Kỳ vọng về khởi đầu mới của mối quan hệ Mỹ - Trung
Cập nhật ngày: 20-07-2023
 
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về các vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry vừa kết thúc chuyến thăm bốn ngày tới Trung Quốc, để tham gia vào các cuộc đàm phán khôi phục nỗ lực của hai nước trong việc chống lại sự nóng lên toàn cầu. Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ có tổng lượng phát thải CO2 ~ 40% của toàn thế giới, động thái nối lại đối thoại hướng tới hợp tác trong vấn đề này được kỳ vọng không chỉ giúp cắt giảm mạnh lĩnh vực sản xuất nhiên liệu hoá thạch, mà còn truyền đi tín hiệu tích cực, nhằm cải thiện mối quan hệ vốn căng thẳng nhiều mặt giữa hai bên.
 

Theo Tân Hoa Xã, từ ngày 16-19/7, ông John Kerry, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về các vấn đề biến đổi khí hậu đã tới Trung Quốc để tập trung đàm phán với người đồng cấp Giải Chấn Hoa các vấn đề bao gồm: giảm phát thải khí methane, hạn chế sử dụng than đá, kiềm chế nạn phá rừng và giúp các nước nghèo giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh thế giới ghi nhận những tuần nắng nóng kỷ lục ở nhiều nơi.

Kỳ vọng về khởi đầu mới của mối quan hệ Mỹ - Trung -0
Đặc phái viên về khí hậu Mỹ John Kerry (trái) trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Bắc Kinh. Ảnh: AP.

Đài NBC News dẫn thông tin từ Cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển Mỹ (NOAA) xác nhận, tháng 6/2023 là tháng nóng nhất trên toàn cầu trong 174 năm. Bên cạnh cái nóng như thiêu đốt, không ít khu vực rơi vào tình trạng lũ lụt gây chết người, từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đến Mỹ. Khi được hỏi về kết quả các đàm phán với người đồng cấp Giải Chấn Hoa, ông Kerry cho rằng vẫn còn quá sớm để tiết lộ. Nhưng ông Kerry thông tin rằng trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Thủ đô Bắc Kinh hôm 18/7, ông đã đưa ra cảnh báo rằng tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn vào mùa hè này, và trích dẫn số liệu về nhiệt độ tại Tân Cương (Trung Quốc) lên hơn 52 độ C.

Được biết, Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia có tổng lượng phát thải, chiếm gần 40% lượng khí thải toàn cầu. Điều này đồng nghĩa là những nỗ lực ngăn chặn các tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ cần phải có sự tham gia của hai cường quốc này. Tuy nhiên, sự hợp tác về khí hậu giữa Bắc Kinh và Washington gần như bị đóng băng suốt gần một năm qua trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Giới chuyên gia nhận định, sự nóng lên toàn cầu như hiện nay nêu bật tính cấp bách của việc Mỹ và Trung Quốc nối lại hợp tác, vì cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra sẽ không đợi hai nước hàn gắn quan hệ.

Trước tình hình này, cũng trong ngày 18/7, tại buổi hội kiến với ông Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông John Kerry khẳng định các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu có thể mang lại một khởi đầu mới cho Washington và Bắc Kinh.

Ông Kerry nhấn mạnh sự cần thiết phải phi carbon hóa ngành năng lượng, giảm phát thải methane, giảm nạn phá rừng. Ông Kerry cũng thúc giục Trung Quốc có những bước đi bổ sung để tránh tác động tồi tệ nhất của khủng hoảng khí hậu. Về phần mình, ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẵn sàng tăng cường liên lạc với Mỹ để cùng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời cho rằng hai bên nên làm việc cùng nhau để loại bỏ các cản trở và đưa quan hệ song phương phát triển lành mạnh trở lại.

"Thế giới cần một mối quan hệ Trung-Mỹ ổn định", ông Vương Nghị nêu rõ. Một nguồn thạo tin dẫn lời quan chức cấp cao Nhà Trắng phân tích, khác với các lĩnh vực như tài chính và ngoại giao, vốn có những khác biệt và nhân tố rủi ro bất ngờ, chống biến đổi khí hậu được Mỹ xem là một trong những vấn đề mà Washington và Bắc Kinh có thể cùng hợp tác vì lợi ích thế giới. Thông điệp này đã được Washington nhắc đi nhắc lại ở nhiều cấp. Mỹ cũng thừa nhận vấn đề này sẽ không thể được giải quyết mà không có Trung Quốc. "Hy vọng của chúng tôi là chuyến đi này có thể trở thành khởi đầu cho một định nghĩa mới về hợp tác và giải quyết những khác biệt giữa chúng ta", ông Kerry chia sẻ với ông Vương Nghị.

CNN cho hay, trong khi Trung Quốc đã tích cực đa dạng hóa nguồn năng lượng tái tạo với sản lượng lớn hơn cả phần còn lại của thế giới, nước này cũng đã có bước đột phá mạnh mẽ trở lại với than đá, xuất phát từ mối lo ngại về an ninh năng lượng. Mùa hè năm ngoái, hàng triệu người dân Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng bị cắt điện liên tục sau những đợt nắng nóng kéo dài dẫn đến khan hiếm nguồn cung cấp điện.

Theo lộ trình, Trung Quốc sẽ đạt mức phát CO2 cao nhất vào năm 2030 và cam kết hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Còn Mỹ đặt mục tiêu khử CO2 cho nền kinh tế vào năm 2050. Năm ngoái, Mỹ ban hành Đạo luật Giảm lạm phát, trong đó áp đặt phí đối với khí thải methane từ ngành dầu khí bắt đầu từ năm 2024. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đưa ra một quy tắc ngăn chặn tình trạng ô nhiễm, theo đó yêu cầu các nhà khai thác dầu khí phản hồi những báo cáo từ các nhà môi trường về mức độ phát thải khí methane-loại khí thải đóng góp tới 30% sự nóng lên toàn cầu.

Trong một diễn biến có liên quan, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger hôm 18/7 cũng tới Bắc Kinh để gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Theo tờ South China Morning Post, cựu Ngoại trưởng Mỹ khẳng định mình là bạn của Trung Quốc, nhấn mạnh rằng hai bên đều sẽ chịu thiệt nếu coi nhau là đối thủ. Ông Kissinger đề nghị quân đội Mỹ và Trung Quốc cải thiện liên lạc, nỗ lực hết mình mang lại kết quả tích cực cho phát triển quan hệ song phương và duy trì hòa bình, ổn định của thế giới.

Ông Kissinger từng đóng vai trò quyết định trong lịch sử quan hệ Mỹ - Trung, với chuyến thăm bí mật đến Bắc Kinh vào tháng 7/1971, mở đường cho Tổng thống Mỹ khi đó là ông Richard Nixon đến Trung Quốc một năm sau, dẫn đến bình thường hóa quan hệ song phương. Hơn nửa thế kỷ sau, Bắc Kinh vẫn coi ông Kissinger là "bạn của Trung Quốc". Ông cũng nhiều lần phản đối Washington theo đuổi lập trường gay gắt với Bắc Kinh, bày tỏ lo ngại viễn cảnh "thảm họa" nếu như đối đầu giữa hai bên vượt kiểm soát và trở thành xung đột.

Nguồn: cand.com.vn