Chiêu độc của những tên cướp manh động
Gần đây, một số vụ cướp giật xảy ra tại những con phố kể trên được các đối tượng nhắm đến chủ yếu là người nước ngoài trong lúc chờ xe taxi, grab hay đứng bên ngoài đợi bạn. Lần theo các manh mối thông tin, PV Báo CAND đã tiếp cận được một số người nước ngoài là bị hại trong các vụ cướp tại các địa điểm kể trên.
Một trong những bị hại mà PV Báo CAND tiếp cận, là ông Iruka Yoshitsugu (SN 1966, quốc tịch Nhật Bản). Thuật lại với PV, ông Iruka Yoshitsugu cho biết, khoảng 21h30 ngày 11/3/2022, tại số 535 Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, sau khi ăn tối xong, ông ra ngoài gọi xe taxi.
Trong lúc chờ xe đến đón, ông IRUKA bất ngờ bị một đối tượng đi xe máy áp sáp, giật chiếc điện thoại Samsung galuxy S22 J5 đang cầm trên tay. Bị bất ngờ, ông IRUKA chỉ kịp hô hoán nhưng đối tượng nhanh chóng biến mất trên chiếc xe máy chạy ngược chiều về phía toà tháp đôi ngã 3 Kim Mã – Đê Lê Thành.
Khi chạy đến gần số nhà 585, đối tượng dừng xe quay lại quan sát xem có bị truy đuổi không? Do đối tượng đi xe màu tối, áo sẫm màu nên rất khó phát hiện. Ông Iruka Yoshitsugu cho biết mình đã sống tại Việt Nam hơn 10 năm nay và nghĩ rằng, rất khó lấy lại tài sản đã bị cướp nên ông đã không nghĩ đến việc trình báo cơ quan Công an.
Tương tự ông Iruka Yoshitsugu là trường hợp của ông Matsunaga Masahiko (quốc tịch Nhật Bản) cũng bị 2 đối tượng cướp giật chiếc điện thoại khi vừa rời một quán ăn từ phố Linh Lang. Vào khoảng 20h30 ngày 14/3/2022, khi ông Matsunaga Masahiko đi bộ từ phố Linh Lang băng qua phố Đào Tấn sang phía Công viên Thủ Lệ thì bất ngờ bị 2 đối tượng đi xe máy áp sát, giật chiếc điện thoại iPhone 13 Promax ông đang cầm trên tay.
Ông Masahiko cho biết, sau khi cướp được chiếc điện thoại, các đối tượng bỏ chạy rất nhanh. Để tránh bị phát hiện, đối tượng đi xe máy và đội mũ bảo hiểm màu tối. Theo các bị hại, việc tìm lại tài sản bị cướp là rất khó nên không trình báo với Công an.
Chia sẻ suy nghĩ này, ông Matsunaga Masahiko và Iruka Yoshitsugu cho biết, sau khi bị các đối tượng cuớp tài sản, dù muốn đuổi bắt đối tượng nhưng không biết phải làm thế nào. Thậm chí ngay cả việc tri hô cũng không thể vì không nói được tiếng Việt.
Nói về việc cơ quan Công an tiếp cận lấy lời khai, ông Matsunaga Masahiko cho rằng, thực tế, do bản thân là một người khá nổi tiếng trong giới người Nhật ở Việt Nam nên sau khi ông bị cướp, thông tin này được lan truyền nhanh trong trong các nhóm nội bộ trên mạng xã hội giới người Nhật tại Việt Nam. Chính Đại sứ quán Nhật Bản đã là người chủ động gọi điện cho ông Matsunaga Masahiko và yêu cầu đến cơ quan Công an trình báo.
Cũng theo ông Matsunaga Masahiko, sau khi trình báo với cơ quan Công an về vụ việc, những ngày sau đó, ông Matsunaga Masahiko quay lại địa điểm bị cướp và chứng kiến thêm một số vụ việc khác tương tự. Tại đây, ông quan sát thường xuyên có 2 đối tượng đi xe máy để cướp tài sản của khách.
Điển hình, tối 20/3/2022, ông Matsunaga Masahiko quay trở lại chỗ bị cướp và nhận ra đối tượng đã gây ra vụ cướp chiếc điện thoại của mình vào tối 14/3 đi xe máy, mặc áo grab che biển số. Tại đây, các đối tượng tiếp tục gây ra vụ cướp tài sản của một người Nhật khác.
