Nỗ lực thúc đẩy ASEAN phát triển năng động và tự cường
Cập nhật ngày: 10-05-2023
 
Đó là mục tiêu mà Indonesia hướng tới trên cương vị nước Chủ tịch ASEAN năm 2023 và phần nào được thể hiện qua những kết quả đáng ghi nhận mà Jakarta đạt được trên 3 trụ cột chính gồm “Các vấn đề của ASEAN”, “Tâm điểm tăng trưởng” và “Triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP)”, tính từ đầu năm tới nay.
 

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 42 đã chính thức khai mạc ngày 9/5 tại Labuan Bajo, tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia và kéo dài tới hết ngày 11/5. Phát biểu chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 9/5, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định, việc củng cố nền tảng tổ chức rất quan trọng trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN. Bà nêu rõ: “Hội nghị sẽ thảo luận và đề xuất với các nhà lãnh đạo về cách thức xây dựng nền tảng vững chắc, tầm nhìn dài hạn và tăng cường năng lực của ASEAN”.

asean-3101202320230131193210.0236560.jpg -0
Áp phích cổ động Năm Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023. Ảnh: TTXVN

Củng cố nền tảng, năng lực và xây dựng tầm nhìn ASEAN là các vấn đề ưu tiên sẽ được Indonesia đưa ra thảo luận trong vai trò Chủ tịch của khối trong năm nay với chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần này cũng thảo luận về việc các nước ngoài khu vực mong muốn ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Bên cạnh đó, hội nghị cũng thảo luận về việc tiếp tục triển khai Đồng thuận 5 điểm của các nhà lãnh đạo ASEAN về Myanmar và triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). Ngoại trưởng nước chủ nhà khẳng định những vấn đề này rất quan trọng trong việc duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực.

Kể từ đầu năm đến nay, nước Chủ tịch Indonesia đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên 3 trụ cột chính. Jakarta khẳng định sẽ tiếp tục giám sát các thành tựu đạt được. Đối với trụ cột “Các vấn đề của ASEAN”, Indonesia đã chuẩn bị tầm nhìn ASEAN đến năm 2045 cũng như thúc đẩy thảo luận về dự thảo Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN.

Ngoại trưởng Retno Marsudi nhấn mạnh, một số vấn đề phải tiếp tục thúc đẩy thảo luận, bao gồm đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), xóa bỏ nạn buôn bán người, tăng cường thể chế hóa Đối thoại Nhân quyền trong ASEAN, soạn thảo Lộ trình trở thành thành viên của Timor Leste và ký kết Nghị định thư Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Trên trụ cột “Tâm điểm Tăng trưởng”, các ưu tiên như củng cố cấu trúc y tế thông qua Sáng kiến One Health, tăng cường an ninh lương thực và năng lượng, bao gồm cả việc phát triển hệ sinh thái xe điện, đã được thảo luận. Cam kết sử dụng đồng tiền ASEAN trong các giao dịch thương mại và kết nối các cơ chế thanh toán trong khu vực cũng đã được thống nhất nhằm tăng cường ổn định tài chính khu vực.

Còn trên trụ cột “Triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP)”, Ngoại trưởng Retno Masurdi nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác cụ thể về Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên các nguyên tắc bao trùm, hợp tác kinh tế và phát triển kinh tế. Để đạt được mục tiêu đó, Indonesia sẽ tổ chức Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Những sáng kiến ưu tiên trong ASEAN-BAC đã nhận được sự ủng hộ của tất cả các Bộ trưởng kinh tế ASEAN. Hiện việc thực hiện các bước tiến này đang được thực hiện trên tất cả các dự án khác nhau.

Một sáng kiến cho thấy những bước tiến lớn đó là ASEAN QR CODE nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh toán xuyên biên giới bằng việc cung cấp một mã QR được tiêu chuẩn hóa để thực hiện thanh toán từ các ví điện tử khác nhau trên khắp các quốc gia khu vực, giải quyết vấn đề sử dụng đồng nội tệ, giảm chi phí giao dịch.

