Saudi Arabia muốn phát triển năng lượng hạt nhân
Cập nhật ngày: 13-11-2023
 
Việc Riyadh theo đuổi năng lượng hạt nhân dân sự nhanh chóng bị xem là một chiến lược địa chính trị nhằm gây ảnh hưởng đến Mỹ, nhằm tạo sức ảnh hưởng đối với Iran và Israel, đồng thời nhằm khám phá những mối quan hệ đối tác tiềm năng với Nga và Trung Quốc.
 

Gần đây, việc Saudi Arabia theo đuổi chương trình năng lượng hạt nhân dân sự đã trở thành một bước ngoặt gây nhiều tranh cãi. Nguyên nhân đến từ phía Nga và Trung Quốc, những nước đề nghị mở rộng các cơ sở hạt nhân của quốc gia vùng Vịnh Ba Tư.

image001.jpg -0
Thái tử Mohammed bin Salman và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Vào đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Năng lượng nước này, Hoàng tử Abdulaziz Bin Salman đã làm toàn thế giới đổ dồn ánh mắt vào ý định hạt nhân của Saudi Arabia, bằng cách tuyên bố rằng Riyadh có ý định làm giàu uranium có nguồn gốc trong nước nhằm hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo. Tuy bề ngoài trông có vẻ là một sáng kiến ​​thuần túy về năng lượng, nhưng càng ngày, đây bị xem là một động thái địa chính trị của vương quốc này nhằm đạt được một hiệp ước an ninh quốc phòng từ Washington, đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel.

Nhận thức được tầm ảnh hưởng ngày một rộng lớn của mình thông qua việc cải thiện mối quan hệ với Nga và Trung Quốc, Riyadh tận dụng động lực này nhằm đạt được những lợi thế lớn nhất có thể. Từ đó, họ sẽ tìm cách tiếp cận các công nghệ quân sự tiên tiến nhất của Mỹ, bao gồm cả liên minh quân sự với Washington và đạt được sự chấp thuận của Mỹ về việc làm giàu uranium cho mục đích dân sự.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn kiên quyết áp đặt những hạn chế đối với các hoạt động làm giàu uranium của vương quốc này, phần lớn là do sự dè dặt sâu sắc của Israel đối với tham vọng hạt nhân của Riyadh.

Tham vọng hạt nhân - mối lo địa chính trị

Cho đến nay, Saudi Arabia vẫn ưu tiên ủng hộ hợp tác hạt nhân với Mỹ thay vì những nước khác, dù rằng Mỹ đặt ra những điều kiện khắt khe hơn nhiều, chưa kể vô số bất đồng giữa Riyadh với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Mặc dù Washington không phản đối việc phát triển các chương trình hạt nhân vì mục đích dân sự ở Tây Á, nhưng họ vẫn đưa ra một nghị định thư đặc biệt: Mỹ chỉ hợp tác nếu các nước từ bỏ việc làm giàu uranium hoặc việc tái chế plutonium làm nhiên liệu.

Lập trường của Riyadh là thách thức "tiêu chuẩn vàng” của Mỹ về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân - một hệ thống tiêu chuẩn đã được áp dụng tại nước láng giềng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Lập trường này mang ý nghĩa sâu rộng đối với những quốc gia đang tìm kiếm độc lập trong vấn đề năng lượng hạt nhân. Các quan chức Saudi Arabia cho biết, họ làm giàu uranium như một cách phản ứng trước mối đe dọa tiềm tàng từ phía Iran. Tuy nhiên, chính triển vọng về việc làm giàu uranium của Saudi Arabia đang gây căng thẳng đến mối quan hệ giữa họ với Washington, cũng như nguy hiểm cho thỏa thuận bình thường hóa với Israel.

Theo ông Paul Dorfman - Chủ tịch Nhóm Tư vấn Hạt nhân kiêm nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Đơn vị Nghiên cứu Chính sách Khoa học của Đại học Sussex, tại Tây Á, năng lượng hạt nhân là một vấn đề gây tranh cãi lớn hơn tại bất kỳ nơi nào khác, vì những quốc gia vùng Vịnh Ba Tư lo ngại về khả năng các nước láng giềng sẽ sử dụng các chương trình hạt nhân dân sự của họ cho mục đích quân sự. Ông giải thích: “Họ không sai. Trừ khi các công nghệ làm giàu và tái xử lý uranium được quản lý chặt chẽ nhằm ngăn chặn việc sử dụng vật liệu dân sự cho mục đích quân sự, thì trên thực tế, sự xuất hiện của những nhà máy điện hạt nhân mới sẽ tạo điều kiện phát triển và sản xuất vũ khí hạt nhân”. Tiến sĩ Dorfman cho biết thêm: “Các quan chức Saudi Arabia đã nhiều lần nói rõ rằng, họ quan tâm đến công nghệ năng lượng hạt nhân vì một lý do khác, vốn không được nêu trong sắc lệnh hoàng gia về chương trình hạt nhân của nước này: Mối quan hệ giữa chương trình dân sự và sản xuất vũ khí hạt nhân”.