“Người này có khả năng cao là đối tượng thường xuyên gây ra các vụ cướp ở đây, biết rõ tường tận địa bàn mới có thể điều khiển xe ngược chiều như vậy. Tôi biết rất nhiều người Nhật cũng bị cướp như tôi. Chủ yếu tài sản bị các đối tượng nhắm tới là điện thoại”, ông Matsunaga Masahiko cho biết.
Sa lưới
Trước tính chất nghiêm trọng của các vụ cướp nhằm vào người nước ngoài, ngày 6/4/2022, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng CSHS xác lập chuyên án, phối hợp với Phòng An ninh đối ngoại, Công an các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm… triển khai các kế hoạch mật phục, rà soát bị hại để truy bắt đối tượng gây án.
Đến ngày 10/4, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ 2 đối tượng gồm: Dương Đình Hoàn (SN 1993; trú tại tổ 28, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Nguyễn Tiến Dũng (SN 1977; HKTT thôn Vĩnh An, xã Song Mai, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), tạm trú tại tổ 22, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai.
Quá trình điều tra mở rộng, Hoàn và Dũng khai nhận trước khi bị bắt, các đối tượng đã gây ra một số vụ cướp tài sản của người nước ngoài tại khu vực phố Linh Lang và Kim Mã…
Theo tài liệu điều tra, cả Dũng và Hoàn đều không có việc làm ổn định và nghiện ma túy nặng. Trong đó, Dũng là đối tượng đã có 2 tiền án về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Tàng trữ vũ khí quân dụng” cùng 2 tiền sự cai nghiện bắt buộc, còn Hoàn cũng đã có 1 tiền án về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.
Để có tiền mua ma túy, Dũng và Hoàn rủ nhau đi cướp giật tài sản. Các “con mồi” những đối tượng này nhắm đến là người nước ngoài. Theo các đối tượng, những người này thường chủ quan, không cảnh giác và không biết tiếng Việt nên khi bị cướp sẽ không thể làm gì được. Cơ quan điều tra cũng đã làm rõ một số vụ cướp do các đối tượng gây ra trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, khoảng 21h ngày 24/3/2022, Hoàn điều khiển xe máy nhãn hiệu Honda Lead màu xanh, BKS: 29X7-256.52 chở Dũng đi lang thang quanh khu vực phường Ngọc Khánh và Cống Vị, quận Ba Đình để “săn mồi”. Đến khoảng 22h cùng ngày, các đối tượng phát hiện một người đàn ông ngoại quốc đi ra từ một nhà hàng, đứng trước số nhà 126 phố Phan Kế Bính, phường Cống Vị, trên tay cầm chiếc điện thoại di động.
Ngay lập tức, Hoàn điều khiển xe máy phóng nhanh, áp sát để Dũng ngồi sau giật lấy chiếc điện thoại nhãn hiệu iPhone Xs rồi cả hai tẩu thoát. Chiếc điện thoại này, các đối tượng bán với giá 1 triệu đồng rồi chia nhau lấy tiền mua ma túy.
Hiện, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, đồng thời cũng khuyến cáo, khi bị các đối tượng xâm phạm sở hữu cần phải đến ngay trụ sở Công an gần nhất để trình báo. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đề nghị, những ai là bị hại của các vụ án trên, liên hệ ngay với Đội 8 - Phòng CSHS, CATP Hà Nội (số 7 Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để được giải quyết.
Thông tin đến công tác đảm bảo ANTT địa bàn trong thời gian tới, Thượng tá Phạm Hải Thắng, Trưởng Công an quận Ba Đình cho biết, ngoài các kế hoạch tuần tra kiểm soát địa bàn theo chuyên đề, kế hoạch cao điểm ra quân trấn áp các loại tội phạm, Ban chỉ huy Công an quận cũng đã chỉ đạo Công an các phường rà soát lại địa bàn để có kế hoạch sát với thực tiễn.
“Trong đó, những địa bàn có người nước ngoài lưu trú sẽ xây dựng kế hoạch riêng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn không để đột xuất, bị động bất ngờ. Bên cạnh đó, Ban chỉ huy Công an quận cũng chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an TP Hà Nội có những kế hoạch đấu tranh tội phạm trên tuyến, chống cướp giật…”, Thượng tá Phạm Hải Thắng thông tin thêm.