Khi niềm tin còn quá mong manh…
Cập nhật ngày: 23-03-2023
 
Bất chấp những nỗ lực vận động của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Liên hợp quốc, Nga khẳng định sẽ chỉ gia hạn cho thỏa thuận ngũ cốc mang tên “Sáng kiến Biển đen” thêm 60 ngày thay vì 120 như lần trước. Động thái này một lần nữa cho thấy sự mong manh của một cam kết vốn không được xây dựng bởi lòng tin đến từ hai phía.
 

60 ngày hay 120 ngày?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan và đại diện Liên hợp quốc cuối tuần qua tuyên bố thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen, dự kiến hết hạn vào Thứ bảy (18/3), đã được gia hạn.

Thỏa thuận mới được ký kết sau các cuộc đàm phán giữa hai trung gian là Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc với Nga và Ukraine, ông Erdo[1]gan cho biết trong một bài phát biểu tại thành phố Canakkale.

Khi niềm tin còn quá mong manh… -0
Tổng Thư ký Liên hợp Quốc Guterres và Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Er Dogan trong lễ ký sáng kiến Biển Đen hồi tháng 7/2022. Ảnh: DaiLy Star.

Trong khi đó, thông cáo báo chí do văn phòng phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc công bố cũng xác nhận rằng "Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, được ký kết tại Istanbul ngày 22/7/2022, đã được gia hạn", đồng thời bày tỏ sự cảm ơn tới Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vì sự hỗ trợ ngoại giao cho thỏa thuận này.

Cả Liên hợp quốc và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đều không nói rõ thời gian gia hạn của “Sáng kiến Biển Đen” là bao lâu. Trong khi đó, thông qua Twitter cá nhân, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine, Oleksandr Kubrakov cho biết thỏa thuận được nối dài thêm 120 ngày. Nhưng, theo hãng tin Reuters, thời hạn mới chỉ là 60 ngày.

Reuters dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định rằng Moscow chỉ đồng ý gia hạn 60 ngày cho “Sáng kiến Biển Đen” thay vì 120 ngày như tuyên bố của Kiev. “Nga đã thông báo cho tất cả các bên tham gia thỏa thuận rằng chúng tôi sẽ gia hạn thỏa thuận thêm 60 ngày”, bà Zakharova nói.

Khi niềm tin còn quá mong manh… -0
Tàu nhận lúa mì tại Ukraine trước khi vận chuyển qua Biển đen. Ảnh: World Grain

Dựa vào những thông tin trên, có thể thấy, nhiều khả năng con số 60 ngày sẽ chính xác hơn. Nhất là khi bà Zakharova, thông qua kênh Telegram cá nhân, cũng đăng tải 2 văn kiện cho thấy Nga chỉ chấp nhận gia hạn 60 ngày, gồm thông báo của Đại sứ Nga gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc và thông báo của Đại sứ quán Nga gửi Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh Nga trên thực tế mới là bên nắm quyền chủ động (vì họ đã phong tỏa toàn bộ lối ra Biển Đen của Ukraine), việc nối dài thời hạn bao nhiêu ngày cho thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc sẽ phụ thuộc phần lớn vào ý chí của nước này. Cần biết rằng, không lâu trước “deadline” 18/3, Moscow đã nhiều lần dọa rút lui khỏi “Sáng kiến Biển Đen”. Nhờ sự vận động ngoại giao rất tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ và phần nào đó là Liên hợp quốc, Nga mới trở lại bàn đàm phán.

Vì sao khác biệt?

Nhưng, đến đây thì có một câu hỏi đặt ra: Tại sao một thỏa thuận quốc tế quan trọng lại được công bố với những khác biệt thông tin như thế? Để trả lời cho câu hỏi ấy, cần phải nhắc lại cơ chế ký kết của các bên.

Khi niềm tin còn quá mong manh… -0
Trên một cánh đồng lúa mì của Ukraine, nước cung cấp 10% lượng lúa mì và 20% lượng ngô cho thế giới. Ảnh: FinanCial times

“Sáng kiến Biển Đen” là thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine qua Biển Đen, được ký kết vào ngày 22/7 năm ngoái ở Is[1]tanbul, với sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc. Nhưng, đây không phải là cái bắt tay trực tiếp giữa Nga và Ukraine. Thay vào đó, mỗi nước lại ký một thỏa thuận riêng với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc.

Theo “Sáng kiến Biển Đen”, Ukraine được phép vận chuyển an toàn ngũ cốc, thực phẩm và phân bón, bao gồm cả amoniac từ các cảng được chỉ định của nước này (hiện thời là Odesa, Chornomorsk và Yuzhne) để xuất khẩu ra thế giới.

