CÔNG AN BẠC LIÊU
Những rủi ro pháp lý lớn quanh nồi cao hổ
Cập nhật ngày: 29-07-2022
Đã qua rồi cái thời lâm thổ sản trong rừng, con cá dưới sông, con hổ trên rừng, mạnh ai nấy bắt, đem về nhà làm gì thì làm. Bây giờ, mua hổ về nấu cao, hoặc mua cao hổ, là bạn phải đối mặt với đầy rủi ro pháp lý không hề nhỏ, có thể bị bắt tạm giam và khởi tố hình sự bất cứ lúc nào; đấy là chưa kể, cao hổ cốt rởm không chỉ khiến bạn mất nhiều tiền mà còn rước bệnh hiểm nghèo vào thân.

“Thần dược” từ  chiêu làm giàu bất chính của một nhóm người 

Các sỹ quan Công an phá án, các nhà báo và giới khoa học đã nhiều lần cảnh báo những độc tố nguy hiểm trong cái gọi là “cao hổ cốt”, khi mà các đối tượng nuôi hổ trong các “địa ngục trần gian” tồi tàn, tống tân dược và hóa chất vào thức ăn; ướp tẩm xác hổ khi vận chuyển; và đặc biệt, họ trộn phụ gia một cách nhẫn tâm vào nồi cao hổ để tăng trọng lượng và… khiến người dùng thấy “phê” rồi “nghiện”.

Những rủi ro pháp lý lớn quanh nồi cao hổ -0
Hổ bị nuôi nhốt trong hoàn cảnh tồi tệ ở Nam Phi, trước khi giết nấu cao, chuyển cao về Việt Nam bán.

Thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau, thuốc phiện, xương chó mèo lợn bò và cả vôi bột đều có thể chứa trong từng miếng cao hổ. Nói đơn giản: giá chợ đen vài chục triệu đồng một lạng cao hổ, bạn đi mua chúng với niềm tin mù quáng là nó tốt, thì cớ gì các đối tượng không pha trộn, làm giả dối để kiếm lời? Thuốc phiện và tân dược khiến bạn cảm thấy “bốc”, thấy hưng phấn nhất thời để rồi nghĩ là “cao hổ” rất có tác dụng (nhưng tác hại lâu dài của nó thì rất đáng sợ).

Còn việc nấu cao hổ tại nhà, lại tiềm ẩn độc tố với những án phạt, kể cả việc ra vành móng ngựa ở các lẽ khác.

Thứ nhất, trong bối cảnh bạn bất chấp các nỗ lực bảo tồn của nhân loại tiến bộ, mua và giết thịt loài động vật hoang dã quý hiếm được bảo vệ toàn cầu (hổ) về, thì bạn vẫn là người… thất bại trong mục đích tăng cường sức khỏe. Hổ hoang dã cũng không là thứ thần dược, dù bạn chế biến thế nào đi nữa (xin đọc lời Giáo sư Nguyễn Lân Dũng bên dưới). Hổ nuôi nhốt (100% là nuôi nhốt, vì hổ ngoài tự nhiên ở nước ta hầu như đã không còn) thì chứa nhiều hóa chất độc hại như đã nói ở trên. Vậy, đâu là cơ sở để bạn tin là mình bỏ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng cho các đối tượng phi pháp để rồi nấu cao hổ nhằm “bồi bổ sức khỏe” được?

Xin được trích dẫn lời tâm sự của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng sau đây:

“Tôi tham gia nghiên cứu về sinh vật học nhiều năm và cũng từng nghiên cứu nhiều sách đông tây kim cổ, nhưng chưa nghe nói dùng các loại động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm sẽ chữa được bệnh ung thư hay các bệnh nan y khác. Chẳng qua đây chỉ là chiêu làm giàu bất chính của một nhóm người. Họ tung ra các tin đồn về công dụng của sản phẩm ĐVHD khiến mọi người truyền tai nhau, tin tưởng là dùng các sản phẩm này chữa được nhiều loại bệnh. Do đó, không ít người đã bỏ ra một số tiền rất lớn để mua các sản phẩm từ ĐVHD với ngộ nhận chữa được bệnh. Nhưng có những người dùng sản phẩm ĐVHD bị dị ứng, ngộ độc phải đi cấp cứu gần mất mạng.

