Những ngày gần đây, các fanpage, diễn đàn trên mạng xã hội Facebook lan truyền những clip, hình ảnh liên quan đến 02 vụ xô xát của các em nữ sinh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh việc điều tra, làm rõ và có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với hành vi của các nữ sinh trên, thiết nghĩ cơ quan chức năng cũng cần có chế tài đối với các fanpage, tài khoản Facebook cố tình cắt ghép, chia sẻ những thông tin, hình ảnh chưa được kiểm chứng, gây nhiễu loạn thông tin trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
“Nhà báo online” và cuộc tìm kiếm “đâu là tin thật, đâu là giả”
Theo đó, từ một tài khoản Facebook chia sẻ đoạn clip khoảng 04 phút ghi lại hình ảnh 04 học sinh nữ mặc đồng phục liên tục tác động vào mặt của một bạn nữ mặc áo đỏ, quần sọc caro. Ngay sau đó, hàng loạt các fanpage chia sẻ lại trên giao diện chính với những câu từ theo kiểu “giật tít, câu like” như: “Nóng: Bé gái bị nhóm bạn đánh hội đồng…”, “Clip vụ nhóm học sinh đánh bạn, bọn trẻ giống dân anh chị quá…”, “Lớp 7 đánh bạn, toàn chị đại không à…” gây xôn xao dư luận xã hội trong suốt nhiều ngày liền. Đặc biệt, từ những bài đăng trên, ở phần bình luận có một tài khoản đã chia sẻ đoạn clip một nữ sinh bị 02 bạn nữ đánh; ngay lập tức, các fanpage này lại tải về và đăng lên giao diện chính với chiêu thức câu like tương tự: “Căng tiếp: Thêm clip bé gái học sinh ở Giá Rai bị đánh tới tấp…”, “Thêm bé gái bị đánh vào mặt dã man…”.
Thượng tá Lê Thị Nhân, Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Ngay sau khi tiếp nhận vụ việc lan truyền trên mạng xã hội, đơn vị có phối hợp với ngành chức năng để nhanh chóng xác minh, qua đó xác định 04 em học sinh có hành vi đánh bạn trong clip hiện đang học lớp 7 tại Trường THPT Ninh Thạnh Lợi (đào tạo cả 2 cấp: cấp II và cấp III), huyện Hồng Dân. Vụ việc xảy ra ngày 19/4/2024 ở bên ngoài trường, bạn nữ bị đánh là học sinh cũ, đã thôi học. Về nguyên nhân dẫn đến đánh nhau hiện phía nhà trường đang phối hợp làm rõ. Còn về vụ việc được cho là tại Giá Rai, hiện chúng tôi đang tích cực xác minh”.
Mặc dù vụ việc đang trong quá trình xác minh, xử lý, nhưng nhiều fanpage
lại cố tình liên tục chia sẻ với những câu từ theo kiểu “giật tít, câu like”
Điều đáng nói, mặc dù cả 02 vụ việc vẫn đang trong quá trình xác minh, xử lý, nhưng các fanpage trên mạng xã hội Facebook lại cố tình cắt nhỏ đoạn clip thành nhiều phần, liên tục đăng tải, chia sẻ trên nhiều tài khoản Facebook và liên kết đường link sang các nền tảng mạng xã hội khác như Zalo, Telegram, Youtube với mục đích không gì khác ngoài các lượt like, view, share từ cộng đồng mạng. Đây cũng chính là thực trạng chung mà người dùng mạng xã hội hiện nay gặp phải khi liên tục xuất hiện những luồng thông tin chưa được kiểm chứng nhưng được chia sẻ rộng rãi nhằm gây lầm tưởng đây là các trang báo điện tử, dẫn đến thực trạng người dân không biết “đâu là tin thật, đâu là giả”!
Thực tế việc các tài khoản, fanpage trên mạng xã hội hiện nay đang tự cho mình là những “nhà báo online” là một vấn đề không mới. Bởi theo Quyết định số 1418/QĐ-BTTTT, ngày 22/7/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành “quy định tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” tạp chí”, đã định nghĩa rất cụ thể về thực trạng này: “mạng xã hội có hình thức trình bày, đưa nội dung thông tin với danh nghĩa người dùng mạng xã hội nhưng thực chất được sản xuất, sao chép như tác phẩm báo chí gây hiểu lầm là báo điện tử”.
Điển hình như 02 vụ nhóm nữ sinh đánh bạn đã nêu trên, khi lướt trên ứng dụng mạng xã hội Facebook, người dùng không quá khó để bắt gặp hàng chục các tài khoản, fanpage có nội dung “báo hóa”. Hàng loạt những thông tin từ các trang này không chỉ giật tít câu like, câu view, thậm chí đăng lại những nguồn tin “lượm lặt” từ những tờ báo “lá cải” hoặc từ những bình luận thiếu kiểm chứng, gây nhầm lẫn, hoang mang cho người dân. Cách trình bày của các trang này cũng dễ gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí. Đơn cử như tên miền sử dụng từ ngữ gây như “tin tức”, “tin nóng”, “tin nhanh”… Giao diện không ghi rõ là mạng xã hội mà chỉ ghi là cơ quan, tiếng nói, diễn đàn. Ngoài ra, không ít trang còn bố trí giao diện trang chủ thành các chuyên mục và đăng tải, tổng hợp các đường link, hiển thị nội dung bài viết, tiêu đề, nội dung chú thích ảnh, video clip... như một tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp dễ gây nhầm lẫn cho người dùng mạng xã hội.
Hãy là người dùng mạng thông minh!
Trước tình trạng “nhà báo online” xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội như hiện nay, Công an tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình trên không gian mạng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trang thông tin, tài khoản mạng xã hội của tổ chức, cá nhân, đăng tải, chia sẻ các nội dung xấu độc, sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xúc phạm uy tín, danh dự của người khác…
Trung tá Nguyễn Văn Đương, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Đơn vị tích cực tham mưu Lãnh đạo Công an tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Trong quý I/2024, đã phát hiện 19 trường hợp vi phạm; qua đó, tiến hành làm việc, xử lý 10 trường hợp buộc tháo gỡ nội dung sai sự thật, chuyển hồ sơ cho Cục An ninh mạng Bộ Công an và Công an một số tỉnh, thành 05 trường hợp để phối hợp xử lý, đang tiếp tục điều tra, làm rõ 04 trường hợp”.
Cơ quan chức năng làm việc với 01 trường hợp
đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook
Điều đáng nói, khi tiến hành làm việc với các trường hợp đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội, đa phần đều không biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật, mà chỉ nghĩ đơn giản là muốn thu hút sự chú ý từ mọi người nhằm có nhiều view, nhiều like hoặc có một số trường hợp do nắm bắt thông tin không đầy đủ, không kịp thời, thiếu kiểm chứng từ các báo “lá cải” hoặc các fanpage của những “nhà báo online” trên mạng xã hội rồi vô tư đăng lên Facebook, Zalo cá nhân mà không hề nghĩ hậu quả gây ra trong cộng đồng. Vậy mới thấy, ý thức sử dụng mạng xã hội trong một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ còn khá hạn chế. Lo ngại hơn, những hành vi này sẽ gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều “nhà báo online” trên mạng xã hội như hiện nay, đòi hỏi các ngành chức năng cần có biện pháp xử lý hiệu quả nhằm giảm thiểu tác hại có thể xảy ra đối với các thông tin sai sự thật đang tràn lan trên không gian mạng. Trong đó, quan trọng nhất là nâng cao chất lượng công tác giám sát, phát hiện, xử lý hành vi phát tán tin sai sự thật và sự chung tay của Nhân dân trong tâm thế “nói không” với tin giả, tin không chính thống trên các trang mạng xã hội.
Người dân nên tiếp thu thông tin từ báo, đài chính thống và kịp thời báo cho
cơ quan Công an khi phát hiện các trang mạng xã hội chia sẻ thông tin sai sự thật
Song, để có thể ngăn chặn triệt để thực trạng này, Công an tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo mọi người dân không đăng tải, chia sẻ những thông tin thiếu kiểm chứng, không chính thống, sai sự thật, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Khi tiếp nhận thông tin trên các trang mạng xã hội cần có sự chọn lọc, chỉ tiếp thu thông tin từ báo, đài chính thống và các trang thông tin do cơ quan nhà nước quản lý. Đồng thời, trang bị cho mình kiến thức về pháp luật và khả năng tự kiểm chứng, tự sàng lọc thông tin. Đó chính là “vắc-xin” hữu hiệu nhất để tăng “sức đề kháng” trước những thông tin sai sự thật và có ứng xử phù hợp trên không gian mạng.
Công an tỉnh Bạc Liêu cũng kêu gọi người dân kịp thời báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện các trang thông tin, tài khoản mạng xã hội đăng tải, chia sẻ những nội dung xấu độc, sai sự thật, để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, góp phần đảm bảo ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương./.
Trọng Nguyễn