Sáng kiến Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã không thể được gia hạn và hệ thống an ninh lương thực toàn cầu, một lần nữa, lại bị đặt dưới bóng đen khủng hoảng. Trong khi đó, những diễn biến của cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục trở nên dằng dai và khó lường hơn, khi nước Mỹ tiếp tục công bố gói viện trợ quân sự mới cho Kyiv, đồng nghĩa với việc mọi khả năng hạ nhiệt “lò lửa” này bằng các biện pháp chính trị đều tạm thời trở nên phi thực tế.
Những chuỗi ngày khó khăn và đầy bất trắc lại tiếp nối, đối với nền hòa bình, sự ổn định và cơ sở để phát triển trên toàn thế giới.
Sập cửa Biển Đen
Ngày 19/7, quân đội Nga ban hành một cảnh báo mới trên Biển Đen. Theo đó, một số khu vực trong vùng biển quốc tế tại đây được coi là "tạm thời không an toàn" đối với các tàu thuyền. Ngoài ra, quân đội Nga khuyến cáo những người đi biển không nên đến các bến cảng của Ukraine, vì sẽ bị xem là mục tiêu quân sự, bắt đầu từ ngày 20/7.
Do đó, nếu một con tàu cố ý cập cảng Biển Đen của Ukraine, bất kể treo cờ của quốc gia nào, thì xem như quốc gia ấy là một bên tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine, đối địch với quân đội Nga.
“Với việc chấm dứt Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen và bãi bỏ hành lang nhân đạo trên biển, từ 0h ngày 20/7 theo giờ Moscow, tất cả tàu trên đường đến các cảng của Ukraine ở Biển Đen sẽ được coi là tàu chở hàng quân sự”, phía Nga nhấn mạnh. Một cách ngắn gọn, Biển Đen lại bị phong tỏa.
Không gì khác, đây chính là lời đáp trả không khoan nhượng, dành cho mọi phác thảo mà phía Ukraine cũng như phương Tây đưa ra trước và sau ngày 17/7, nhằm ứng phó với kịch bản Sáng kiến Biển Đen không thể được gia hạn.
Trong đó, từng xuất hiện những luồng suy nghĩ “mơ mộng” đến độ chính Vasyl Bondar - Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ, phải thốt lên với tờ Politico: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ đối đầu công khai với Nga, vì vậy việc (đề nghị) hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống các tàu (chở ngũ cốc) là phi lý”.
Tuy nhiên, đến ngày 17/7, Tổng thống Ukraine Zelensky vẫn tuyên bố: Kể cả khi Nga đình chỉ tham gia Sáng kiến Biển Đen, Ukraine vẫn sẽ tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc của mình.
Vấn đề là chưa ai hình dung được Kyiv sẽ tiến hành thực hiện sự kiên định này bằng cách nào. Bởi lẽ, không chỉ riêng Thổ Nhĩ Kỳ, đến cả Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng xác nhận: Washington không có kế hoạch hỗ trợ an ninh cho các tàu cập cảng Ukraine.
Cho đến hiện tại, nước Mỹ chỉ cam kết tài trợ thêm 250 triệu USD để giúp đỡ nông dân Ukraine gặp khó khăn do các chuyến hàng ngũ cốc bị ngăn chặn ở Biển Đen - theo Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power công bố ngày 18/7. Phát biểu tại cảng Odessa, bà Power cho biết khoản đầu tư thông qua sáng kiến của USAID sẽ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp của Ukraine, nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng nông nghiệp và mở rộng các tuyến đường xuất khẩu khác.
“Các tuyến đường xuất khẩu khác” cũng mới chỉ là một phác thảo mơ hồ. Mọi con đường ngoài phạm vi Biển Đen đều sẽ khiến chi phí bị đội lên.
Cuộc chiến vô hình
Không phải ngẫu nhiên, phía Ukraine cần duy trì khả năng xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng Biển Đen đến vậy.
Tạm gác sang một bên những ý nghĩa quan trọng của khối lượng ngũ cốc xuất đi từ Biển Đen đối với nền an ninh lương thực toàn cầu nói chung (và đối với hàng loạt quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới nói riêng), những khía cạnh hàm chứa trong câu chuyện này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến cuộc xung đột giữa “hai người anh em ruột thịt” cũ.
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, Bộ Nông nghiệp và Hải quan Ukraine ước tính trong giai đoạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen có hiệu lực, nước này đã xuất khẩu được lượng ngũ cốc trị giá 9,8 tỷ USD. Do đó, nếu thỏa thuận không được gia hạn, thiệt hại trực tiếp của Ukraine có thể lên tới 500 triệu USD/tháng.
Ngược lại, đương nhiên, khi các chuyến hàng ngũ cốc từ Nga vẫn có thể tỏa đi khắp thế giới, trong bối cảnh giá lương thực đã lập tức nhích lên sau ngày 17/7, ai cũng có thể thấy rằng phía tiếp tục chiếm thêm “thượng phong” trong cuộc “đấu nội lực” (vốn đã không cân xứng) này là phía nào và vì sao Moscow lại cứng rắn đến như vậy.
Chiến tranh, xét cho cùng, không bao giờ chỉ thuần túy là những vấn đề quân sự, đặc biệt là với những hình thái chiến tranh hoàn toàn mới trong kỷ nguyên hiện tại, vốn đòi hỏi rất nhiều chi phí. Thành bại trên chiến trường có liên hệ mật thiết với tiềm lực kinh tế, khả năng chống chịu và cả ở mặt trận ngoại giao. Một cách ngắn gọn, nếu không có đủ kinh phí, những người lính sẽ phải ra trận trong cảnh thiếu thốn trăm bề, từ miếng ăn đến những khí tài quân sự thiết yếu. Trong khi đó, sau lưng họ, là hậu phương mang nghìn nỗi bất an.