Đối với ông Noah Mayhew - cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Giải trừ vũ khí và Không phổ biến vũ khí hạt nhân Vienna, có một vấn đề lớn trong chương trình hạt nhân của Saudi Arabia: Thỏa thuận bảo đảm an toàn, ký kết giữa họ và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Ông Mayhew giải thích: “Saudi Arabia có một nghị định thư trong khuôn khổ thỏa thuận này, hiện đã lỗi thời, được gọi là Nghị định thư Số lượng Nhỏ (Small Quantities Protocol - SQP), nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn cho những quốc gia có ít hoặc không có vật liệu hạt nhân". Ông lưu ý rằng, vào năm 2005, "Ban Thống đốc IAEA nhận thấy, phiên bản SQP trên quá dễ áp ​​dụng; nó cũng bỏ qua quá nhiều yêu cầu so với một thỏa thuận bảo đảm. Do đó, họ đã phê duyệt một phiên bản SQP mới. Như vậy, SQP của Saudi Arabia được cho là không phù hợp. Dù vậy, quốc gia này vẫn chưa sửa đổi SQP cho phù hợp với phiên bản mới, như nhiều quốc gia khác đã làm”.

Đối tác thay thế

Tính đến thời điểm này, không rõ liệu Saudi Arabia có mua lại công nghệ làm giàu uranium từ Mỹ hay không. Mặt khác, theo ông Edwin Lyman - Giám đốc về An toàn Năng lượng hạt nhân tại Hiệp hội những nhà khoa học quan tâm (The Union of Concerned Scientists - UCS), chính quyền của Tổng thống Joe Biden có thể sẽ từ bỏ chuyện phản đối nước này làm giàu uranium nhằm thể hiện sự tôn trọng cho một thỏa thuận rộng hơn giữa Riyadh và Tel Aviv.

Không rõ liệu Quốc hội Mỹ có chấp thuận cho Saudi Arabia làm giàu uranium hay đưa ra bất kỳ biện pháp nào có thể gây ảnh hưởng đến “lợi thế” của Israel về mặt công nghệ quốc phòng hay không. Đa số thành viên Quốc hội Mỹ thường có chủ trương “không ủng hộ Saudi Arabia”.

Nhưng Riyadh có nhiều lựa chọn. Nếu Mỹ và Saudi Arabia không đạt được sự đồng thuận, nước này có thể chuyển sang những đối tác tiềm năng khác như Trung Quốc và Nga - hai quốc gia đang tạo nhiều sức ảnh hưởng tại vương quốc này từ một năm nay. Trong năm 2023, trước sự chứng kiến của Saudi Arabia, Nga sẽ xây dựng cho Thổ Nhĩ Kỳ lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của nước này. Hiện nay, lệnh trừng phạt từ phương Tây là yếu tố duy nhất cản trở công tác hoàn thành lò phản ứng trên.

Gã khổng lồ năng lượng hạt nhân Rosatom của Moscow cũng bày tỏ ý định tham gia đấu thầu dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Saudi Arabia. Ngoài ra, Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) đã bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh miền đông giàu tài nguyên của Saudi Arabia.

Đặc biệt, mối quan hệ giữa Riyadh và Bắc Kinh đã có tiến triển đáng kể trong những năm gần đây: Saudi Arabia đã trở thành đối tác đối thoại trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - một tổ chức liên chính phủ do Trung Quốc đứng đầu cùng 9 thành viên quốc gia. Vào tháng 8, Saudi Arabia cũng là một trong những nước đầu tiên được mời gia nhập tổ chức BRICS mở rộng - một tổ chức do Trung Quốc và Nga lãnh đạo.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng hưởng lợi từ Hội nghị thượng đỉnh Trung-Arab, diễn ra vào tháng 12/2022 tại thủ đô Riyadh. Nhân dịp này, hai nước đã cùng ký kết nhiều thỏa thuận đầu tư với tổng trị giá 10 tỷ USD.

Mặc dù Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) trao cho những bên ký kết quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình - bao gồm cả việc làm giàu uranium, ông Mayhew không xem mối quan hệ hợp tác với Nga hay Trung Quốc là cánh cửa mở ra tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo ông, có khả năng Bắc Kinh và Moscow sẽ (hoặc không) đòi hỏi Saudi Arabia áp dụng một nghị định thư bổ sung, nhưng cả hai nước đều không ủng hộ sự xuất hiện của một thành viên mới trong câu lạc bộ ưu tú “những quốc gia có vũ khí hạt nhân”.

Tây Á trong cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân

Những tác động từ chương trình hạt nhân của Riyadh - đặc biệt là ý định làm giàu uranium, sẽ lan rộng sang các nước láng giềng, nhất là Israel - một quốc gia hạt nhân khác trong khu vực.

Trong khi một số tổ chức của Israel thể hiện sự bất đồng và lo âu về tham vọng hạt nhân của Saudi Arabia, thì bản thân giới chính trị Israel lại giữ im lặng.

