Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bổ nhiệm tân Thủ tướng là một chính trị gia trẻ tuổi được cho là động thái mở đường đầy táo bạo cho nỗ lực cải tổ nội các và khởi động lại nhiệm kỳ Tổng thống của ông Macron sau một loạt khủng hoảng trong năm 2023 khiến niềm tin trong nhân dân giảm sút.
Tối 8/1, bà Elisabeth Borne - nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử Pháp - bất ngờ tuyên bố từ chức. Một ngày sau, tên của tân Thủ tướng Pháp đã được xướng lên, không ai khác chính là chính trị gia 34 tuổi Gabriel Attal - cựu Bộ trưởng Giáo dục nước này. Với việc được bổ nhiệm, ông Attal đã trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử của Pháp, vượt qua kỷ lục trước đó được nắm giữ bởi ông Laurent Fabius, người được bổ nhiệm ở tuổi 37 vào năm 1984 dưới thời cựu Tổng thống Francois Mitterrand. Ngày 9/1 (giờ địa phương), trên mạng xã hội X, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có những chia sẻ đầu tiên bày tỏ tin tưởng vào sự nhiệt huyết, năng động của ông Attal để thực hiện kế hoạch "cơ cấu lại" nước Pháp trên mọi lĩnh vực.
Trước đó, trả lời kênh truyền hình France, Tổng thống Pháp từng ca ngợi chính trị gia trẻ Gabriel Attal đã luôn là trợ thủ đắc lực của ông từ những ngày đầu và là người "đầy năng lượng, dũng cảm để tiến hành những cải cách trong tương lai".
Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Macron đã làm dấy lên suy đoán về một cuộc cải tổ nội các bằng cách hứa hẹn đưa ra những sáng kiến chính trị mới. Theo Reuters, việc bổ nhiệm tân Thủ tướng là động thái đầu tiên trong nỗ lực cải tổ của ông Macron, được các nhà bình luận chính trị Pháp cho rằng rất cần thiết để khởi động lại nhiệm kỳ tổng thống của ông Macron trong 3 năm qua sau một loạt khủng hoảng. Mục tiêu của Tổng thống Pháp lúc này sẽ là tìm ra nhân vật có khả năng đoàn kết phe đa số vốn đang bị chia rẽ nặng nề do việc thông qua luật nhập cư mới, cũng như có khả năng liên minh với các đảng khác tại Quốc hội. Với mục tiêu ấy, việc lựa chọn ông Attal - một người trẻ có tư duy cực kỳ sắc bén và là đồng minh thân tín - được cho là "điều dễ hiểu và hợp lý", theo AP.
Kênh Al Jazeera nhận định rằng xét trên tất cả các khía cạnh, ông Attal là một lựa chọn thú vị. Chính khách 34 tuổi này là ngôi sao đang lên trong chính trường Pháp và rõ ràng Tổng thống Macron đang hy vọng rằng ông Attal sẽ giúp hồi sinh chính phủ của mình. The Guardian cho rằng ông Attal trở nên nổi bật nhờ luôn sẵn sàng lên tiếng trước công chúng về bất kỳ vấn đề nào. Kỹ năng giao tiếp vượt trội cũng như tư duy sắc bén giúp ông luôn có những câu trả lời ấn tượng.
Trong các cuộc thăm dò gần đây, ông Attal là lựa chọn hàng đầu của công chúng Pháp để thay thế bà Borne cho vị trí Thủ tướng, với 36% số người được hỏi đồng ý rằng ông sẽ "trở thành một Thủ tướng giỏi". Là một trong những chính trị gia được yêu thích nhất nước Pháp theo kết quả thăm dò, Reuters cho biết, ông Attal đã tạo dựng được tên tuổi của mình với tư cách là một chính trị gia hiểu biết và luôn sẵn sàng bày tỏ quan điểm trên các sóng truyền hình cũng như trên nghị trường.
Ngoài ra, kênh Al Jazeera nhận định việc Tổng thống Macron bổ nhiệm ông Attal làm Thủ tướng nhằm tăng hy vọng nhận được thêm ủng hộ trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới. Đạt được kết quả tốt trong các cuộc bầu cử ở châu Âu là yếu tố quan trọng nếu ông Macron muốn duy trì tầm ảnh hưởng ở Liên minh châu Âu như trong 6 năm qua. Trước mắt, ông Macron muốn làm mới hình ảnh chính phủ Pháp, tạo sự đồng lòng cũng như có sự đồng thuận từ người dân.
Trên thực tế, cùng với người đứng đầu ngành kinh tế Bruno Le Maire, ông Attal là bộ trưởng duy nhất mà nhiều người Pháp muốn ở lại hơn là ra đi trong trường hợp có cải tổ nội các. Dù 6 tháng có lẽ không quá dài, nhưng có thể sẽ đủ để tân Thủ tướng Attal bước đầu dành được sự ủng hộ cũng như lòng tin của người dân Pháp nói riêng và người dân châu Âu nói chung.
Phát biểu tại buổi lễ chuyển giao quyền lực hôm 9/1 (giờ địa phương), cựu Thủ tướng Elisabeth Borne bày tỏ tin tưởng vào năng lực của ông Attal, cho rằng ông có quyết tâm và nghị lực để lãnh đạo chính phủ mới và thực hiện các dự án cần thiết cho đất nước, đồng thời cũng là người biết giữ lời hứa khi đảm nhận vai trò này. Về phần mình, tân Thủ tướng Attal cho biết mục tiêu của ông bao gồm đặt an ninh thành "ưu tiên tuyệt đối" và thúc đẩy các giá trị "quyền và sự tôn trọng của người khác", theo AP.
Ông cũng cam kết tăng cường các dịch vụ công bao gồm trường học và hệ thống y tế, cũng như thúc đẩy kiểm soát nhập cư tốt hơn. Hầu hết các chính trị gia và nghị sĩ Pháp đều nhất trí rằng ông Attal là một người giao tiếp rất giỏi và là chính trị gia đầy tham vọng, và đây sẽ là lúc ông cần thể hiện thế mạnh và chiến lược của mình, trong một nỗ lực tìm lại niềm tin nơi người dân Pháp.