Không đội quân nào có thể chiến đấu trong một chiến tranh quy ước mà không được trang bị đầy đủ vũ khí. Lợi nhuận từ xuất khẩu ngũ cốc, đối với Ukraine, cũng chính là phần quan trọng đóng góp vào nguồn cung vũ khí. Và nay, “mạch máu” ấy đang tạm thời bị bóp nghẹt.
Từ bên kia Đại Tây Dương, Nhà Trắng nhìn rõ tình hình và cũng lập tức đưa ra những đối sách cấp thời, nhằm hỗ trợ cho Ukraine (ít nhất là về mặt “sĩ khí”).
Nước Mỹ không thể lựa chọn việc thách thức trực diện các hạm đội cũng như các cơ sở quân sự Nga trên Biển Đen, mà thay vào đó, ngày 19/7, một gói viện trợ quân sự mới trị giá khoảng 1,3 tỷ USD cho Ukraine được công bố. Gói này bao gồm 4 hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến của Na Uy (NASAMS) kèm đạn dược; đạn pháo cỡ nòng 152 mm; thiết bị rà phá bom mìn; các máy bay không người lái (UAV) Phoenix Ghost do AVEVEX, một công ty tư nhân ở bang California, chế tạo cùng các UAV Switchblade của Công ty AeroVironment. Tuy nhiên, việc cung cấp những vũ khí và hệ thống này phụ thuộc vào tình trạng sẵn có và thời gian sản xuất chúng.
Không gì khác, các gói viện trợ vũ khí quân sự chính là điều phía Ukraine cần để tiếp tục cuộc chiến và cũng đã luôn đề xuất không mệt mỏi với mọi đồng minh của họ, kể từ cuối tháng 2/2022. Mới đây thôi, cũng trong ngày 19/7, Cố vấn của Tổng thống Ukraine - ông Mykhailo Podolyak khẳng định: Quân đội Ukraine cần thêm khoảng 200-300 xe tăng, 60-80 máy bay F-16 “để kiểm soát bầu trời”, với hy vọng có thể đẩy lùi lực lượng Nga khỏi các vị trí cố thủ ở miền Nam và miền Đông nước này. Cùng lúc, các nguồn tin từ phía Nga xác nhận: Quân đội Ukraine đẩy mạnh tiến công ở những khu vực ấy.
Không có đường lui
Kế tiếp quyết định viện trợ bom chùm cho Ukraine, bất chấp những làn sóng dư luận phản đối từ khắp thế giới (bởi đây là một thứ vũ khí bị cấm sản xuất và sử dụng ở 123 quốc gia, do tính chất sát thương cũng như những hệ lụy quá thảm khốc của nó), gói viện trợ quân sự thứ 8 trong năm tài khóa 2023 này (với tổng trị giá 10,8 tỷ USD) có thể coi là sự bảo đảm thực hiện những lời cam kết của nước Mỹ đối với Ukraine, cũng là sự khẳng định tham vọng bảo toàn trật tự thế giới đơn cực (mà Mỹ và phương Tây nắm quyền lãnh đạo) trước sự trỗi dậy của nước Nga cũng như các “kình địch” khác.
Từ lập trường của nước Mỹ cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Moscow không được phép giành chiến thắng trong cuộc đọ sức đa tầng (gồm cả quân sự, kinh tế đến địa chính trị) này, mà Ukraine chính là điểm kết tụ toàn bộ sự nóng bỏng.
Vì thế, cho dù dường như đã phải lựa chọn đánh cược với vận mệnh chính trị của mình, khi kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 xem như đã bắt đầu, đương kim Tổng thống Joe Biden vẫn quyết định sử dụng nguồn tài chính trong chương trình Sáng kiến hỗ trợ an ninh cho Ukraine (USAI), để mua vũ khí từ ngành công nghiệp quốc phòng thay vì lấy từ kho vũ khí của quân đội Mỹ, nhằm giữ cho Ukraine tiếp tục trụ lại được trên các trận địa.
Bối cảnh ấy lại càng khiến Moscow không thể “xuống thang”, nhất là khi quân đội Nga đang nắm giữ quá nhiều ưu thế. Họ không cần phải tiến công. Họ được ung dung phòng thủ, sau những phòng tuyến được xây dựng kiên cố, trên bán đảo Crimea cũng như ở các vùng lãnh thổ thuộc khu vực Donbass đã giành được. Và, rất xa phía sau chiến tuyến, những cuộc không kích từ Nga vẫn luôn có thể khiến còi báo động vang lên trên toàn lãnh thổ Ukraine mỗi ngày.
Ngày 19/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: Nga sẵn sàng ngay lập tức quay trở lại Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen nếu tất cả các điều khoản của thỏa thuận được thực hiện (nghĩa là bảo đảm các quyền lợi liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu của cả Nga, chứ không chỉ của riêng Ukraine) và “bản chất nhân đạo” của thỏa thuận được khôi phục (nghĩa là đích đến của những chuyến tàu chở ngũ cốc phải là những quốc gia khó khăn đích thực, chứ không phải những nước phương Tây phát triển). Song, cũng như lệnh phong tỏa Biển Đen, thực chất, đây chỉ là một nước “chiếu bí” hóc hiểm nữa cho phương Tây, từ chủ nhân Điện Kremlin.
Và, ở rất xa phía sau, vẫn chẳng thể có giải pháp chính trị nào lờ mờ xuất hiện, giữa những đám cháy vẫn luôn được đổ thêm dầu...