Cố vấn An ninh Quốc gia Tzachi Hanebbi thậm chí còn cho rằng, Israel có thể sẽ không phản đối sự xuất hiện của một thỏa thuận cho phép Saudi Arabia làm giàu uranium vì mục đích nghiên cứu. Ngược lại, mặc cho nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy mối quan hệ Israel - Arab Saudi, Bộ trưởng Bộ Năng lượng của nước này, Israel Katz, công khai phản đối chương trình hạt nhân dân sự của Saudi Arabia.

Iran là một quốc gia láng giềng khác bày tỏ quan ngại sâu sắc về chương trình hạt nhân mở rộng của Saudi Arabia - cụ thể là hoạt động làm giàu uranium. Theo ông Lyman, Tehran sẽ xem bất kỳ động thái nào “cho phép Saudi Arabia làm giàu uranium” là một hành động khiêu khích và mang tính đe dọa. Thế nhưng, từ vài tháng nay, Iran và Saudi Arabia đã tìm thấy quan điểm chung và cố gắng xây dựng lại quan hệ ngoại giao mới, dựa trên trao đổi và tin cậy. Do đó, góc nhìn trên không còn mang tính chính xác nữa.

Đáng chú ý, Iran nâng mức làm giàu uranium vì đây là cách nước này phản ứng trước việc Mỹ đơn phương rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), cũng như trước những trở ngại tiếp theo của phương Tây trong việc tái thiết lập thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử.

Mặc dù Saudi Arabia, với tư cách là thành viên của NPT, có quyền làm giàu uranium sau khi ký kết thỏa thuận đảm bảo an toàn, nhưng các nước chủ chốt trong khu vực lại xảy ra nhiều bất đồng sâu sắc, tạo nên điều kiện cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Đông Á và Tây Á.

Chính sách ngoại giao hạt nhân của Riyadh

Một số nhà quan sát đề xuất như sau: Bất kỳ thỏa thuận hợp tác hạt nhân nào trong tương lai giữa Saudi Arabia và các quốc gia khác (như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Pháp) cũng đều phải yêu cầu vương quốc này gia nhập nghị định thư bổ sung. Thông qua nghị định thư này, IAEA sẽ có thêm thẩm quyền trong việc điều tra những cơ sở và hoạt động hạt nhân của Saudi Arabia.

image003.png -0
Bộ trưởng Năng lượng, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman: Saudi Arabia tái khẳng định cam kết về năng lượng hạt nhân tại hội nghị IAEA tháng 9/2023

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đằng sau cuộc đàm phán giữa Saudi Arabia và Mỹ về chương trình hạt nhân của nước này: Riyadh đưa nhiều tuyên bố mơ hồ và gây tranh cãi về ý định hạt nhân của họ; họ thiếu khuôn khổ pháp lý cho chương trình hạt nhân, làm dấy lên lo ngại về an toàn và an ninh.

Ngày nay, Tây Á đang theo đuổi chiến lược quân sự mang tính công kích cao. Những chính sách thông thường như cô lập, đe dọa, phá hoại, trừng phạt và cấm vận đã tỏ ra tương đối kém hiệu quả trong việc làm chậm sự phát triển năng lực hạt nhân và chương trình làm giàu hạt nhân.

Tiến sĩ Dorfman tin rằng, thay vì đối đầu, có lẽ đã đến lúc khuyến khích sử dụng lối tiếp cận ít mang tính cưỡng bức hơn, mang tính hợp tác hơn: "Lối tiếp cận này không chỉ mang tính xây dựng hơn nhằm phá vỡ được tình trạng bế tắc hiện tại mà còn đáp ứng được cả những mối quan tâm chính đáng của tất cả các bên. Điều này có thể mở ra một cơ hội tìm kiếm sự ổn định cho vùng Vịnh, thông qua việc thấu hiểu lẫn nhau hơn, cũng như tăng cường hợp tác và thiết lập bầu không khí tin cậy”.

Tham vọng hạt nhân của Riyadh làm dấy lên những lo ngại về an ninh khu vực và quốc tế. Điều này cũng gây ra những cuộc chiến lớn về mặt chính trị và ngoại giao, không chỉ giữa những đối thủ và đối tác hạt nhân của nước này. Vương quốc này có một nhiệm vụ rất khó khăn: Duy trì thế cân bằng mong manh giữa những cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng tại Tây Á.

Nếu Saudi Arabia phát triển hạt nhân, họ sẽ phải đối mặt với sự giám sát và khiển trách từ phía quốc tế, vì hiện nay, quốc gia này có quá nhiều mối bận tâm: Cố gắng duy trì mối quan hệ liên minh lâu năm với Mỹ; xoay mình sang những cường quốc Á -Âu như Nga và Trung Quốc; triển khai nỗ lực nhằm thúc đẩy bình ổn quan hệ khu vực với Iran. Chưa kể, bình thường hóa mối quan hệ Saudi Arabia - Israel là một vấn đề vô cùng nhạy cảm.

Nguồn: cand.com.vn