Tạo môi trường an ninh, an toàn, phát triển nền kinh tế xứ biển Bạc Liêu
Cùng với sự hội nhập, phát triển của đất nước và chính sách mở cửa thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, Bạc Liêu đã có nhiều công trình, dự án lớn được đầu tư, xây dựng trên địa bàn. Đây là điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, song cũng đặt ra thách thức to lớn trong công tác bảo vệ đường lối, chính sách phát triển kinh tế trước tác động của nền kinh tế thị trường.
Quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong bảo đảm an ninh kinh tế
Nhận thức rõ các nguy cơ, thách thức đối với nền kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, công tác bảo đảm an ninh kinh tế luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể, tạo cơ sở quan trọng để thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, bảo đảm quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về kinh tế.
Đồng chí Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
tặng Bằng khen cho các công nhân, viên chức, lao động điển hình tiên tiến
Phát biểu tại Hội nghị “Biểu dương điển hình tiên tiến công nhân, viên chức, lao động trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2018 – 2023” vào ngày 23/8/2023, đồng chí Lê Tấn Cận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh: “Để nền kinh tế phát triển ổn định thì vấn đề giữ vững ANTT là yêu cầu then chốt. Do đó, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp,... tổ chức thực hiện nhiệm vụ kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh; khắc phục những hạn chế về nhận thức và cách làm thuần túy về kinh tế, xem nhẹ việc bảo đảm an ninh. Đồng thời, phải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho công nhân, viên chức, người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các cơ quan, doanh nghiệp; tạo môi trường an ninh, an toàn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước”.
Nhờ vậy, tiềm lực nền kinh tế của tỉnh Bạc Liêu không ngừng tăng qua từng năm, kể cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tình hình mọi mặt của tỉnh đã có chuyển biến, tiến bộ rõ nét, tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ khá cao, năm sau cao hơn năm trước và thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Đặc biệt, 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội đều hình thành trên thế mạnh vững chắc, sẽ là những nền tảng quan trọng của tỉnh trong chặng đường phát triển. Trong thành công chung đáng mừng đó, có vai trò rất quan trọng của lực lượng Công an tỉnh nhà.
Đại tá Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Xuất phát từ vị trí, chức năng trong bảo đảm an ninh kinh tế, thời gian qua, Công an Bạc Liêu đã chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh kinh tế, các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế; phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các ngành kinh tế. Tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về kinh tế, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Phối hợp, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương bảo đảm an ninh, an toàn các hoạt động kinh tế, các khu công nghiệp; xây dựng và triển khai nhiều giải pháp bảo đảm ANTT tại các dự án, công trình, mục tiêu kinh tế trọng điểm; bảo đảm an ninh trên các lĩnh vực du lịch, nông, lâm nghiệp và kinh tế biển”.
Bảo đảm an ninh, an toàn, tạo thuận lợi phát triển du lịch – một trong 05 trụ cột
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Công an tỉnh đã chủ động nắm, phân tích, đánh giá, dự báo những tác động ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, tài chính của thế giới và Việt Nam để tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Đặc biệt, đã làm tốt công tác phối hợp, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện hơn 300 văn bản các loại, bao gồm quy chế phối hợp, kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, an toàn tại các cơ quan, doanh nghiệp, các công trình, mục tiêu kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về ANTT trên lĩnh vực kinh tế; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là tại các cơ quan, doanh nghiệp, qua đó xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng trong việc thu thập thông tin, xác minh, đánh giá hàng trăm dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh; qua đó tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm, bảo đảm hiệu quả trong thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển chung của tỉnh. Tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp vận động, giải quyết dứt điểm nhiều trường hợp tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng triển khai các dự án, không để hình thành các “điểm nóng” về ANTT. Đặc biệt, lực lượng Công an cũng chủ động nghiên cứu, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, giao thông, xây dựng, từ đó kiến nghị các cấp, các ngành xử lý theo quy định, bảo đảm việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quản lý ngân sách, đầu tư công, tài sản công, đảm bảo môi trường thuận lợi, an ninh, an toàn nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Triệt tiêu các tác nhân ảnh hưởng đến nền kinh tế
Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các ngành kinh tế cũng được thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Công an tỉnh đã chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương căn cứ tình hình thực tế và chức năng, nhiệm vụ để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, Công an tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan điều tra tập trung làm rõ và xử lý nghiêm đúng theo quy định pháp luật.
