong thời gian qua, cũng như những nguyên nhân được phân tích, làm rõ, chúng ta có những giải pháp để hạn chế tiến tới ngăn chặn triệt để bạo lực học đường trong thời gian tới. Đầu tiên và quan trọng nhất là hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống bạo lực học đường; cần xây dựng quy tắc ứng của cơ sở giáo dục. Các cơ sở giáo dục cần phải coi xây dựng văn hóa học đường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, ngăn ngừa bạo lực; trong đó đặc biệt quan tâm tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các tình huống gặp phải trong cuộc sống cho học sinh.
 

Nhiều sân chơi lành mạnh, giàu tính giáo dục được lực lượng Công an
thực hiện nhằm phòng chống hiệu quả hành vi bạo lực trong môi trường học đường

Cụ thể, ngoài việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống vào nội dung, chương trình môn học, nhà trường cần phải trang bị cho học sinh nhiều kỹ năng sống hơn, đặc biệt là các kỹ năng về quản lý cảm xúc, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn, giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội và cách ứng xử trên không gian mạng. Đồng thời tạo cho các em nhiều sân chơi, hoạt động lành mạnh, ý nghĩa, phù hợp với lứa tuổi; giúp học sinh nhận thức được các bài học của lòng nhân ái, bao dung, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với những người xung quanh.

Về phía lực lượng Công an, thời gian qua, Lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành tại các cơ sở giáo dục có xảy ra tình trạng bạo lực học đường, kịp thời có hướng xử lý phù hợp, đảm bảo an ninh, an toàn môi trường giáo dục. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai quyết liệt các phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng “Trường học an toàn về an ninh, trật tự”; các mô hình hiệu quả trong trường học như “Đội thanh niên xung kích”, “Đội an ninh trường học”, “Cổng trường an toàn”, “Lớp học không có học sinh vi phạm tệ nạn xã hội”,… đã khơi dậy ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh trong xây dựng trường học an toàn về an ninh, trật tự nói chung và phòng, chống bạo lực học đường nói riêng.
 

Lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền phòng chống
bạo lực học đường cho phụ huynh và học sinh ở nhiều cấp học

Bên cạnh đó, lực lượng Công an cơ sở còn chủ động triển khai thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự tại cổng trường và các khu vực xung quanh, ngăn chặn tối đa việc các đối tượng ngoài xã hội gây rối, đánh nhau, uy hiếp tinh thần các em học sinh. Vận động các hộ buôn bán tạp hóa, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, tiệm game… khu vực xung quanh các trường ký cam kết không phục vụ học sinh các hoạt động rượu bia, thuốc lá; không bán đồ chơi nguy hiểm, không chứa chấp tệ nạn xã hội và cầm cố tài sản của học sinh; không tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các chất ma túy, vũ khí, vật liệu nổ… Khi có vụ việc vi phạm xảy ra, lực lượng Công an luôn kịp thời có mặt để giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, nghiêm minh, thể hiện tính răn đe, giáo dục cao.

Song, những giải pháp trên vẫn mang tính khách quan từ các ngành, các cấp trong công tác quản lý giáo dục, quản lý xã hội. Để không còn tình trạng bạo lực học đường, thiết nghĩ phụ huynh phải đóng vai trò trọng yếu, thường xuyên quan tâm, theo dõi, chăm sóc và giáo dục con em của mình; không nên quá nuông chiều hoặc quá khắt khe trong dạy dỗ, tránh gây tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ em, làm cho các em có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, lệch chuẩn. Hơn ai hết, cha mẹ phải là người nêu gương về những chuẩn mực đạo đức để con cái noi theo!

Trọng Nguyễn

Các tin khác