Công an các quận, huyện ở Hà Nội đã lên kế hoạch "dẹp loạn", bắt giữ, xử lý nhiều nhóm "báo con" này. Tuy nhiều ổ nhóm càn quấy đường phố bị bắt giữ nhưng thực trạng này đang thực sự đáng báo động.
1. "Báo con" là từ mà dân chơi đêm hay dùng để nói tới một nhóm đối tượng thanh thiếu niên thường lang thang, đi chơi trên đường phố vào lúc đêm khuya. Chúng có thể gây ra những vụ đâm chém lẫn nhau, đua xe, càn quấy, dọa nạt người đi đường, gây rối trật tự công cộng, gây án cướp giật... là mối nguy hại, nỗi lo sợ của những người dân lương thiện mỗi khi ra đường vào buổi tối.
Tham gia trong một nhóm "săn báo" được thành lập trên mạng xã hội, TVN - kẻ cầm đầu nhóm này mới đây đã bị Công an quận Ba Đình bắt giữ vì có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho một nhóm thanh niên khác. "Công việc" hằng đêm của nhóm này rất quái dị. Chúng lang thang trên đường mang theo hung khí là dao và gậy sắt có gắn dao nhọn. Nếu phát hiện thấy nhóm đối tượng nào đi xe trên đường có biểu hiện nghịch ngợm, rồ ga hoặc nhìn... ngứa mắt là chúng lao vào đâm chém, mặc dù trước đó không hề có mâu thuẫn gì. Hậu quả, chúng làm nhiều nạn nhân bị thương, mà các nạn nhân cũng không hiểu vì sao lại bất đắc dĩ trở thành con mồi của nhóm "săn báo".
Hầu như ở khắp các quận, huyện thuộc Hà Nội đều diễn ra tình trạng "báo con" phá làng phá xóm. Tính từ đầu năm đến nay, Công an huyện Thường Tín xử lý ít nhất 3 vụ thanh thiếu niên càn quấy, tổ chức theo nhóm hàng chục đối tượng mang theo hung khí dao kiếm, vỏ chai bia đi đánh nhau. Đối tượng Tép mà chúng tôi gặp khi bị Công an huyện Thường Tín bắt giữ đã kể lại nguyên nhân gây án rất hồn nhiên: "Một thằng em xã hội của cháu có mâu thuẫn với một đứa qua mạng xã hội. Cháu là anh nó nên là phải xuống đường để giúp nó trả thù. Nếu cháu không xông lên thì những đứa kia sẽ coi thường cháu, trót làm anh rồi nên là phải hành động cho các em nó nể thôi ạ".
Cái lý của một đứa trẻ vừa bước qua tuổi 16 không lâu nghe thật hãi hùng. Và kết cục là nó đã chém một người không quen biết, không có mâu thuẫn gì với chính nó và với cả "thằng em xã hội" của nó (chúng đã trả thù nhầm), khiến nạn nhân thương tích nặng.
Lời lý giải mang tính lý thuyết nhất và cũng thuyết phục nhất cho tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội gia tăng hiện nay trước hết là do sự thiếu quan tâm, giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội. Và thứ hai đó là sự ảnh hưởng của mạng xã hội. Tiếp xúc với những đối tượng tội phạm mà tuổi còn đang vị thành niên, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận rất rõ là sự bồng bột, thiếu hiểu biết pháp luật của chúng. Những đứa trẻ phạm tội phần lớn là xuất phát từ những gia đình đổ vỡ. Không nhận được sự quan tâm, quản lý của cha mẹ, chúng lang bạt nay đây mai đó, lấy quán net là nhà, đường phố là nơi thể hiện bản lĩnh. Thiếu tiền tiêu xài, chúng rủ nhau đi cướp giật.
Mới đây, Công an huyện Ba Vì đã khởi tố 2 đối tượng là LPL và NHS, cùng trú tại xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, là các đối tượng đã gây ra vụ cướp giật tài sản tại địa bàn xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì. Khi phát hiện một phụ nữ đi xe máy, chúng đã lập tức áp sát, cướp giật chiếc túi xách khiến nạn nhân ngã ra đất. Chưa hết, chúng còn kéo lê nạn nhân hơn 20m trên đường đến khi giật được chiếc túi mới phóng xe bỏ chạy. Còn vụ cướp giật tài sản xảy ra tại địa bàn phường Trung Hòa và Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy cũng thể hiện sự manh động không kém. Các đối tượng đều nhằm vào người đi đường cầm điện thoại di động rồi áp sát, giật tài sản, sau đó tìm cách ngăn bị truy đuổi để tẩu thoát. Đáng báo động là các đối tượng gây án đều có tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới 16-17 tuổi.