Những rủi ro pháp lý lớn quanh nồi cao hổ -0
Cao hổ tiềm tàng nguy cơ ướp tẩm, pha trộn hóa chất và phụ gia độc hại được rao bán.

Việc đồn thổi dùng một số sản phẩm ĐVHD chữa được bách bệnh mới chỉ có ở Việt Nam (…) trong khoảng thời gian thu nhập của người dân tăng lên và nhu cầu thể hiện đẳng cấp bằng hàng xa xỉ xuất hiện. Nếu lời đồn là đúng, tại sao từ thời xưa đến nay chưa có và các nước khác không có cơn sốt này? (Bởi vì) Cao hổ chẳng có tác dụng chữa bệnh hay tăng sức khỏe cho người lớn tuổi như lời đồn đại”.

Vào tù, mất danh dự, chức vụ chỉ vì u mê tin vào “cao hổ cốt”

Mua cao hổ qua các nguồn “rỉ tai nhau” hay thông qua các kỹ năng bán hàng siêu lừa trên mạng xã hội là cực kỳ nguy hiểm. Nhưng, nấu cao hổ tại nhà còn nguy hiểm hơn.

Những rủi ro pháp lý lớn quanh nồi cao hổ -0
Chân hổ, đuôi hổ cũng được rao bán tràn lan để trưng bày.

Cụ thể, ngày 28/5/2022, Công an Thanh Hóa đã bắt quả tang Đỗ Văn Lấn (SN 1974, xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá) đang cùng đồng bọn xẻ thịt con hổ tại nhà riêng của Lấn. Tại hiện trường, cơ quan chức năng đã thu giữ một xác hổ nặng 145kg. Qua điều tra, đường dây đã lộ diện, đối tượng bán cá thể hổ trên là Hoàng Văn Hiến (SN 1974, ở thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) và đối tượng vận chuyển là Nguyễn Văn Liệu cùng quê với Hiến. Nhìn các đối tượng tra tay vào còng số tám, người có lương tâm không khỏi xót xa, vừa giận vừa buồn thương cho thế cuộc.

Trước đó, ngày 13/1/2022, ông Ngô Văn Quân, chủ tịch UBND xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên bị Công an bắt vì tàng trữ, giết mổ hổ để nấu cao. Nhà chức trách cũng phát hiện trong khu vực bếp ăn, sân nhà có nhiều tang vật liên quan gồm: một xác hổ đông lạnh, một bộ xương hổ, hai bộ da hổ, bên cạnh đó là đầu sơn dương đông lạnh và các loại xương, thịt động vật hoang dã. Một chủ tịch xã đương chức với vai trò nêu gương, cả quá trình phấn đấu không mệt mỏi của ông ta, niềm tin của người dân vào người đứng đầu xã Tiên Phong ấy… - tất cả có thể chỉ còn trong mây khói. Chỉ vì niềm tin mơ hồ và mù quáng vào cái gọi là “cao hổ cốt”.

Tương tự, Công an Hà Tĩnh phát hiện một con hổ trong nhà ông Đ.N.Ngh., SN 1973, ngụ xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn. “Chúa Sơn Lâm” nặng khoảng 250 kg được xác định bị điện giật, nằm bất tỉnh trên nền nhà. Lúc này chủ nhà đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Đến trưa hôm sau, ông Ngh. đã đến trình diện tại Công an huyện Hương Sơn. Làm việc với Công an, bước đầu ông Ngh. khai mua con hổ trên từ Nghệ An về để nấu cao.

