Ngày 5/7, TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Long (SN 1972, trú tại phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kinh doanh nhà Vĩnh Hưng (viết tắt là Công ty Vĩnh Hưng); bị cáo Phạm Như Quỳnh (SN1980, trú tại phường Văn Khê, quận Hà Đông, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển và Thương mại Hạ Long; bị cáo Trần Lê Nghĩa (SN 1972, trú tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội), Giám đốc Công ty Vĩnh Hưng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Được biết, tháng 6/2017, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt Long 10 năm tù trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng SeaBank. Ngoài ra, năm 2020, Long tiếp tục phải nhận bản án 20 năm tù trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng OceanBank.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, năm 2014, UBND TP Hà Nội nhận được đơn của nhân dân tố cáo một số doanh nghiệp ký hợp đồng vay vốn và quyền ưu tiên mua căn hộ hình thành trong tương lai tại Dự án chung cư số 409 Lĩnh Nam (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định, Dự án chung cư số 409 Lĩnh Nam gồm hai thửa đất diện tích 8.008,4m2 và 4.285,2m2. Nguồn gốc diện tích 8.008,4m2 do Công ty cổ phần Hanel xốp nhựa quản lý. Nguồn gốc diện tích 4.285,2m2 do Công ty Điện tử Hà Nội (nay là Công ty cổ phần Hanel) quản lý. Năm 2003, Công ty cổ phần Hanel xốp nhựa di dời nhà xưởng sang quận Long Biên (Hà Nội) nên chuyển nhượng tài sản trên cho Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5, thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội.
Năm 2004, UBND TP Hà Nội có quyết định giao Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 làm chủ đầu tư và lập dự án nhà ở trên diện tích 8.08,4m2. Sau đó, Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 liên danh với Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Vĩnh Hưng để thành lập Công ty Vĩnh Hưng. Năm 2008, Công ty cổ phần Hanel cũng ký hợp đồng hợp tác với Công ty Vĩnh Hưng để triển khai dự án trên diện tích 4.285,2m2.
Năm 2009, Nguyễn Hoàng Long khi đó là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản Megastar mua lại Công ty Vĩnh Hưng với giá 115 tỷ đồng. Cũng trong năm 2009, UBND TP Hà Nội có quyết định điều chỉnh cục bộ khu đất 409 Lĩnh Nam, cho phép Công ty cổ phần Hanel hợp tác với Công ty Vĩnh Hưng để nghiên cứu, lập dự án khu nhà ở kết hợp văn phòng và dịch vụ. Mặc dù UBND TP Hà Nội mới chấp thuận chủ trương, dự án chưa được cấp phép cho chủ đầu tư, nhưng Long vẫn đưa ra các thông tin gian dối với khách hàng khi giới thiệu dự án đã được phê duyệt và Công ty Vĩnh Hưng đang triển khai thi công xây dựng theo đúng tiến độ, cam kết chậm nhất không quá 3 tháng kể từ ngày ký cam kết sẽ triển khai xây dựng hạ tầng.
Để khách hàng tin tưởng, tháng 1/2010, Long thuê đơn vị thi công đào đất làm tầng hầm, ép cọc nhồi, làm tường vây và gửi thư mời các khách hàng đến dự lễ khởi công. Thực tế, do thi công trái phép nên công ty bị xử phạt hành chính 30 triệu đồng. Từ năm 2009-2013, Long trực tiếp ký 13 hợp đồng vay tài sản và ưu tiên mua nhà hình thành trong tương lai với các ký cá nhân, ký hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cung cấp dầu khí Việt Nam, thu hơn 11 tỷ đồng. Trong đó có 12 hợp đồng vay tài sản, biên bản bàn giao đất cho 8 khách hàng, thu hơn 37 tỷ đồng. Với mục đích tiếp tục huy động vốn và thu tiền của khách hàng, Long bổ nhiệm Trần Lê Nghĩa làm Giám đốc Công ty Vĩnh Hưng.
