CÔNG AN BẠC LIÊU
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của tội phạm trên không gian mạng
Cập nhật ngày: 10-09-2024
Thời gian qua, trên cả nước tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho mọi người. Mặc dù, Công an tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền để cảnh báo, nhưng vẫn còn nhiều người trở thành nạn nhân của tội phạm này. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu 8 tháng đầu năm 2024, đã xảy ra 04 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, với thiệt hại trên 7,7 tỷ đồng.
Nhằm tiếp tục cảnh báo đến mọi người, Công an tỉnh thông tin một số thủ đoạn lừa đảo của tội phạm trên không gian mạng đó là:

(1) Thủ đoạn lừa đảo bằng cuộc gọi video Deepfake:

- Dấu hiệu nhận biết: Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến. Phần lớn thời gian các cuộc gọi thường rất ngắn, khuôn mặt của người gọi thiếu tính cảm xúc và khá “trơ” khi nói, hoặc tư thế không tự nhiên; màu da của nhân vật trong video bất thường, âm thanh sẽ không đồng nhất với hình ảnh, ngắt cuộc gọi giữa chừng, giả vờ mất sóng, sóng yếu, yêu cầu chuyển tiền mà tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi.

- Điều cần làm: Khi nhận được một yêu cầu chuyển tiền gấp, mọi người trước tiên hãy bình tĩnh và xác minh thông tin, liên lạc trực tiếp với người thân, bạn bè qua một kênh khác xem đúng là họ có cần tiền không. Kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền, nếu tài khoản lạ, tốt nhất không nên tiến hành giao dịch. Nếu cuộc gọi từ người tự xưng là người đại diện cho ngân hàng, hãy gác máy và gọi trực tiếp cho ngân hàng để xác nhận cuộc gọi vừa rồi có đúng là ngân hàng thực hiện hay không. Các cuộc gọi thoại hay video có chất lượng kém, chập chờn, là một yếu tố cần nghi ngờ người gọi cũng như tính xác thực cuộc gọi.

(2) Thủ đoạn lừa đảo bằng cách giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu:

- Dấu hiệu nhận biết: Các đối tượng lừa đảo tự xưng là giáo viên/ nhân viên y tế, gọi điện cho phụ huynh, học sinh thông báo rằng con em/ người thân họ đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Những đối tượng này thay phiên nhau gọi điện thúc giục cha mẹ chuyển tiền cứu con, nếu không hoặc chậm nộp tiền thì con của họ sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Một số đối tượng thuộc lòng thông tin về trường, lớp học của con, tên giáo viên chủ nhiệm, thầy cô, hiệu trưởng khiến phụ huynh nhất thời tin tưởng. Một số dấu hiệu nghi ngờ cần lưu ý như cách xưng hô khác thường ngày, không thể cung cấp thông tin cá nhân của mình một cách rõ ràng, thời gian gọi điện vào giờ nghỉ trưa, giữa đêm hay giờ tan tầm.

- Điều cần làm: Khi nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn bất thường cần bình tĩnh, cẩn thận, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung mà đối tượng đưa ra. Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ lai lịch. Tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất kỳ hình thức nào (nếu đã chuyển phải báo ngân hàng phong tỏa ngay số tiền đã chuyển). Mọi người cần hạn chế chia sẻ thông tin, hình ảnh cá nhân, con cái, danh tính của mình lên mạng xã hội.

 (3) Thủ đoạn lừa đảo bằng cách tuyển dụng Cộng tác viên online:

- Dấu hiệu nhận biết: Các đối tượng lừa tuyển cộng tác viên việc nhẹ, lương cao, giả mạo các trang sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Các đối tượng lừa đảo thường yêu cầu nạn nhân nộp một khoản tiền tạm ứng trước khi bắt đầu công việc mà không cung cấp công việc thực tế và yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, bao gồm số thẻ tín dụng hoặc thông tin ngân hàng, với lý do để thực hiện thanh toán hoặc tạo tài khoản.

- Điều cần làm: Người dân cần cảnh giác khi tham gia vào một chương trình tuyển cộng tác viên, hãy yêu cầu xem hợp đồng hoặc thỏa thuận liên quan, nếu không có hợp đồng hoặc thỏa thuận rõ ràng, có thể sẽ gặp rủi ro bị lừa đảo; người dân cũng cần kiểm tra thông tin về công ty hoặc người tuyển dụng, nếu không có thông tin rõ ràng hoặc không có thông tin liên hệ, đó có thể là dấu hiệu của một hoạt động lừa đảo...
 

Lực lượng Công an tỉnh Bạc Liêu làm việc với đối tượng
lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
 
Để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Công an tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo mọi người thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm; cảnh giác khi nhận các cuộc gọi từ số máy lạ; thận trọng, rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử, giao dịch trực tuyến. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động phạm tội thì kịp thời thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết./.

Hà Mi

Các tin khác