Các tàu của Ukraine sẽ đi qua Biển Đen trong hành lang đặc biệt đã được rà phá mìn, thủy lôi và phải dừng ở Thổ Nhĩ Kỳ để kiểm tra bởi Trung tâm điều phối chung (JCC). Đây là cơ quan giám sát thực thi “Sáng kiến Biển Đen” đặt tại Istanbul, do Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu, cùng đại diện từ Ukraine, Nga và Liên hợp quốc.

Trong khi đó, thỏa thuận mà Nga ký kết có những điều khoản thể hiện rằng, Liên hợp quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga trong thời gian 3 năm. Đây chính là điểm mấu chốt khiến Moscow nhiều lần dọa “quay xe”.

Điện Kremlin khẳng định rằng khía cạnh này của thỏa thuận đã không được thực thi nghiêm túc, khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào các nhà tài phiệt phân bón và ngân hàng nông nghiệp chính của Nga đã cản trở hoạt động xuất khẩu phân bón cũng như thực phẩm của nước này.

Do đó, sau khi thỏa thuận đầu tiên, vốn kéo dài 120 ngày, sắp hết hạn, Nga đã dọa rút lui. Nhờ những nỗ lực ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga sau đó gia hạn thêm 120 ngày kể từ tháng 11/2022. Nhưng, bây giờ, như đã đề cập, họ chỉ chấp nhận nối dài thêm 60 ngày nữa, trong khi Ukraine vẫn yêu cầu gấp đôi thời gian ấy.

Khi niềm tin còn quá mong manh… -0
Tuyến đường vận chuyển ngũ cốc trên Biển Đen theo thỏa thuận. Ảnh: WiKipedia

Khác biệt về quan điểm, cũng như cơ chế ký kết riêng biệt giữa Nga và Ukraine với các bên trung gian, có thể là nguyên nhân dẫn đến các phát ngôn không đồng nhất trong lần gia hạn thứ ba này.

Triển vọng mong manh

Nhưng, cũng bởi những khác biệt kể trên mà giới quan sát rất hoài nghi về khả năng “Sáng kiến Biển Đen” được nối dài hơn nữa sau lần gia hạn này.

Ukraine đương nhiên muốn kéo dài thỏa thuận lâu nhất có thể, bởi nó giúp khơi thông dòng chảy ngũ cốc của họ. Năm ngoái, nhờ “Sáng kiến Biển Đen” mà Ukraine đã xuất khẩu được 23 triệu tấn ngũ cốc vào thị trường thế giới.

Các nước đang cần lương thực - đặc biệt những quốc gia châu Phi, Trung Đông và một số nước châu Á - cũng sẽ được hưởng lợi từ việc gia hạn. Bởi nếu lúa mì và ngũ cốc từ Ukraine, một trong những nhà cung cấp lớn nhất thế giới, không đến được thị trường, giá lương thực toàn cầu sẽ tăng chóng mặt.

Nhưng Nga, như đã đề cập, không quá phụ thuộc và thỏa thuận này. Thứ nhất, “Sáng kiến Biển Đen” không phải cơ chế ràng buộc về mặt pháp lý để buộc các cường quốc phương Tây dỡ bỏ những lệnh trừng phạt vốn cản trở việc xuất khẩu của Nga. Thứ hai, thực chất Nga vẫn bán được ngũ cốc, thậm chí là với giá tốt, tới những nơi cần mua bằng nhiều con đường khác nhau.

Chẳng hạn như Ai Cập mới đây đã rút lui khỏi Hiệp định thương mại đa quốc gia về ngũ cốc (GTC) nhằm tự cởi trói khỏi những ràng buộc về thanh toán cũng như hạn mức, qua đó có thể chủ động đàm phán với những nhà xuất khẩu lớn, nhất là Nga, và thanh toán bằng đồng ruble thay vì USD.

Thế nên, theo nhà cung cấp dữ liệu tài chính Refini[1]tiv, lượng lúa mì xuất khẩu của Nga vẫn ở mức hoặc gần mức cao kỷ lục trong tháng 11, tháng 12 và tháng 1 vừa qua, tăng 24% so với cùng kỳ 3 tháng tương ứng của năm trước. Theo nhận định của Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG) - tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu các cuộc khủng hoảng toàn cầu - Nga chỉ xem “Sáng kiến Biển Đen” là đòn bẩy ngoại giao để gây áp lực với Ukraine và phương Tây.