Trước đó, Công an Nghệ An ập vào các làng nuôi hổ ở Nghệ An (nơi cung cấp hổ cho hầu hết các “tụ điểm” mà bài này phản ánh), đã giải cứu 17 cá thể hổ trưởng thành bị nuôi nhốt trái phép. Nhà đối tượng Nguyễn Văn Hiền, SN 1982 (xã Đô Thành, huyện Yên Thành) đang “chứa” 14 cá thể hổ lớn. Hiền đã bị TAND Nghệ An tuyên phạt 7 năm tù. Nhà kế bên, nuôi 3 cá thể hổ nặng từ 2-3 tạ, cũng lĩnh án 30 tháng tù giam. Hai đối tượng cung cấp hổ con cho các nhóm nuôi hổ trái phép dạng này vừa bị Công an Nghệ An bắt đầu tháng 8 năm 2021, với tang vật là 7 hổ con, khi đi qua địa bàn huyện Diễn Châu (gồm T.T.H. và N.V.L., quê Hương Sơn, Hà Tĩnh)  cũng đã lĩnh án 9 năm tù giam.

Khi câu trả lời cho bài toán cao hổ là các… phiên tòa!

Quả thế, có nhiều người, mờ mắt vì lợi nhuận, họ đối mặt với nhiều án tù, với các cuộc điều tra xuyên quốc gia, song vẫn chứng nào tật nấy. Nếu bạn nhẹ dạ mua hàng của họ, kết hợp với họ giết hổ nấu cao, thì tội ác mà các “trùm” gây ra rồi bị điều tra bí mật đã nhiều năm kia, sẽ tăng thêm nhiều rủi ro pháp lý cho bạn nữa!

Trong quá trình điều tra, thống kê các vụ án kiểu này, chúng tôi và chuyên gia đã “gặp” nhiều trường hợp dở khóc dở cười, và thật đáng xấu hổ.  Cách đây vài năm, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng đã ập vào nhà hàng Tây Bắc Quán (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) phát hiện một nhóm người đang xẻ thịt, róc xương hổ cho vào nồi nấu cao. Bà Nguyễn Thị Thanh bấy giờ đang chỉ đạo Trần Hữu Dản - quê huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và Nguyễn Văn Tuấn - người tỉnh Quảng Bình cùng Phan Ngọc Hoa (nhà ở Văn Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) róc thịt các khúc xương hổ cho vào một nồi với bếp gas công nghiệp để chuẩn bị nấu cao. 

Những rủi ro pháp lý lớn quanh nồi cao hổ -0
Để phục vụ các nồi cao hổ rởm, nhiều loài thú hoang quý hiếm khác cũng bị tàn sát trà trộn vào.

Nguyễn Thị Thanh khai nhận mua con hổ từ một người tên Bình ở Thanh Hóa. Đối mặt với hình phạt không hề nhẹ lúc ấy, Thanh đã thật sự tỏ ra lo lắng. Bởi người đàn bà này có nhiều tình tiết tăng nặng hình phạt lắm. Bởi, hồi tháng 9/2007, Thanh cùng hai thợ nấu cao từng bị bắt quả tang đang làm thịt hổ để nấu cao tại 103 - B5, khu Tập thể Thanh Xuân Bắc.

Tại hiện trường, người ta bàng hoàng trước “gan hùm” của các đối tượng, ngay giữa lòng Hà Nội: là một “Ông Hổ” bị cắt làm năm phần, nặng 210kg; một “Chúa Sơn Lâm” khác đã bị cắt làm đôi nặng trên 200kg. Kèm thêm 27kg da hổ của một con hổ đã bị giết thịt, một con hổ nhồi tiêu bản, 7kg cao thành phẩm, năm chi trước gấu ngựa, bốn ngà voi nặng khoảng 30kg, tám đầu bò rừng, bốn bình rượu ngâm kỳ nhông, rắn hổ mang chúa, chân nai.  Trong vụ án này, bà Thanh bị phạt 18 tháng tù giam về hành vi “vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm”. Í tai ngờ, đối tượng vẫn ngựa quen đường cũ và tiếp tục liều lĩnh đến thế.

