Sáng 14/5, HĐXX TAND TP Hà Nội tiếp tục điều hành phần thẩm vấn các bị cáo trong phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác.
Đây là một trong những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và yêu cầu phải khẩn trương hoàn tất điều tra, truy tố và đưa ra xét xử trong Quý II- 2022.
Buổi sáng, HĐXX dành phần lớn thời gian để các luật sư tham gia xét hỏi nhằm làm rõ vai trò và hành vi phạm tội của từng bị cáo trong vụ án.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Quốc Cường (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) giải thích với HĐXX về quy trình thẩm định đến xét duyệt hồ sơ đăng ký thuốc được chia làm 4 giai đoạn, gồm: Tiếp nhận và tổng hợp, thẩm định hồ sơ, xét duyệt hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Y tế, thực hiện quyết định của lãnh đạo Bộ Y tế để ban hành.
Trả lời HĐXX, bị cáo Trương Quốc Cường đồng ý với giải thích của luật sư bào chữa cho mình. Bị cáo cho biết, bị cáo không phải là thành viên của Hội đồng thẩm định đăng ký thuốc, không tham gia và cũng không quản lý hoạt động thẩm định đăng ký thuốc.
“Chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc là người xét duyệt, trách nhiệm quyết định cuối cùng không phải của bị cáo. Vì theo quy định, trước khi thực hiện kết luận thì các thành phần liên quan phải rà soát…”, bị cáo Trương Quốc Cường khai.
Trước cáo buộc của Viện KSND tối cao về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Trương Quốc Cường một lần nữa nhận trách nhiệm là người đứng đầu Cục Quản lý Dược thời điểm đó. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng, những sai sót trong thực tiễn là có nhưng chưa có điều kiện phát hiện ra, bởi lúc đó không có hồ sơ.
“Bị cáo nhận thức được mọi việc xảy ra đều có trách nhiệm từ bị cáo với vai trò là Cục trưởng Cục Quản lý Dược, nhưng là do thời điểm đó bị cáo không được cấp dưới báo cáo”, bị cáo Trương Quốc Cường phân trần.
Cũng theo của trình bày bị cáo Trương Quốc Cường, đối với Hội đồng xét duyệt thuốc thì Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt là người quyết định cuối cùng.
“Trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng xét duyệt không đồng ý thì bị cáo không được phép ký ban hành các loại thuốc này”, bị cáo Trương Quốc Cường khai rõ.
Và thời điểm xảy ra sai phạm của bị cáo Trương Quốc Cường thì Chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc Bộ Y tế là ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế.
Viện KSND tối cao cũng xác định, khi vụ án xảy ra, ông Cao Minh Quang (khi đó là Thứ trưởng Bộ Y tế) là người quyết định cuối cùng trong việc cấp số đăng ký cho 7 loại thuốc giả liên quan đến vụ án. Ông Cao Minh Quang thừa nhận có trách nhiệm là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất trong việc cấp số thuốc đăng ký nhưng để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình quản lý.
Hành vi của ông Cao Minh Quang có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng thời hạn điều tra đã hết nên Viện kiểm sát đề nghị tiếp tục làm rõ trách nhiệm của ông Cao Minh Quang để xem xét, xử lý trong đại án VN Pharma.
Trước khi phiên toà này diễn ra, ngày 11/3, ông Cao Minh Quang đã bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến vụ án tại Công ty Dược phẩm Cửu Long.
Kết quả điều tra xác định, ngày 25/6/2009, thừa ủy quyền của ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc Bộ Y tế, bị cáo Trương Quốc Cường đã điều hành phiên họp Hội đồng xét duyệt thuốc nước ngoài đợt 65 (bổ sung).
Hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký thuốc của Bộ Y tế được thành lập gồm 13/14 thành viên, trong đó Trương Quốc Cường (Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt); Nguyễn Việt Hùng (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Phó Chủ tịch Hội đồng xét duyệt); Phạm Hồng Châu (Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Thư ký Hội đồng xét duyệt) đã đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký cho 656 thuốc, trong đó có 5 thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada.
Sau khi báo cáo kết quả phiên họp và được sự đồng ý của Thứ trưởng Cao Minh Quang, Trương Quốc Cường ký Quyết định công bố Danh mục cấp số đăng ký có hiệu lực 5 năm cho 572 thuốc. Trong đó có 5 thuốc: Extrafovir (số VN-8494-09); Kaderox-250 (số VN-8495-09); Kafotax-1000 (số VN-8496-09); MGP Axinex-1000 (số VN-8497-09) và MGP Moxinase-625 (số VN-8498-09).
Ngày 25/11/2010, Thứ trưởng Cao Minh Quang đã chủ trì, điều hành phiên họp Hội đồng xét duyệt đợt 70 bổ sung, các thành viên Hội đồng đã đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký cho 228 thuốc, trong đó có hai loại thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin.
Tiếp đó, Cục Quản lý Dược có phiếu trình, báo cáo Thứ trưởng Cao Minh Quang xin ý kiến về việc cấp số đăng ký cho 1.007 loại thuốc (đợt 70 có 779 thuốc; đợt 70 bổ sung có 228 thuốc) và Thứ trưởng Cao Minh Quang phê duyệt đồng ý.
Ngày 23/12/2010, Cục Quản lý Dược ban hành Quyết định do Cục trưởng Trương Quốc Cường ký công bố 214 thuốc nước ngoài được phép lưu hành tại Việt Nam đợt 70 bổ sung (có giá trị 5 năm kể từ ngày ký), trong đó thuốc H2K Ciprofloxacin được cấp số đăng ký VN-11531-10; thuốc H2K Levofloxacin được cấp số đăng ký VN-11532-10 (Cục Quản lý Dược rà soát, đề nghị không cấp số đăng ký cho 14 thuốc).
Nguồn cand.com.vn