Cuộc tranh luận đầu tiên của mùa bầu cử Mỹ năm 2024
Cập nhật ngày: 25-08-2023
Từ viện trợ cho Ukraine, quyền phá thai đến những rắc rối pháp lý của cựu Tổng thống Donald Trump, 8 ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa đã “đối đầu” về một loạt vấn đề trong cuộc tranh luận đầu tiên của mùa bầu cử Mỹ năm 2024.
8 ứng cử viên tham gia phiên tranh luận bao gồm Thống đốc bang North Dakota - Doug Burgum, cựu Thống đốc bang New Jersey - Chris Christie, Thống đốc bang Florida - Ron DeSantis, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc - Nikki Haley, cựu Thống đốc bang Arkansas - Asa Hutchinson, cựu Phó Tổng thống Mike Pence, Thượng nghị sỹ Tim Scott của bang South Carolina) và doanh nhân Vivek Ramaswamy.
Các ứng cử viên đã có cuộc tranh luận ở Milwaukee, bang Wisconsin, vào tối 23/8 (giờ địa phương), với hy vọng giành soán vị trí dẫn đầu của ông Trump trong cuộc đua giành đề cử của Đảng Cộng hòa.
Với việc cựu Tổng thống Trump vắng mặt tại sự kiện, cuộc tranh luận đã tạo cơ hội cho những đối thủ của ông Trump cố gắng thu hút hàng triệu cử tri. Dưới đây là những điểm nổi bật trong buổi tranh luận đầu tiên, khai màn cho mùa tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024.
Gương mặt mới nổi bật
Vivek Ramaswamy, một doanh nhân chưa từng có kinh nghiệm chính trường, đã giành được nhiều sự chú ý trong cuộc đua giành đề cử của Đảng Cộng hòa. Ông tự cho mình có quan điểm giống cựu Tổng thống Trump và khẳng định sự hiện diện của mình trong suốt cuộc tranh luận, trực tiếp tranh luận, trao đổi với những đối thủ khác.
Ông Ramaswamy cam kết cắt giảm bộ máy quan liêu của chính phủ nếu đắc cử, nói rằng ông sẽ đóng cửa “nhà nước hành chính” và loại bỏ FBI bằng cách chuyển các bộ phận thực thi pháp luật của cơ quan này sang các cơ quan chính phủ khác. Sau đó, ông khẳng định Đảng Cộng hòa “sẽ cần một người ngoài cuộc” để lãnh đạo.
Rắc rối pháp lý của cựu Tổng thống Trump
Các ứng cử viên cũng tranh luận sôi nổi về các vụ án hình sự chống lại cựu Tổng thống Donald Trump.
Ông Trump phải đối mặt với 4 cáo trạng riêng biệt – về cáo buộc can thiệp bầu cử, cáo buộc xử lý sai các tài liệu bí mật của chính phủ và trả tiền bưng bít cho một ngôi sao khiêu dâm – và những rắc rối pháp lý của ông đã ảnh hưởng lớn đến quá trình tranh cử đề cử của Đảng Cộng hòa.
“Chúng ta nên ngừng bình thường hóa những hành vi như vậy”, ông Christie nhấn mạnh. Cựu Thống đốc New Jersey được biết đến là người thường xuyên phê bình các chính sách của ông Trump.
Điều đó khiến ứng viên Ramaswamy phản đối. Ông Ramaswamy cáo buộc đối thủ thực hiện một chiến dịch “trả thù” chống lại ông Trump.
Sau đó trong cuộc tranh luận, tất cả ứng cử viên cho biết họ vẫn sẽ ủng hộ ông Trump với tư cách là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa ngay cả khi ông bị kết tội trong các vụ án hình sự chống lại mình, trừ ông Christie và Asa Hutchinson, cựu Thống đốc bang Arkansas.
Ông Ramaswamy thậm chí còn cam kết sẽ ân xá cho ông Trump nếu ông đắc cử Tổng thống và kêu gọi những ứng viên khác cùng ông đưa ra lời hứa tương tự.
Chỉ trích đương kim Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ
Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều ứng cử viên phản đối ông Biden và các chính sách của chính quyền ông.
Thống đốc Florida Ron DeSantis, người được nhiều người coi là đối thủ chính của ông Trump trong cuộc đua giành đề cử của Đảng Cộng hòa, cho biết đất nước này đang “suy thoái” do các chính sách kinh tế của chính quyền ông Biden.
Ông DeSantis cũng cam kết sẽ giảm giá xăng và tăng sản lượng năng lượng của Mỹ nếu đắc cử.
Thống đốc Bắc Dakota Doug Burgum cũng cho rằng sự phẫn nộ của công chúng về lạm phát tăng vọt là do chính sách hiện hành của chính quyền. “Nền kinh tế của chúng ta đang bị đè bẹp bởi các chính sách năng lượng của chính quyền, vốn đang làm tăng giá thành của mọi sản phẩm bạn mua, không chỉ là xăng”.
Các ứng cử viên Đảng Cộng hòa khác cũng chỉ trích các quan chức Đảng Dân chủ về nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm an toàn công cộng và nhập cư.
“Đảng Dân chủ đã nói về việc cắt ngân sách cho cảnh sát trong 5 năm qua nhưng chúng ta nên tài trợ cho cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là ở các thành phố lớn của chúng ta”, ông Pence nhấn mạnh.
Vấn đề quyền phá thai
Kể từ khi Tòa án Tối cao Mỹ bãi bỏ quyền phá thai theo hiến pháp vào năm ngoái, vấn đề này đã trở thành “gót chân Achilles chính trị” đối với Đảng Cộng hòa. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người Mỹ phản đối những hạn chế đối với quyền sinh sản.
Tuy nhiên, nhiều chính khách Đảng Cộng hòa được cho là vẫn sẽ phản đối việc phá thai, đồng nghĩa với việc các ứng cử viên của đảng này sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là thu hút nhóm người ủng hộ quyền này.
Bà Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, kêu gọi “sự đồng thuận” về việc phá thai, có lập trường ôn hòa hơn hầu hết các thành viên còn lại của Đảng Cộng hòa trong vấn đề này. Trong khi lên tiếng phản đối việc phá thai muộn, bà nhấn mạnh mọi người nên đối xử tôn trọng lẫn nhau về vấn đề này.
Viện trợ cho Ukraine
Trong cuộc tranh luận, ứng viên Ramaswamy phản đối việc Mỹ tiếp tục tài trợ cho các nỗ lực của Ukraine chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Ông nói rằng Washington không nên lãng phí nguồn lực để chống lại một cuộc chiến ở “biên giới của người khác” thay vì sử dụng ngân sách để bảo vệ biên giới phía nam của đất nước, ám chỉ đến làn sóng di cư bất hợp pháp vào Mỹ.
Trong khi đó, bà Haley chỉ trích Ramaswamy vì những bình luận của ông, cáo buộc ông đã “chọn Tổng thống Nga Vladimir Putin thay vì một đồng minh của Mỹ”.
Ông Christie cũng đồng quan điểm và cho rằng Mỹ nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine.