Lô Khánh Minh (SN 1982), là người đồng bào dân tộc Tày, trú tại phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa. Năm 1999, mới chỉ 17 tuổi, vì mâu thuẫn tranh chấp đất đai với người hàng xóm mà Minh đã dùng súng bắn chết người, rồi bỏ trốn biệt tích khỏi địa phương. Nhiều lần các cán bộ Cảnh sát truy nã tội phạm tiến hành xác minh, truy tìm nhưng tung tích về đối tượng đặc biệt nguy hiểm này vẫn bặt vô âm tín.
Xác định Minh thỉnh thoảng vẫn liên lạc với gia đình, Thiếu tá Ngô Văn Dũng đã trực tiếp đến nhà bà Lâm Thị Hồng (mẹ ruột của Lô Khánh Minh) để tuyên truyền, vận động bà Hồng đưa con ra đầu thú. Ban đầu, bà Lâm Thị Hồng có ý định bất hợp tác, nhưng bằng sự kiên trì và tâm huyết trong nhiều lần đến thăm nhà, Thiếu tá Dũng đã ân cần giúp đỡ, động viên. Lô Khánh Minh bỏ trốn, chồng của bà Hồng bệnh và mất, hoàn cảnh rất éo le. Có lần anh phải đưa bà Hồng đi cấp cứu vì bà bị suy thận nặng. Xúc động trước sự chân thành của Thiếu tá Dũng, bà Hồng đã khuyên nhủ, động viên Lô Khánh Minh đang trốn ở Đồng Nai về đầu thú. Tháng 6 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã xét xử, tuyên phạt Lô Khánh Minh 10 năm tù về tội giết người. Đối tượng đã được xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt vì tự nguyện ra đầu thú với cơ quan pháp luật.
Thiếu tá Ngô Văn Dũng. |
Trong một vụ án khác, Phạm Thị Thu Hiền (SN 1958), trú tại quận 8, TP Hồ Chí Minh bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông ra quyết định truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng trị giá lên đến 5 tỷ đồng. Sau khi gây án, Hiền đã bỏ trốn sang tỉnh Carache (Campuchia) sống chui lủi trong các bãi khai thác vàng của nước bạn. Thiếu tá Dũng phát hiện ra nơi ẩn náu của đối tượng nhưng anh quyết định không tổ chức vây bắt mà tiến hành vận động, giải thích cho người nhà đối tượng tự ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng. Trước sự chân thành, nhiệt huyết của anh, một ngày cuối tháng 8 năm 2013, Phạm Thị Thu Hiền đã vượt hơn 1.000 cây số từ nước bạn Campuchia về Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Đắk Nông để đầu thú.
Tính từ năm 2010 đến nay, tập thể cán bộ chiến sỹ Cảnh sát truy nã đã vận động được hơn 120 đối tượng ra đầu thú. Riêng trong năm 2015, Phòng đã vận động đầu thú 32 đối tượng, trong đó có 10 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Đại tá Vi Đức Bảo, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, công tác vận động đối tượng ra đầu thú là một việc làm nhân văn cần được nhân rộng, bởi nó tạo nên một hình ảnh mới và đẹp của người cán bộ làm công tác truy nã. Lính truy nã không chỉ có truy tìm, lùng bắt mà ngược lại còn có thể dùng cái tâm, cái tài của mình để vận động thuyết phục đối tượng cũng như người nhà đối tượng ra đầu thú. Vận động đầu thú giúp tiết kiệm sức người, sức của, giúp cho người phạm tội được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật và có cơ hội được trở về với nẻo thiện.
Nguồn cand.com.vn