Đấu tranh với tội phạm lợi dụng không gian mạng để mua bán người
Cập nhật ngày: 28-07-2022
Cơ quan Thường trực phòng, chống mua bán người, Bộ Công an cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, đa dạng hơn. Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm này, Công an phối hợp với cơ quan chức năng đã ngăn chặn, triệt phá các vụ án, cũng như tuyên truyền đến người dân nhiều biện pháp phòng tránh.
Tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội
Theo Cơ quan Thường trực phòng, chống mua bán người, hiện nay các đối tượng có xu hướng chuyển cách tiếp cận ban đầu với nạn nhân từ trực tiếp sang gián tiếp, thông qua không gian mạng nên công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê,…
Thủ đoạn của bọn chúng, triệt để lợi dụng mạng xã hội qua zalo, facebook với tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài sẽ có cuộc sống giàu có, nhàn hạ. Sau đó, lừa bán nạn nhân ra nước ngoài hoặc lừa bán nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại quán karaoke, cắt tóc, massage. Đơn cử, mới đây, ngày 13/7/2022, nhận được thông tin, tổ công tác Trạm CSGT Tùng Diễn, Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện trên xe ô tô Inova 7 chỗ có 2 cô gái trẻ ra tín hiệu cầu cứu. Tổ công tác đã xác minh và đưa toàn bộ những người đang có mặt trên phương tiện về Công an huyện Chi Lăng để điều tra làm rõ.
Bước đầu, 2 cô gái (SN 2007 và 2006) cho biết đã lên mạng internet tìm việc làm và được một đối tượng nhận làm nhân viên bán quần áo. Đến điểm hẹn, 2 em mới biết không phải bán quần áo mà bị các đối tượng ép tiếp khách cho quán karaoke, tuy nhiên các em không đồng ý nhưng bị các đối tượng đánh đập, đe dọa và nhốt trong phòng. Sau đó, 2 em bị ép lên xe ôtô để đưa đến quán karaoke khác.
Cơ quan Công an đã làm rõ, đối tượng Hứa Mạnh Cường (SN 2001), trú tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn biết quán karaoke Linh Nga ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương có nhu cầu chuyển giao 2 nữ nhân viên phục vụ tại quán hát với số tiền 9 triệu đồng/ người. Cường đã liên hệ với Hoàng Văn Thư (SN 1982)- quản lý tại quán karaoke tại huyện Phú Lộc để "giới thiệu" 2 nhân viên nữ trên cho quán karaoke của Thư. Thư đồng ý và bảo Cường cùng Nguyễn Xuân Đạt (SN 1978) - là lái xe taxi cầm 20 triệu đến quán Karaoke Linh Nga ở Ninh Giang, Hải Dương để tiếp nhận, chở 2 nữ nhân viên lên Lạng Sơn. Trên đường về đến địa phận thôn Mạn Đường, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, nhóm đối tượng trên bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, xảy ra một số vụ mua bán người sang Campuchia; các đối tượng thường thông qua mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt, tuyển mộ lao động Việt Nam sang Campuchia làm việc với hứa hẹn mức lương cao, công việc nhàn hạ, sau đó tổ chức cho nạn nhân vượt biên và bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình, nhiều nạn nhân bị ép bán dâm hoặc bị cưỡng bức lao động, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn.
Ngoài ra, các đối tượng còn tìm kiếm, tiếp cận làm quen với những bệnh nhân mắc bệnh thận, suy thận có nhu cầu ghép thận, tiến hành môi giới, thỏa thuận giá cả mua bán, tổ chức đưa người bán, người mua thận đi xét nghiệm, làm các thủ tục liên quan, đợi ngày ghép thận và hưởng lợi bất chính. Điển hình, Cục Cảnh sát hình sự đã xác lập chuyên án, đấu tranh triệt phá đường dây tội phạm mua bán người; mua bán chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người tại địa bàn TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan, bắt 1 đối tượng. Công an TP Hà Nội triệt phá 1 vụ, 4 đối tượng về hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, các đối tượng đã gây ra 3 vụ môi giới mua bán thận.
Bọn chúng còn lập hội, nhóm kín "Cho và nhận con nuôi" trên mạng xã hội, tìm kiếm những phụ nữ có thai nhưng không có nhu cầu nuôi con hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để xin con nuôi, sau đó đem bán lấy tiền hưởng lợi. Đơn cử, Công an TP Hà Nội triệt phá vụ mua bán người dưới 16 tuổi, bắt giữ 3 đối tượng, giải cứu 1 nạn nhân là cháu bé sơ sinh 3 ngày tuổi…
Xuất hiện thủ đoạn dụ dỗ, môi giới việc làm, lừa bán cho các chủ tàu khai thác thủy sản trên biển, nhiều trường hợp bị cưỡng bức lao động. Theo Công an tỉnh Gia Lai hiện đang xác minh, làm rõ 3 trường hợp công dân bị lừa bán cho các chủ tàu khai thác thủy sản trên vùng biển Malaysia; 1 trường hợp bị lừa bán, cưỡng bức lao động 18 tháng tại vùng biển các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang.
Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, thời gian tới Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Công an và các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục qua tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các mặt công tác phòng, chống mua bán người; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ và Kế hoạch của Ban chỉ đạo 138/CP về thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2022, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống mua bán người. Tham mưu Ban chỉ đạo 138/CP ban hành hệ thống tiêu chí, biểu mẫu thống kế phòng, chống mua bán người và tổ chức tổng kết chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người tại 8 địa phương như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Nghệ An, Cần Thơ, Tây Ninh.
Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người", "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người" năm 2022. Trọng tâm là tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người" dự kiến vào ngày 29/7. "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người" và triển lãm nghệ thuật tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người. Triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ ngoại giao về phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Triển khai quyết liệt các mặt công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người và triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc (thời gian từ ngày 1/7/2022 đến hết ngày 30/9/2022); tiếp tục triển khai hiệu quả chỉ đạo của Bộ Công an về tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người trong nội địa.
Tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát định kỳ; hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác liên ngành về phòng, chống mua bán người. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về chủ đề phòng, chống mua bán người. Triển khai hiệu quả công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người. Trọng tâm là Hội nghị liên Bộ trưởng các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng về phòng, chống mua bán người (COMMIT) và Họp Ban chỉ đạo COMMIT khu vực theo đề xuất của Chính phủ vương quốc Thái Lan; đánh giá việc triển khai các Hiệp định song phương giữa Việt Nam với Lào, Việt Nam với Campuchia về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam; tổ chức hội nghị, hội thảo và tuyên truyền, truyền thông phòng, chống mua bán người. Tổ chức đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng, chống mua bán người năm 2022.
Từ việc cảnh báo thủ đoạn lợi dụng không gian mạng để lừa gạt, lôi kéo, lừa bán nạn nhân của tội phạm mua bán người, sẽ góp phần làm giảm các nguy cơ, đẩy lùi tội phạm mua bán người, thúc đẩy di cư an toàn và hỗ trợ có hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập với cộng đồng.