Nhiều vụ án tham nhũng kinh tế được đưa ra xét xử nghiêm minh,
đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thụ lý, điều tra 08 vụ, 13 bị can liên quan đến tham nhũng.
Đặc biệt, thời gian qua nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến kinh tế được đưa ra xét xử nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội. Đáng chú ý phải kể đến bản án chung thân đối với bị cáo Bạch Thu Loan, (sinh năm 1971, cựu Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính - Tài vụ, Ban Quản lý dự án xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Bạc Liêu) về tội “Tham ô tài sản”; 02 năm tù giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Nguyễn Văn Thăm (sinh năm 1965, cựu Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh). Vụ tham nhũng tại Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu từng gây xôn xao dư luận cũng được xét xử nghiêm minh với bản án 07 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Bùi Quang Ánh (sinh năm 1962, cựu Giám đốc Trung tâm) và các bị cáo là thuộc cấp của Ánh gồm: Bùi Mạnh Hòa (sinh năm 1976), Lê Trung Kiên (sinh năm 1975) và Ngô Văn Tá (sinh năm 1976) với các mức án lần lượt là chung thân, 27 năm tù giam, 22 năm tù giam về các tội “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Để đảm bảo nền kinh tế được phát triển ổn định, Công an tỉnh cũng thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế; trong đó, tập trung xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, vi phạm pháp luật liên quan đến đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu,… góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa tỉnh nhà trên thị trường trong và ngoài nước. Trong 06 tháng đầu năm 2023, Công an tỉnh đã khởi tố 09 vụ, 12 bị can phạm tội về kinh tế; xử phạt hành chính 81 vụ, 84 đối tượng vi phạm pháp luật về kinh tế với tổng số tiền trên 01 tỷ đồng.
Bảo đảm an ninh trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế
Chia sẻ về công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong thời gian tới, Đại tá Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Để tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ đường lối, chính sách phát triển kinh tế của tỉnh, Công an tỉnh sẽ tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra các chương trình, kế hoạch phát triển tổng hợp nền kinh tế của tỉnh, xác định nhiệm vụ bảo đảm an ninh kinh tế là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy, các ngành và toàn dân. Đây là điều kiện “tiên quyết” góp phần tạo tiền đề, môi trường thuận lợi, an ninh, an toàn cho sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh nhà”.
Công an tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong chủ động phát hiện, phối hợp đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế. Nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh kinh tế của cơ quan chức năng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bình thường của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bảo đảm an ninh kinh tế là phần không tách rời trong từng chính sách,
kế hoạch và trong từng dự án đầu tư phát triển kinh tế
Trong quá trình thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư phải quan tâm đến bảo đảm ANTT; bảo đảm an ninh kinh tế là phần không tách rời trong từng chính sách, kế hoạch và trong từng dự án đầu tư phát triển kinh tế. Do đó, lực lượng Công an sẽ trực tiếp tham gia vào công tác thẩm định, cấp phép, thi công các dự án hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài trên các địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh của tỉnh. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ an ninh kinh tế, nhất là các vấn đề liên quan đến môi trường, đất đai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tăng cường đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn lợi dụng kinh tế để làm tổn hại, suy giảm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế của tỉnh; phát hiện, xử lý kịp thời các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh kinh tế. Bảo đảm việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý ngân sách, đầu tư công, tài sản công, an ninh thông tin, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò tham mưu nòng cốt của lực lượng Công an, tin chắc rằng công tác bảo đảm an ninh, an toàn kinh tế sẽ luôn được giữ vững, góp phần nâng cao vị thế kinh tế của tỉnh nhà trong khu vực và cả nước./.
Trọng Nguyễn