2. Không chỉ có các quận, huyện tại Hà Nội, tại các tỉnh, thành khác cũng xuất hiện nhiều nhóm "báo con" gây án. Mới đây, Công an huyện Thủy Nguyên, Công an huyện An Dương, Hải Phòng vừa bắt giữ hai nhóm trộm cắp mà các đối tượng chỉ mới ở độ tuổi 15-18. Thiếu tiền tiêu xài, chơi game, chúng rủ nhau đi “săn” mồi trong đêm, gặp nạn nhân ở khu vực đường vắng vẻ là chúng chặn đường, dùng hung khí đe dọa để cướp xe máy. Cướp tài sản xong, chúng đem “cắm” lấy tiền rồi lại nướng vào những quán game thâu đêm suốt sáng, cho đến lúc hết tiền lại rủ nhau đi cướp.
Cuộc sống lang bạt nay đây mai đó khiến lũ trẻ non nớt, bồng bột càng thấm nhuần "tư tưởng, đạo lý" của đám lưu manh, giang hồ. Từ đó, chúng bị cuốn theo cái thứ "đạo lý" mà chúng tôn thờ và nghĩ là đúng đắn. Với chúng, “gọi nhau một tiếng là anh em thì mãi mãi là anh em”, sống chết có nhau, một đứa mâu thuẫn với kẻ nào đó thì kẻ thù của một đứa sẽ là kẻ thù chung của cả nhóm. Những suy nghĩ sai lầm này rất nguy hiểm đang len lỏi khắp các diễn đàn kín và mở mà thành viên phần lớn là những đứa trẻ mới lớn, chưa ý thức được thế nào là sai đúng.
Đôi khi chỉ vì được trả tiền cho một bữa cơm bụi hoặc được cho một điếu thuốc mà chúng sẵn sàng vác dao kiếm lên đường để trả ơn "người anh em xã hội" nào đó, đã dang tay cưu mang những lúc không một xu dính túi. "Đạo lý" này được cổ súy, được khuyến khích bởi đội ngũ "giang hồ mạng" ngày ngày sản xuất clip tung hô cuộc sống giang hồ và các nhân vật giang hồ tù tội, vô hình trung đã trở thành "lí tưởng" và dẫn dắt một bộ phận giới trẻ đang muốn khẳng định mình bằng các cuộc chiến dao kiếm, "lấy số" bằng máu.
Do mâu thuẫn qua mạng xã hội, Dương Văn Tú (SN 2005) và Lã Hiểu Phong (SN 2006), cùng trú tại thôn Kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn hẹn nhau “huyết chiến” vào ngày 6/5/2023. Và đương nhiên trong cuộc “huyết chiến” ấy không thể thiếu những “đồng đội” trung thành của cả hai đứa. Thể hiện máu “yêng hùng” quyết tâm đòi nợ “máu” cho bạn là Dương Văn Tú, mà Trần Thế Văn (SN 2005) cũng trú tại thôn Kép 1, xã Hồng Giang rủ thêm khoảng 21 đối tượng (có năm sinh từ 1999 đến 2008) đi cùng để phô trương thanh thế. Rất may Công an huyện Lục Ngạn đã ngăn chặn kịp thời không để tình huống xấu xảy ra.
Mới đây, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã bắt giữ 107 đối tượng thanh thiếu niên có hành vi điều khiển xe máy có dấu hiệu gây mất trật tự công cộng và bàn giao cho các phường xử lý giáo dục và răn đe. Trong đó có tới 46 trường hợp dưới 18 tuổi, đa phần đều bỏ học, thường tụ tập bầy đàn ở các quán game, chơi bời lêu lổng và thiếu sự quản lý, kèm cặp của gia đình.
Trung tá Nguyễn Minh Quang - Đội trưởng Đội chống tội phạm cướp và cướp giật tài sản, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết: “Game online mang tính bạo lực là một trong những nguyên nhân khiến các đối tượng lập hội, nhóm rủ rê, lôi kéo, dễ dàng kích động các đối tượng khác tham gia gây án. Sự hạn chế hiểu biết pháp luật cũng là nguyên nhân khiến cho các đối tượng manh động, liều lĩnh khi gây án, phạm tội”.
Cũng theo Trung tá Nguyễn Minh Quang, thời gian tới, Phòng Cảnh sát hình sự tiếp tục cùng với lực lượng Công an các quận, huyện tăng cường tuần tra kiểm soát, mật phục, trấn áp tội phạm có xu hướng bạo lực, đẩy mạnh hiệu quả hơn nữa công tác quản lý địa bàn; đưa vào diện quản lý, giáo dục, phòng ngừa đối với những trường hợp thanh, thiếu niên có biểu hiện vi phạm hoặc dễ vi phạm pháp luật. Hy vọng, với những biện pháp đồng bộ của lực lượng Công an, tình trạng thanh thiếu niên càn quấy gây án sẽ được ngăn chặn.
Nguồn: cand.com.vn