Cuộc “tái đấu” tiềm tàng có thể tác động tới toàn cầu
Cập nhật ngày: 10-01-2024
Nếu không có đột biến xảy ra thì nhiều khả năng cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay sẽ chứng kiến màn tái đấu “vô tiền khoáng hậu” giữa hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump. Kết quả của cuộc bầu cử sẽ có tác động toàn cầu, và với tầm quan trọng của nó, phần còn lại của thế giới cảm thấy như thể họ cũng nên có lá phiếu của riêng mình. Nhưng dù không có quyền bỏ phiếu, thì cũng không nên chỉ đứng nhìn.
Không chỉ căng thẳng và kịch tính, màn tái đấu lần này cũng có nhiều điểm đặc biệt trong lịch sử bầu cử của nước Mỹ. Điểm nổi bật đầu tiên, đây là hai ứng cử viên nhiều tuổi nhất ra tranh cử khi ông Joe Biden đã 81 tuổi, còn ông Donald Trump cũng bước sang tuổi 78. Đây cũng là màn tái đấu giữa một đương kim tổng thống và một cựu tổng thống vừa bị đánh bại lần thứ hai kể từ năm 1892. Về mức độ kịch tính, kể cả trong trường hợp ứng cử viên không phải là ông Joe Biden hoặc ông Donald Trump thì các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây đều là những cuộc chạy đua sát sao.
Trong khoảng 10 cuộc bầu cử gần đây thì người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông đều không vượt qua 10 điểm. Thậm chí trong 2 lần bầu cử, ứng cử viên có đa số phiếu phổ thông vẫn thất bại khi thua ở số phiếu cử tri đoàn. Số lượng các bang được xem là chiến trường cũng giảm mạnh, chỉ còn khoảng 5 - 8 bang, khiến cuộc đua giành cử tri càng trở nên căng thẳng và khốc liệt hơn. Đối với khả năng thắng cử, mặc dù ông Donald Trump đang tỏ ra có lợi thế ở một số bang chiến trường nhưng ông Joe Biden không phải không có cơ hội.
Cho đến nay thì tâm lý chung của cử tri Mỹ là không muốn cả hai ứng cử viên hàng đầu này ra tái tranh cử. Tuy nhiên, khi phải lựa chọn một thì cuộc bầu cử sẽ là sự lựa chọn giữa các phương án có thể so sánh được. Chương trình nghị sự của mỗi ứng cử viên sẽ dựa trên những thành tích trong 4 năm cầm quyền và ông Joe Biden đang thể hiện là một lãnh đạo an toàn và đáng tin cậy hơn.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng, tác động lớn nhất đối với thế giới của cuộc bầu cử 2024 có lẽ nằm ở sự khác biệt về phong cách và cách thức tiến hành ngoại giao. Trong giới chính sách đối ngoại, điều này rất quan trọng, và nơi chịu tác động nhiều nhất có lẽ là châu Âu. Trong khi ông Joe Biden là tổng thống ủng hộ quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ nhất mà Mỹ từng chứng kiến kể từ Chiến tranh Lạnh thì ông Donald Trump lại liên tục cáo buộc châu Âu ngồi không hưởng lợi từ sự hào phóng của đất nước mình. Ông đã đe dọa rằng, nếu đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ đột ngột dừng hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine và rút Mỹ khỏi NATO. Ngay cả khi ông không làm vậy, thì lời đe doạ về việc Mỹ rời khỏi tổ chức vẫn sẽ gây bất ổn và gián đoạn, làm giảm đáng kể lợi ích mà NATO mang lại cho các thành viên.
Bên cạnh đó, hai ứng viên hàng đầu này cũng có quan điểm hoàn toàn khác biệt về vấn đề biến đổi khí hậu và Đài Loan (Trung Quốc), nơi khả năng có thay đổi chính sách là rất lớn.
Các ứng viên hàng đầu cho vị trí tổng thống Mỹ tiếp theo còn mang lại hai tầm nhìn hoàn toàn khác nhau về trật tự thế giới trong tương lai. Trật tự do ông Joe Biden đề xuất đặt các đối tác và quan hệ đối tác lên hàng đầu trong chiến lược của Mỹ. Nó tìm cách cải cách khuôn khổ đa phương nếu có thể, hoặc tìm giải pháp thay thế khi cần thiết, nhưng sẽ thực hiện mục tiêu đó với sự hợp tác của các bên khác. Còn trật tự thứ hai, được ông Donald Trump tán thành, xem trật tự hiện tại là đi ngược lại với lợi ích của nước Mỹ. Thay vì cố gắng cải cách khuôn khổ hiện tại của các thể chế đa phương, hoặc tạo dựng các thể chế nhỏ hơn và linh hoạt hơn, trật tự này lại theo đuổi các chính sách dựa trên từng lĩnh vực cụ thể và ủng hộ một hệ thống kiểu “ủng hộ chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi” nhằm phá vỡ trật tự quốc tế. Sự nghi ngờ của nó đối với chủ nghĩa đa phương vừa mang tính ý thức hệ, vừa mang tính thực tiễn.
Hai thế giới quan này không chỉ đơn thuần là những cấu trúc lý thuyết. Những tác động thực tế của chúng đã hiện rõ trong suốt nhiệm kỳ tổng thống hiện tại và nhiệm kỳ trước đó. Trong năm đầu tiên nắm quyền, ông Joe Biden đã nhanh chóng khôi phục sự tham gia của Mỹ tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ). Ông cũng tìm cách trấn an các đối tác NATO về cam kết hiện tại của Mỹ đối với liên minh. Nhưng có một lĩnh vực mà dường như không có sự khác biệt đáng kể về chính sách đối ngoại giữa hai “kỳ phùng địch thủ” Joe Biden và Donald Trump. Vì tầng lớp lao động Mỹ đã phải gánh chịu những tác động của quá trình toàn cầu hóa không bị cản trở và ảnh hưởng của nó đối với ngành chế tạo, đồng thời chứng kiến tình trạng bất bình đẳng về thu nhập tiếp tục gia tăng, nên chủ nghĩa bảo hộ đã làm lu mờ thương mại, vốn từng là trọng tâm của chủ nghĩa quốc tế của Mỹ.
Tuy nhiên, tạm dừng là một chuyện, còn từ bỏ lại là một chuyện khác. Nếu ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, viễn cảnh Mỹ rời khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hoàn toàn sẽ trở thành hiện thực. Và việc chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ sẽ có một bước tiến xa hơn nếu ông Donald Trump thực hiện đúng theo tuyên bố của mình, là áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu.
Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ có tác động toàn cầu, và, với tầm quan trọng của nó, phần còn lại của thế giới cảm thấy như thể họ cũng nên có lá phiếu của riêng mình. Theo các nhà nghiên cứu, bây giờ là lúc để suy nghĩ một cách chiến lược cũng như chiến thuật về việc làm thế nào có thể khai thác sức mạnh của Mỹ. Châu Âu phải tìm cách để có thể trở thành một đối tác thiết yếu của Mỹ, chứ không thể chỉ phụ thuộc vào một vế của phương trình.
Ngoài Ukraine, các nước G7 cũng nên nhanh chóng thực hiện mục tiêu của mình ở phương Nam. Trên hết, châu Âu không thể đứng bên lề trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas, mà nên nỗ lực cung cấp viện trợ nhân đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hướng tới một giải pháp chính trị thực tế và bền vững.