Khét tiếng nhất, phải nhắc một chút đến đối tượng Nguyễn Mậu Chiến, người nhiều năm khiến cơ quan chức năng đau đầu với đàn hổ 11 con được nuôi nhốt ở một khu đất riêng biệt tại thôn 27 Cồn Tàu Voi, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa). Đàn hổ này được coi là “tàn dư” của các vụ buôn lậu hổ của Chiến và cộng sự suốt nhiều năm qua: năm 2007, ông Chiến mua 10 con hổ, mỗi con nặng trung bình 7 kg đưa từ Lào về. Cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt Chiến 30 triệu đồng và cho phép được tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng đàn hổ. Năm 2008, Chiến mua thêm 5 con hổ khác và một lần nữa bị phạt 30 triệu đồng.

Những rủi ro pháp lý lớn quanh nồi cao hổ -0
Cao hổ và da hổ. Ảnh trong bài: Đỗ Hoàng Lam Anh.

Nếu cơ quan chức năng ra tay khoa học và quyết liệt từ đầu, chắc chắn Chiến không có cơ hội biến đàn hổ “nuôi nhân đạo” kia thành bình phong cho các hoạt động nấu cao hổ tàn nhẫn và chà đạp luật pháp của Chiến suốt cả một thời gian dài - hàng thập niên - sau đó. Nhiều tổ chức công phu theo dõi hành vi của Chiến, họ ghi nhận cả các gương mặt hổ “nuôi bảo tồn” trong cơ sở của Chiến (mỗi cá thể hổ có vằn vện trên gương mặt khác nhau – như dạng “chứng minh thư”, có thể phân biệt được cá thể nọ với cá thể kia) để làm bằng chứng cho nghi án: hổ trong “trang trại” có thể đã bị giết rồi “tuồn” hổ buôn lậu khác vào; hổ đã được ghép đôi và sinh ra nhiều hổ nhỏ rồi đem bán...

Cái gì đến đã đến! Ngày 20/3/2018, tại phiên xét xử ở TAND quận Hà Đông, Nguyễn Mậu Chiến đã bị kết án 23 tháng tù vì tội buôn lậu 36kg sừng tê giác. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho rằng, Chiến đang thụ án 13 tháng tù giam, Lê Thị Hồng (vợ Chiến) cũng đang chịu án 6 tháng tù treo vì liên quan đến đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia. Hoạt động nuôi nhốt hổ tại cơ sở của Nguyễn Mậu Chiến bị nghi ngờ là vỏ bọc cho các hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Theo khai nhận tại Tòa (và được ghi nhận trong Bản án), hai cá thể hổ đông lạnh được bị bắt quả tang đang lưu giữ tại nhà Chiến - Hồng (ở quận Hà Đông) có nguồn gốc từ trang trại của Chiến ở Thanh Hóa. Các đối tượng này đã không khai báo khi hổ chết và vận chuyển trái phép ra Hà Nội sau đó (có thể là dùng để bán cho người nấu cao).

Vậy là, mọi việc đã quá rõ ràng.

Trong thời buổi tên lửa vũ trụ, với sự phát triển như vũ bão y học hiện nay, nếu cần tăng cường sức khỏe hay chữa trị bệnh, người ta có thể dùng rất nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng tân tiến mà các bộ óc ưu việt của loài người đã sáng tạo ra. Đừng tin vào một thứ không có bất cứ cơ sở khoa học nào như cao hổ cốt.  Như đã phân tích ở trên, khi bị bắt trong quá trình nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển, giết hổ, nấu cao, thì: nếu không đi ở tù, bạn cũng thân bại danh liệt bởi sự nghiêm minh của luật pháp cũng như sự lên án quyết liệt của cộng đồng có văn hóa.

Tương lai của loài hổ thiêng quý, với vẻ đẹp và uy lực của chúng, với vai trò quan trọng của chúng trong hệ sinh thái, có thể sẽ sán lạn hơn từ sự giác ngộ của mỗi chúng ta. Từ chối mua bán, sử dụng cao hổ cốt còn là vì sức khỏe của chính bạn nữa.


Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác