Giám đốc Lô Thị Loan (SN 1979) cùng chồng là Châu Minh Sơn (SN 1978; cùng ngụ TP Dĩ An, Bình Dương) bị bắt giam hôm 24/5 là một điển hình. Tuy Loan mang danh là giám đốc nhưng mọi hoạt động tại Công ty TNHH Địa ốc Tường Hy Quân đều do Châu Minh Sơn điều hành. Với ý đồ gian dối, đầu năm 2018, thấy khu đất có diện tích 64.000m2 tọa lạc tại phường Chánh Phú Hòa (thị xã Bến Cát, Bình Dương) có địa thế giao thông thuận tiện, Sơn liền thuê người vẽ dự án trên khu đất này dù đang thuộc quyền sử dụng của người khác.
Để "mượn đầu heo nấu cháo", ngày 3/5/2018, Sơn chỉ đạo vợ đứng tên ký hợp đồng độc quyền cho Công ty Đất Việt phân phối 300 nền đất do Sơn vẽ ra, trị giá hợp đồng là 129 tỷ đồng. Khi có tiền từ bán nền dự án "ma", Sơn mới lập hồ sơ xin chủ trương thành lập khu dân cư Chánh Phú Hòa và dùng tiền này để thỏa thuận với các chủ sử dụng để chuyển nhượng khu đất nói trên.
Tuy nhiên cho đến nay, Loan và Sơn chỉ mới tiến hành làm thủ tục đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chưa lập thủ tục chuyển nhượng về đất đai, thủ tục đầu tư khu dân cư nhưng đã vẽ dự án không có thật, ký hợp đồng môi giới độc quyền để chuyển nhượng cho người mua, chiếm đoạt số tiền hơn 100 tỉ đồng. Ngoài ra, Sơn còn chuyển nhượng 3.485m2 (41 lô) cho 19 người để chiếm đoạt số tiền 27,5 tỉ đồng.
Đặng Văn Chuyền, Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng thương mại dịch vụ Phước Điền (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), dù chẳng được chủ đầu tư ủy quyền nhưng Chuyền ung dung ký hợp đồng, thu tiền để chuyển nhượng đất nền tại các dự án: Khu dân cư An Hòa Residence; Khu dân cư Hòa Lợi 1,2,3 (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) và dự án Khu dân cư Biên Hòa Gold City ( TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Bên cạnh đó, Chuyền còn lập các dự án "ma" và phân lô bán nền trên những khu đất không đủ điều kiện tách thửa. Sau khi vẽ sơ đồ phân lô thành nhiều nền đất, Chuyền đã quảng cáo gian dối để ký kết các hợp đồng đặt cọc, hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của khách hàng…
Đồng phạm với Chuyền là Trần Trọng Giáp (SN 1984, quê Bình Dương), Nguyễn Thị Hạnh (SN 1968, quê TP Hồ Chí Minh) và Ngô Thành Trung, SN 1981, quê Lâm Đồng. Cơ quan điều tra xác định, Trần Trọng Giáp là cổ đông Công ty Phước Điền đã có hành vi gian dối trong việc ký hợp đồng nguyên tắc thỏa thuận chuyển nhượng đất nền tại dự án Khu dân cư An Hòa Residence và dự án Khu dân cư Hòa Lợi 1 để giúp Chuyền chiếm đoạt của 11 bị hại với tổng số tiền hơn 3,46 tỉ đồng.
Nguyễn Thị Hạnh được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc công ty đã gian dối trong việc ký hợp đồng nguyên tắc thỏa thuận chuyển nhượng đất nền dự án Khu dân cư Hòa Lợi 2, giúp Chuyền chiếm đoạt của 6 bị hại mua đất nền với tổng số tiền hơn 3,17 tỉ đồng. Còn Ngô Thành Trung không phải là cổ đông của công ty cũng đứng ra giúp sức cho bị can Đặng Văn Chuyền chiếm đoạt của 10 bị hại mua đất nền của Khu dân cư An Hòa Residence với tổng số tiền hơn 2,62 tỉ đồng…
Tương tự là Ngụy Khắc Vinh, Giám đốc Công ty TNHH địa ốc VHO (khu phố Bình Đức, phường Bình Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), với thủ đoạn đưa ra các thông tin gian dối về quyền sở hữu hợp pháp đối với bất động sản tại các dự án Khu dân cư đô thị Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng); Khu dân cư Chánh Phú Hòa (thị xã Bến Cát), Khu dân cư Vĩnh Phú 1 giai đoạn 2 (TP Thuận An), Vinh đã lừa nhiều người đặt cọc mua đất, ký hợp đồng chuyển nhượng để chiếm đoạt số tiền lớn…
Công an tỉnh Bình Dương cũng vừa ra thông báo truy tìm Nguyễn Hoàng Nho (SN 1995, quê Bạc Liêu), Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ One House (địa chỉ 280 Đồng Khởi, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) và Nguyễn Thanh Minh (SN 1997, quê Quảng Ngãi), Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ One House để làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng liên quan đến các dự án "ma".
Qua các hành vi lừa đảo bị phát hiện có thể thấy thủ đoạn của tội phạm rất đa dạng, tinh vi và xảo quyệt như vẽ, in bản vẽ các dự án, sơ đồ phân lô bán nền trên đất của người khác hoặc không có thật. Sau đó quảng cáo trên mạng internet để bán hoặc làm giả tài liệu của cơ quan nhà nước (như quyết định chấp chủ trương, quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500, giấy phép xây dựng...) để huy động vốn trái phép bằng các hình thức thu tiền để giữ chỗ, ưu tiên vị trí, đặt cọc, mua nhà ở hình thành trong tương lai... Một số đối tượng lập công ty "ma" thuê người làm chủ đầu tư dự án, tự vẽ ra dự án "ảo" trên đất của người khác hoặc đất đã được quy hoạch công viên, trường học... và rao bán.
"Hậu quả thiệt hại do loại tội phạm này gây ra không chỉ tài sản bị chiếm đoạt trái phép mà còn phá vỡ quy hoạch, mỹ quan đô thị, hình thành các khu nhà không đúng quy chuẩn; cơ sở hạ tầng, giao thông không kết nối; có nguy cơ cao về cháy nổ và ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông... Những thửa đất này không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bị hạn chế các quyền về tài sản và các quyền khác về an sinh xã hội, lao động, học tập... dẫn đến cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn trong công tác đăng ký, quản lý nhân hộ khẩu và tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp khiếu kiện tập thể, kéo dài"- Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết.
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai nêu trên, Công an tỉnh Bình Dương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống. Đó là rà soát, lập hồ sơ đối với các doanh nghiệp môi giới bất động sản trên địa bàn, đặc biệt chú ý các doanh nghiệp núp bóng do các chủ đầu tư hoặc một nhóm người trong gia đình, đồng hương, bạn bè thân thích... lập ra để gây ra thị trường "ảo" đẩy giá đất lên cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân trong phòng ngừa, bảo quản tài sản...
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ càng trước khi đặt bút ký hợp đồng chuyển nhượng đất đai; đừng vì hám lợi, chấp nhận rủi ro để chuyển nhượng đất đai trái phép nhằm thu lợi cao; mua bằng giấy tay hoặc lập vi bằng nhà đất qua Văn phòng thừa phát lại khi giao dịch... sẽ dễ bị "tiền mất tật mang".