Hiện Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã có một hệ thống thanh toán kết nối như vậy, ngoài ra Malaysia và Thái Lan cũng có một hệ thống thanh toán hội nhập với Singapore. Ông Arsjad Rasjid nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã có sự ủng hộ tích cực cho vấn đề này.

Liên quan tới các đóng góp của Việt Nam trong việc thực hiện các ưu tiên kinh tế trong năm Chủ tịch ASEAN, ông Arsjad Rasjid khẳng định Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực.

Việt Nam tích cực tham gia các sáng kiến như Khu vực thương mại tự do ASEAN và gần đây quan tâm nhiều đến vấn đề mạng lưới kết nối thanh toán xuyên quốc gia. Đây là một dấu hiệu tích cực để phát triển hội nhập kinh tế khu vực.

Ngoài ra, sắp tới Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện ASEAN Wind Energy 2023 là một sự kiện quan trọng, đóng góp cho các mục tiêu năng lượng tái tạo của khu vực. Việt Nam là thị trường điện gió lớn nhất khu vực,với mục tiêu công suất là 13,9 GW cho năm 2025.

Chủ tịch KADIN cho rằng, những đóng góp của Việt Nam rất quan trọng trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế của ASEAN và cam kết của Việt Nam trong các sáng kiến khác nhau thể hiện sự sẵn sàng hướng tới một khu vực hội nhập và thịnh vượng.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 42, các nhà lãnh đạo Timor-Leste sẽ lần đầu tiên tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 với tư cách quan sát viên. Đại sứ Timor-Leste tại Indonesia Filomeno Aleixo da Cruz đánh giá đây là một sự kiện mang tính lịch sử; đồng thời đánh giá cao sự hỗ trợ liên tục từ tất cả các quốc gia thành viên ASEAN trong tiến trình kết nạp Timor-Leste.

Đánh giá về vai trò, vị trí của Việt Nam trong ASEAN, nhất là trong việc thúc đẩy nhanh chóng kết nạp Timor-Leste, Đại sứ Filomeno Aleixo da Cruz cho biết, Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều cho Timor-Leste kể từ những ngày đầu tiên nước này đăng ký xin gia nhập. Timor-Leste ghi nhận rằng, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để đảm bảo tư cách thành viên của Timor-Leste trong ASEAN.

Ông bày tỏ: “Chúng tôi đánh giá Việt Nam đã có nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN thành công trong thời kỳ khủng hoảng y tế toàn cầu. Chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là liên quan đến tư cách thành viên của chúng tôi trong ASEAN, thông qua các chương trình xây dựng năng lực và hợp tác phát triển khác”.

Trong khi đó, đánh giá về các thành tựu của Việt Nam trong những năm qua, cũng như những đóng góp của Việt Nam trong các công việc chung của ASEAN, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho biết, Việt Nam đã có bước chuyển mình lớn trong thời gian qua với sự tăng trưởng đáng kinh ngạc.

Về dân số, Việt Nam hiện đứng trong top đầu các quốc gia ASEAN, với một nền kinh tế phát triển nhanh và mạnh mẽ, thu hút được nhiều đầu tư, các chỉ số phát triển xã hội tăng nhanh. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia khu vực thu hút nhiều đầu tư, du lịch… Kể từ khi là thành viên chính thức của ASEAN, tôi nghĩ Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng cho ASEAN.

Dù giữ vai trò nước chủ tịch ASEAN, thực hiện nhiệm vụ trong Ban Thư ký ASEAN hay là nước điều phối viên với các đối tác đối thoại, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam cũng luôn thúc đẩy lợi ích của các quốc gia ASEAN. Có thể nói Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, chủ động, đóng góp lớn cho ASEAN.

Nguồn: cand.com.vn