Xuất khẩu ngũ cốc là một trong số ít nguồn thu nhập ngoại tệ mạnh cho nền kinh tế Ukraine. Thỏa thuận ngũ cốc là cơ hội để vực dậy nền kinh tế nước này sau những thiệt hại mà cuộc chiến gây ra. Ngân hàng Thế giới ước tính GDP của Ukraine đã giảm 45% vào năm 2022 trong khi Kiev đã tăng chi tiêu cho quốc phòng lên gấp 10 lần trước đây.

Trong khi đó, với tư cách là bên bảo đảm an ninh thực tế cho thỏa thuận, Nga có thể huy động vốn với nỗ lực tối thiểu mỗi khi muốn gây áp lực với phương Tây bằng cách làm mất ổn định giá lương thực, từ đó tác động đến lạm phát trên toàn thế giới.

Còn nhớ, hồi tháng 10 năm ngoái, khi Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc như một phản ứng trước cáo buộc Ukraine tấn công hạm đội của họ ở Sevastopol, giá ngũ cốc toàn cầu tăng đột biến. Giá lúa mì tháng 10/2022 đã lên tới 437,95 USD/tấn, gấp rưỡi so với tháng 7, thời điểm mà Ukraine bắt đầu được “mở đường” xuất khẩu.

“Cơn bão giá” này chỉ giảm nhiệt vào tháng 11, khi Nga đã quay trở lại thỏa thuận nhờ nỗ lực đàm phán của Thổ Nhĩ Kỳ và nhờ “những đảm bảo bằng văn bản” từ Ukraine rằng Kiev sẽ không sử dụng hành lang an toàn trên Biển Đen cho mục đích quân sự hoặc các cuộc tấn công chống lại Nga.

Cuộc đứt gãy đó tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại những ấn tượng sâu sắc. Một mặt, các hành động của Nga nhấn mạnh rằng “Sáng kiến Biển Đen” dễ bị tổn thương và lỏng lẻo thế nào. Mặt khác, nó cho thấy rõ Moscow sẵn sàng từ bỏ thỏa thuận bất cứ lúc nào nếu thấy phù hợp.

Bên cạnh đó, còn phải nói đến sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ. Từ việc thuyết phục Nga ngồi vào bàn đám phán cho đến việc nắm vai trò giám sát thực thi thỏa thuận, Ankara cho thấy ảnh hưởng đáng kể mà họ có ở Biển Đen, vừa với tư cách là người đối thoại chính giữa các bên, vừa là “người chơi” đối trọng với Nga.

Khi niềm tin còn quá mong manh… -0
Tàu chở ngũ cốc từ Ukraine được kiểm tra tại bờ Biển Thổ Nhĩ Kỳ bởi cơ quan giám sát thực thi “Sáng kiến Biển Đen”. Ảnh: UN

Kể từ đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đã cân bằng một cách tế nhị mối quan hệ của mình với hai quốc gia và tìm cách làm trung gian hòa giải giữa họ. Thổ Nhĩ đã hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả vũ khí và ngay từ đầu cuộc xung đột đã đóng cửa eo biển đối với các tàu chiến Nga không đồn trú ở Biển Đen. Nhưng, nước này không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và cho phép các máy bay quân sự và dân sự của Nga đi qua không phận của mình.

Các nhà bình luận và quan chức Thổ Nhĩ Kỳ thường ca ngợi thỏa thuận ngũ cốc như một chiến thắng mang tính biểu tượng. Ankara hy vọng những thành công trong chính sách đối ngoại có thể giúp Tổng thống Erdogan chuyển sự chú ý của công chúng khỏi những rắc rối kinh tế và các vấn đề trong nước khác trước cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống hiện dự kiến tổ chức vào tháng 6 năm nay.

Trong lăng kính này, có thể thấy, Nga càng cứng rắn thì Thổ Nhĩ Kỳ càng có cơ hội thể hiện vai trò và ảnh hưởng của mình, càng có dịp nâng cao tiếng nói trong khối NATO. Hơn nữa, lá đơn xin gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị treo hàng thập kỷ qua và Ankara hẳn cũng muốn nhắc nhở châu Âu về vị thế không thể xem thường của họ.

“Sáng kiến Biển Đen” vì thế không chỉ là chuyện khai thông dòng chảy ngũ cốc để bình ổn an ninh lương thực toàn cầu. Đằng sau lớp màn nhung của thỏa thuận, vẫn là những mưu cầu rất riêng và lòng tin ít ỏi của các bên, mà trở lực chúng tạo ra luôn có thể khiến mọi cam kết đổ vỡ bất cứ lúc nào.

Nguồn: cand.com.vn