Các cuộc tấn công khủng bố và tấn công bằng dao cùng hàng loạt lời đe dọa ở Pháp và Bỉ hồi trung tuần tháng này cho thấy châu Âu vẫn đang đối mặt với những nguy cơ tiềm tàng từ chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan.
Tối 16/10 (giờ địa phương), một đối tượng là nam giới đã thực hiện một vụ xả súng ở sân vận động King Baudouin ở Thủ đô Brussels của Bỉ, khiến 2 công dân Thụy Điển thiệt mạng và một người khác bị thương. Nghi phạm đã bị cảnh sát bắn hạ, tên là Abdesalem Lassoued, 45 tuổi, gốc Tunisia, theo đạo Hồi và nằm trong danh sách theo dõi của Cảnh sát Bỉ với các tiền án buôn người và xâm phạm an ninh quốc gia Bỉ.
Đối tượng này tự nhận là thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và khẳng định, bản thân "chiến đấu cho Thánh Allah". Abdesalem Lassoued từng sống và bị bắt giam tại Thụy Điển vì buôn ma túy trước khi sang Bỉ xin tị nạn tháng 11/2019 và bị từ chối vào năm 2020. Theo luật, đối tượng này phải rời Bỉ trên cơ sở tự nguyện nhưng đã không chấp hành lệnh mà ở lại cư trú bất hợp pháp.
Việc 2 công dân Thụy Điển bị sát hại tại Bỉ diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Stockholm với các nước Hồi giáo đang chìm trong căng thẳng sau các vụ đốt kinh Koran vốn rất nhạy cảm. Ngay sau vụ tấn công, Thụy Điển đã lập tức nâng mức báo động khủng bố ở trong nước. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson thừa nhận: "Chưa bao giờ trong lịch sử gần đây, lợi ích của Thụy Điển lại bị đe dọa như hiện nay".
Trước đó 3 ngày, nước Pháp lại rúng động bởi vụ tấn công khủng bố nhằm vào trường trung học Gambetta-Carnot ở Arras, thủ phủ tỉnh Pas-de-Calais ở miền Bắc. Nạn nhân là giáo viên tiếng Pháp Dominique Bernard, 57 tuổi. Vụ việc xảy ra gần 3 năm sau vụ sát hại giáo viên lịch sử Samuel Paty ở Yvelines, ngoại ô Paris. Nghi phạm trong vụ sát hại thầy giáo Dominique Bernard là Mohammed Mogouchkov, 20 tuổi, từng theo học tại ngôi trường ở Arras, đến từ khu vực Bắc Kavkaz, nơi tập trung nhiều người Hồi giáo.
Trong số những người Bắc Kavkaz nhập cư này, Bộ Nội vụ Pháp xác định trên 300 đối tượng nằm trong "Hồ sơ xử lý các dấu hiệu nhằm ngăn chặn hành vi cực đoan hóa có tính chất khủng bố" (FSPRT), trong đó có khoảng 60 đối tượng thuộc danh sách "Hồ sơ S" (Fichés S) được các cơ quan tình báo giám sát đặc biệt và Mohammed Mogouchkov cũng thuộc diện này. Kể từ năm 2018, nhiều vụ khủng bố tại Pháp, bao gồm 3 vụ tấn công và 6 âm mưu đã được lên kế hoạch, có liên quan đến người gốc Kavkaz.
Không lâu sau vụ thầy giáo Dominique Bernard bị sát hại đã xuất hiện rất nhiều lời đe dọa tấn công khủng bố tại Pháp. Ngày 19/10, ít nhất 14 sân bay nhận được thư đe dọa đánh bom, 8 trong số đó phải sơ tán. Trước đó, tính đến ngày 18/10, cũng đã có 11 sân bay cấp vùng phải tổ chức các cuộc sơ tán vì nhận được đe dọa khủng bố. Một số điểm du lịch nổi tiếng thế giới, như Bảo tàng Louvre, cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Đặc biệt, cung điện Versailles đã ba lần phải sơ tán du khách để nhường chỗ cho các lực lượng an ninh "làm việc". Tổng Thư ký Nghiệp đoàn Cảnh sát quốc gia Pháp (SNCP) David Le Bars cho biết "Có những kẻ ác ý, thực sự muốn làm điều ác và đưa ra những lời đe dọa thực sự, song cũng có những kẻ lấy đó làm trò đùa".
Nhưng bất luận thế nào, do hiệu ứng từ truyền thông, những cảnh báo này đều đã gây hoang mang rất lớn trong người dân Pháp và buộc các lực lượng chức năng phải vất vả gấp bội.
Cứ mỗi lần có cảnh báo đe dọa là một lần cảnh sát phải huy động rất nhiều lực lượng, làm việc suốt nhiều giờ để đưa hiện trường trở lại bình thường. Ngày 14/10, lực lượng rà phá bom mìn đã phải kiểm tra 60.000m2 của bảo tàng Louvre trong suốt buổi chiều để có thể đưa du khách trở lại. Cung điện Versailles cũng chứng kiến cảnh tương tự, với khoảng 10.000 du khách được sơ tán mỗi khi có cảnh báo.
Mặc dù cho tới nay vẫn chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy các vụ việc ở châu Âu có liên quan trực tiếp đến tình hình Trung Đông, nhưng các vụ tấn công tại Pháp và Bỉ, cũng như hàng loạt lời đe dọa tấn công xuất hiện những ngày qua, vẫn làm dấy lên lo ngại về một làn sóng khủng bố ở "lục địa già", trong khi cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas của người Palestine đang gây ra sự phân cực trong xã hội, với sự bùng phát của những bình luận đầy kích động và hận thù trên mạng.
Nguy cơ còn cao hơn khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel trong cuộc chiến với Hamas. Các vụ khủng bố cũng là minh chứng cho thấy rõ những khó khăn của EU trong việc quản lý người tị nạn và nhập cư, cùng thất bại trong thực hiện hồi hương những đối tượng bị cho là không có đủ điều kiện ở lại.
Một lần nữa, tình trạng này lại làm dấy lên những tranh luận về nhu cầu cấp thiết phải điều chỉnh các quy định về khu vực biên giới mở Schengen nhằm tăng cường khả năng bảo vệ của EU trước các dòng người nhập cư, trong đó có việc hồi hương những người nhập cư trái phép và trục xuất những người bị coi là mối đe dọa về an ninh đối với khối này. Các nước thành viên EU đã ban hành tổng cộng 420.000 quyết định hồi hương đối với người nhập cư trong năm 2022, nhưng thực tế chỉ có 77.000 quyết định được thực thi.
Như chia sẻ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, những vụ việc vừa qua cho thấy tất cả các nước châu Âu đều đang trở nên dễ bị tổn thương với sự trở lại của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan. Mối lo dai dẳng của "thời kỳ sợ hãi" 2015-2016 ở châu Âu dường như đang sống dậy.
Đó là nỗi ám ảnh của vụ xả súng nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris đầu năm 2015 giết chết 12 người, loạt vụ tấn công của những phần tử đánh bom liều chết và các tay súng Hồi giáo cực đoan ở thủ đô nước Pháp tối 13/11 cùng năm, cướp đi sinh mạng của 130 người, hay vụ đánh bom ở Brussels hồi tháng 2/2016 khiến 32 người thiệt mạng... Có thể nói, châu Âu vẫn đang đối mặt những nguy cơ tiềm tàng từ chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan.