Tăng cường phòng, chống tội phạm chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
Hiện nay, hoạt động của tội phạm chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có ngày càng phổ biến và tinh vi, là “đầu ra” của nhiều loại tội phạm xâm phạm sở hữu như: trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản… Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm trên, Công an tỉnh Bạc Liêu đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả.
Tăng cường các biện pháp phòng ngừa
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, với tâm lý chuộng rẻ, một bộ phận người dân thích mua và sử dụng tài sản có được do người khác phạm tội mà có, thông thường do các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản gây ra. Việc tiêu thụ, mua bán các loại tài sản trên là việc làm tiếp tay cho bọn tội phạm có động cơ thực hiện hành vi phạm tội. Chính vì vậy, song song với việc phát sinh các tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản thì tội phạm tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng từ đó phát sinh theo.
Nhận thức rõ vấn đề trên, Công an tỉnh Bạc Liêu đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm phạm sở hữu nói chung, tội phạm và vi phạm pháp luật về chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nói riêng.
Thường xuyên xây dựng, nhân rộng các mô hình, tổ chức quần chúng tích cực trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nhằm tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác, không để đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm. Duy trì, phát huy hiệu quả các hình thức tố giác tội phạm, đường dây nóng, hộp thư điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tích cực tham gia tố giác tội phạm và cung cấp thông tin cho lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Đại tá Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh
cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Thời gian qua, lực lượng Công an toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, góp phần ngăn chặn, hạn chế xảy ra tội phạm và vi phạm pháp luật về chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Thường xuyên rà soát, xác định số lượng, quy mô, phạm vi hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn, nhất là các cửa hàng mua bán đồ cũ, linh kiện, phụ tùng xe, điện thoại; cơ sở kinh doanh vàng bạc, dịch vụ cầm đồ… đặc biệt đối với số cơ sở, nhân viên có biểu hiện vi phạm. Siết chặt việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, tổ chức ký cam kết cho 100% các cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm quy định pháp luật; thường xuyên thanh tra, kiểm tra hành chính định kỳ, đột xuất, kiên quyết xử lý, thu hồi giấy chứng nhận đối với cơ sở vi phạm, qua đó kịp thời phát hiện tài sản là vật chứng trong các vụ án. Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, lực lượng Công an còn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh chấp hành đúng các quy định của pháp luật nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đồng thời, làm tốt công tác quản lý cư trú đối với số công nhân, lao động ngoại tỉnh, nhân viên hoạt động tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; thường xuyên tổ chức kiểm tra hoạt động của các cơ sở lưu trú, kho hàng, bến bãi… để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm, không để hình thành các điểm tập kết, trung chuyển tài sản do phạm tội mà có.
Lãnh đạo Công an tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông chủ động rà soát, lập danh sách các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không đăng ký hoặc đăng ký không chính chủ; phối hợp với các lực lượng chức năng xác minh những trường hợp nghi ngờ sử dụng đăng ký xe, tem kiểm định, biển số phương tiện không do cơ quan có thẩm quyền cấp; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nhất là cửa hàng, cửa hiệu cầm đồ, mua bán xe ô tô, xe gắn máy, linh kiện, phụ tùng xe đã qua sử dụng; phối hợp với các lực lượng có liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm về tội phạm xâm phạm sở hữu nhằm phát hiện các đối tượng, băng nhóm, đường dây chứa chấp, tiêu thụ xe mô tô, xe gắn máy là vật chứng trong các vụ án, góp phần xử lý nghiêm hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra
phương tiện lưu thông trên các tuyến, địa bàn trọng điểm
Kiên quyết đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm
Bên cạnh công tác phòng ngừa, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, qua đó kiên quyết đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có… xảy ra trên địa bàn; kịp thời phát hiện, đấu tranh triệt xóa các đường dây, tụ điểm, đối tượng lợi dụng kinh doanh tài chính, thế chấp, cầm đồ, mua bán, trao đổi đồ cũ để tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có.
Mới đây, Công an tỉnh Bạc Liêu đã triệt phá thành công chuyên án đấu tranh với băng nhóm thực hiện nhiều vụ trộm cắp tài sản tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó đã khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng thực hiện hành vi “Trộm cắp tài sản” và “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, góp phần bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Theo hồ sơ của cơ quan Công an, khoảng đầu tháng 3/2023, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến cơ quan Công an trình báo bị mất trộm tài sản. Công an tỉnh Bạc Liêu đã nhanh chóng phân công lực lượng rà soát địa bàn, khoanh vùng các đối tượng nghi vấn. Qua đó, xác định được một băng nhóm gồm nhiều đối tượng hoạt động liên tỉnh, thực hiện nhiều vụ trộm cắp tài sản theo hình thức trộm đột nhập. Trên cơ sở đó, ngày 08/3/2023, Giám đốc Công an tỉnh đã ký Quyết định xác lập Chuyên án đấu tranh.
Sau khi xác lập Chuyên án, Ban Chuyên án đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự phối hợp Công an các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh tiến hành xác minh các đối tượng trong băng nhóm; đồng thời rà soát, tổng hợp các vụ việc trộm cắp tài sản xảy ra trên địa bàn. Qua đó xác định Trần Minh Thiên (sinh năm 1996, ngụ ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) là đối tượng cầm đầu, cấu kết với nhiều đối tượng ngoài tỉnh thực hiện các vụ trộm đột nhập vào ban đêm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Đồng thời, tiếp tục bắt giữ Nguyễn Hoàng Hải (sinh năm 1991, ngụ Khóm 6, Phường 7, thành phố Bạc Liêu) và Nguyễn Hữu Thanh Xuân (sinh năm 1991, ngụ Khóm 1, Phường 3, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Nguyễn Hoàng Hải và Nguyễn Hữu Thanh Xuân bị bắt giữ
về hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”
Thượng tá Hoàng Ngọc Đạo, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: Trên cơ sở kết quả điều tra, các đối tượng trong băng nhóm đã thực hiện trên 100 vụ trộm cắp tài sản tại Bạc Liêu và các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với tổng số tài sản thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố, bắt tạm giam 06 bị can về hành vi “Trộm cắp tài sản” và “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Thời gian tới, Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tập trung điều tra, truy tố các bị can, đồng thời mở rộng chuyên án đấu tranh, kiên quyết xử lý nghiêm tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
Chế tài xử lý đối với hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có tại Bộ luật Hình sự hiện hành đã quy định cụ thể, đảm bảo tính răn đe đối với hành vi vi phạm. Theo đó, Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Người phạm tội còn có thể bị phạt tù lên đến 15 năm, bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản tùy vào các trường hợp cụ thể.
Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng, người dân cần nâng cao ý thức ngăn chặn loại tội phạm này; không mua bán, trao đổi tài sản do người khác phạm tội mà có; mạnh dạn tố giác với cơ quan chức năng khi phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi mua bán, trao đổi tài sản phạm tội, qua đó tạo cơ sở, manh mối quan trọng cho việc điều tra, khám phá các vụ án, xác định đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương./.
Trọng Thức