Một ngày đầu tháng 5 năm ngoái, khi đang lưu thông trên đường tại khu vực chợ P.4, TP Tây Ninh, anh Đặng Văn Phúc, đội trưởng đội cứu nạn giao thông, phát hiện vụ tai nạn giữa hai xe gắn máy. Nạn nhân là anh N.T.T. nằm bất tỉnh tại chỗ.
Anh Phúc và các thành viên trong đội kiểm tra và đưa anh T. vào Bệnh viện Lê Ngọc Tùng cấp cứu. Sau đó do bị thương quá nặng, T. được chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy và hiện đã hồi phục.
Ông Nguyễn Thanh Liêm (48 tuổi, nhà ở ấp Hiệp Hòa, xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành), cha anh T., nói: “Chiều đó con tôi đi chơi cùng bạn bè nhưng không may bị tai nạn. Nhóm của anh Phúc đã đưa cháu đi cấp cứu kịp thời. May mắn lắm đó!”.
Mới đây nhất, khuya 8-3, trên đường đi tuần anh và đội nhận được tin báo có vụ tai nạn giao thông tại bùng binh cửa 6 nội ô Tòa thánh Tây Ninh. Vụ tai nạn làm anh P.N.T. té xuống đường và bất tỉnh tại chỗ. Đội cứu nạn đến, qua kiểm tra sơ cứu đã chuyển anh bằng xe cứu thương hai bánh của đội đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.
Anh Phúc cho biết hơn một năm nay, đội đã tham gia cứu và hỗ trợ cứu người tai nạn khoảng 60 vụ. Anh chia sẻ công việc cứu nạn bất kể ngày đêm, đang làm việc nhưng nghe người dân báo có tai nạn là các thành viên bỏ việc chạy đi cứu người.
“Cứu người là quan trọng nhất. Mình đến sớm chút nào là còn hi vọng chút đó. Nhiều vụ tai nạn nạn nhân nằm bất động, người dân tưởng họ chết nên không dám động vào nhưng đội cứu hộ tới, kiểm tra mạch còn đập là tìm cách hỗ trợ đưa đi cấp cứu ngay và họ được cứu sống” - anh Phúc nói.
Còn nhiều trăn trở
Chia sẻ về sự ra đời của đội cứu nạn giao thông, anh Phúc cho hay do thường ngày chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông, nạn nhân bị thương tích nhưng ít được giúp đỡ nên đầu năm ngoái anh bỏ tiền túi mua các dụng cụ y tế và dùng chiếc xe máy của mình làm xe cấp cứu tình nguyện.
Ban đầu chỉ có mình anh nhưng rồi một số bạn thanh niên thấy việc làm ý nghĩa nên xin gia nhập. Trong đó có một số tình nguyện viên vốn là nạn nhân được anh cứu giúp. Đến nay đội có 30 thành viên, trong đó có bảy nữ. Các thành viên làm nhiều nghề khác nhau: thợ cơ điện, thợ hồ, thợ sửa xe, bán thuốc tây...
Để hoạt động, các thành viên trong đội tự nguyện bỏ tiền túi đổ xăng, mua dụng cụ sơ cứu như bông băng, nẹp... và dùng xe cá nhân làm phương tiện đi tuần cũng như đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Theo anh Phúc, hoạt động của đội vẫn còn nhiều khó khăn. Trước tiên là về kỹ năng sơ cấp cứu. Hiện trong đội có bốn thành viên nữ từng học ở các trường trung cấp y tế, nên về cơ bản việc sơ cứu cho nạn nhân bước đầu được thực hiện khá bài bản. Thế nhưng, không phải lúc nào các thành viên này cũng có mặt ở hiện trường kịp thời.
“Đội luôn mong muốn có một đơn vị chuyên nghiệp huấn luyện các thành viên kỹ năng sơ cứu nạn nhân một cách bài bản, để khi có tai nạn thì các thành viên đều có thể cứu người hiệu quả nhất” - anh Phúc mong muốn.
Khó khăn nhất của đội là chi phí hoạt động. Các thành viên chia sẻ dù là tình nguyện nhưng không có chi phí thì không thể hoạt động được. “Các thành viên khá giả thì tự bỏ tiền túi đổ xăng. Còn tôi công việc chính là chạm khắc gỗ, lấy tiền công, tiền lời để hỗ trợ đội tiền xăng, tiền ăn khuya, tiền mua các dụng cụ sơ cấp cứu” - anh Phúc cho hay.
Hiện tại mỗi tuần vào các ngày thứ ba, năm, bảy, chủ nhật, đội còn tranh thủ đi tuần ca đêm nhằm giúp đỡ những người bị nạn, bị hư xe máy dọc đường. “Đi tuần phát hiện có người bị hư xe thì chúng tôi sửa, thủng lốp thì vá. Trong đội chúng tôi có các thành viên làm nghề sửa xe gắn máy nên giúp được” - anh Phúc nói.
Nguồn:tuoitre.vn