Người dân mạnh dạn tố giác tội phạm qua mạng xã hội
Cập nhật ngày: 14-07-2022
Tiện ích và mặt trái của mạng xã hội có lẽ ai cũng đã tường. Người lương thiện sử dụng mạng xã hội cho biết bao công việc hữu ích thì kẻ tội phạm cũng sử dụng nó như là một công cụ để gây án...
Lừa đảo qua mạng xã hội đã thật sự “bùng nổ” sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Hằng ngày, có rất nhiều người bị những kẻ ẩn danh trên không gian mạng bày đủ trò để chiếm đoạt tài sản. Có nhiều người dù đã rất cảnh giác nhưng trước “thiên la địa võng” mà kẻ bất lương giăng ra chỉ trong tích tắc sơ hở đã mất khoản tiền bao năm dành dụm.
Cơ quan chức năng, sử dụng chính mạng xã hội phục vụ cho công tác tuyên truyền pháp luật, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và đã phát huy hiệu quả cao. Mô hình dùng mạng xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm xuất hiện đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh vào năm 2017 từ Công an quận Bình Thạnh.
Thoạt tiên, khi áp dụng mô hình này, lãnh đạo quận Bình Thạnh chỉ mong mỏi đẩy nhanh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng, chống các loại tội phạm. Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn, các nhóm Zalo, Facebook không chỉ góp phần phòng, chống tội phạm mà còn giúp chính quyền địa phương phát hiện, xử lý nhiều vụ bạo hành trong gia đình, hút chích ma túy, kẹt xe, lấn chiếm lòng lề đường, hạ tầng cơ sở xuống cấp… Nhận thấy hiệu quả, công an nhiều quận, huyện trên toàn TP Hồ Chí Minh học tập làm theo và kết quả đạt được rất khả quan.
Đến cuối năm 2019, Đoàn công tác của Bộ Công an đã cùng Công an TP Hồ Chí Minh đến quận Bình Thạnh để khảo sát, đánh giá hiệu quả của mô hình này. Mục đích công tác khảo sát là nhằm ghi nhận các kiến nghị, đề xuất về chính sách pháp luật, nguồn kinh phí, công nghệ, phương tiện từ Công an các địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Công an tham mưu Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP có những chủ trương giải pháp chỉ đạo thực hiện hiệu quả ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng, chống tội phạm thời gian tới. Và cũng kể từ đó, mô hình sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là Zalo đã được áp dụng rộng rãi trong cả nước.
Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng trang Zalo OA của Công an các huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh Bình Dương đã phát huy hiệu quả khá cao. Chỉ sau 2 tháng đưa vào hoạt động, trang Zalo “Công an thị xã Bến Cát” đã thu hút gần 120 ngàn lượt xem và chia sẻ bài viết. Trong đó có hơn 51 ngàn lượt hỏi đáp về thủ tục hành chính và báo tin tố giác tội phạm. Chính trang Zalo này đã giúp Công an phá nhiều vụ án như vụ bắt giữ 4 chủ cơ sở massage gồm: Ngô Văn Hòa (SN 1995), Nguyễn Đức Phú (SN 1992, cùng quê Vĩnh Phúc); Vũ Văn Mạnh (SN 1995, quê Ninh Bình và Dương Văn Đức (SN 1996, quê Gia Lai) về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Nhóm này đã đánh đập, ép buộc 4 thiếu nữ về làm tiếp viên cho sơ sở mình và buộc họ viết giấy nhận nợ hàng chục triệu đồng. Không chấp nhận cuộc sống nơi “tổ quỷ”, một trong bốn thiếu nữ đã cầu cứu trên trang Zalo và được Công an thị xã Bến Cát giải cứu kịp thời. Hay như vụ triệt phá tụ điểm đánh bạc dưới hình thức ghi số đề tại Công ty TNHH ACE Word để bắt giữ 7 đối tượng, thu giữ số tiền trên 16 triệu đồng…
Đặc biệt, qua thư kêu gọi đầu thú và bài viết tuyên truyền, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú được đăng tải trên Zalo Công an thị xã Bến Cát, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, đã có 3 đối tượng bị truy nã ra đầu thú…
Theo ghi nhận của chúng tôi, sở dĩ trang Zalo Công an thị xã Bến Cát được nhiều người truy cập và tương tác bởi trang được thiết lập 2 chiều, vừa để Công an thị xã hỗ trợ người dân theo dõi các vấn đề an ninh, trật tự tại địa phương, vừa để là nơi tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân về các vấn đề liên quan. Đặc biệt, mục “căn cước công dân” trong thanh menu đã giúp người dân tìm hiểu hồ sơ, thủ tục, thời gian địa điểm cấp thẻ CCCD một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, sau khi thực hiện các thủ tục cấp thẻ CCCD người dân có thể theo dõi tiến độ thực hiện và ngày nhận thẻ. Để mở rộng số lượng người theo dõi, Công an thị xã Bến Cát triển khai rất nhiều hoạt động truyền thông đa dạng như tuyên truyền tại địa bàn, doanh nghiệp, trường học; dán các mã “QR” của Zalo OA tại các điểm tiếp dân, trụ sở các đơn vị Công an các địa phương, đồn Công an, khu công nghiệp.
Tương tự là trang Zalo OA của Công an TP Thủ Dầu Một, với các mục tuyên truyền, đối tượng truy nã, phản ánh-tố giác, văn bản pháp luật đã giúp người dân dễ dàng truy cập và thao tác. Từ khi có trang Zalo này, nhà ai có người lạ mặt biểu hiện bất thường, ai phóng uế, vứt rác bừa bãi; ai lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh; ai xả nước thải ra nơi công cộng… tất cả đều được người dân phản ánh. Từ đó giúp cơ quan Công an phân loại để trực tiếp xử lý hay chuyển cho các ban ngành chức năng khác.
Ở chiều hướng ngược lại, khi có trang Zalo người dân cũng có ý thức hơn trong sinh hoạt hằng ngày, từ lời ăn tiếng nói đến những việc làm gây phương hại đến cộng đồng dân cư, giúp cuộc sống được tốt đẹp hơn. Đặc biệt, các đối tượng hoạt động phạm tội, tệ nạn cũng “ngán” các trang Zalo này vì mọi hoạt động của chúng dù có tinh vi, kín đáo đến đâu cũng khó có thể vượt qua được tai mắt của người dân…