Theo chỉ đạo của Long, Nghĩa ký 328 hợp đồng huy động vốn của các cá nhân, thu hơn 157,7 tỷ đồng. Năm 2009, Long còn ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Phạm Như Quỳnh. Quỳnh biết rõ dự án này chưa được cấp phép, nhưng vẫn đưa các thông tin gian dối là Công ty cổ phần Phát triển và thương mại Hạ Long có quyền ký bán các căn hộ hình thành trong tương lai. Sau đó, Quỳnh đã ký 574 hợp đồng dưới hình thức vay vốn và ưu tiên bán căn hộ hình thành trong tương lai để thu hơn 191 tỷ đồng. Quỳnh chuyển cho Long hơn 147 tỷ đồng, Quỳnh chiếm hưởng 43,7 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Long khai nhận, khi mua lại vốn góp, Công ty Vĩnh Hưng không có tài sản gì ngoài các hồ sơ, thủ tục lập dự án. Mặc dù biết dự án chưa được cấp phép nhưng để có tiền, Long vẫn đưa các thông tin gian dối và trực tiếp ký, đồng thời thông qua Nghĩa và Quỳnh ký tổng số 1.024 hợp đồng, thu số tiền gần 462 tỷ đồng. Trừ số tiền Quỳnh chiếm hưởng 43,7 tỷ đồng, còn lại hơn 418 tỷ đồng, Long sử dụng để trả lại khách hàng, chi cho dự án, chuyển cho các công ty con khác vay vốn. Đến nay Long không có khả năng khắc phục hậu quả.
Xác minh về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ tại dự án này cho thấy, ngày 21/12/2016, tại TAND TP Hà Nội, ông Trịnh Cần Chính, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển và Đô thị Thăng Long (viết tắt là Công ty Thăng Long) và Long đã lập vi bằng số 0598 để ghi nhận việc ký hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ. Ngày 21/12/2018, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã làm việc với ông Trịnh Cần Chính và được biết, Công ty Thăng Long cũng như ông Chính không có cổ phần hay đóng góp vốn tại Công ty Vĩnh Hưng. Công ty Thăng Long chỉ tiếp nhận và kế thừa trách nhiệm dân sự cho các khách hàng đã nộp tiền cho Công ty Vĩnh Hưng khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt cho Công ty Thăng Long làm chủ đầu tư thực hiện dự án trên không qua đấu giá đất.
Với trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất thì Công ty Thăng Long không tiếp nhận và kế thừa trách nhiệm dân sự cho các khách hàng đã nộp tiền cho Công ty Vĩnh Hưng. Trường hợp Công ty Thăng Long được phê duyệt thực hiện dự án thì công ty được hưởng lợi trong việc khai thác các lợi ích của dự án và có trách nhiệm hỗ trợ một phần cho khách hàng đã nộp tiền với điều kiện số tiền này đã được Công ty Vĩnh Hưng đầu tư vào dự án. Số tiền Long nhận từ khách hàng nhưng không đầu tư vào dự án mà sử dụng cá nhân thì Công ty Thăng Long không chịu trách nhiệm.
Trong vụ án này, do sự việc xảy ra đã lâu, số lượng bị hại nhiều, nhưng đến nay mới xác minh được 225 bị hại. Cơ quan điều tra cho biết, không phát hiện dấu hiệu phạm pháp hình sự tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, Công ty cổ phần Hanel, Công ty cổ phần Hanel xốp nhựa, nhưng cơ quan điều tra kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị này tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý vi phạm.
Quá trình xét xử vụ án này, có 62 bị hại đến phiên toà, trong có có 5 bị hại chưa được lấy lời khai. Ngoài ra, bị cáo Nghĩa xin hoãn phiên toà do đang mắc bệnh. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên toà để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo cũng như một số bị hại.
Nguồn: cand.com.vn