"Phép thử" với Tổng thống Mỹ
Cập nhật ngày: 15-03-2023
 
Sau sự cố xảy ra tại Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tích cực hành động để đảm bảo với công chúng rằng khủng hoảng đã được ngăn chặn, tiền gửi được an toàn và người nộp thuế sẽ không gặp trở ngại gì. Các biện pháp cũng được đưa ra để xoa dịu tình trạng thị trường tài chính hỗn loạn.
 

Đối với cuộc khủng hoảng tài chính mới nhất, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định, các biện pháp can thiệp của chính phủ sẽ không giống như những biện pháp năm 2008. Vào thời điểm đó, Quốc hội Mỹ dùng nhiều tỷ USD tiền thuế để giải cứu các tổ chức tài chính được cho là không cho phép phá sản. Hiện tại, các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden tin rằng lần này họ phải hành động thực chất bất chấp việc các giám đốc điều hành ngân hàng đưa ra quyết định tồi tệ, vì khách hàng không làm gì sai cả.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Không giống như năm 2008, Tổng thống Joe Biden khẳng định các giám đốc điều hành ngân hàng phải trả giá. Trong một tuyên bố đưa ra hôm 13/3, ông nhấn mạnh: “Ban quản lý của các ngân hàng này sẽ bị sa thải. Nếu một ngân hàng đã được Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) tiếp quản thì những người điều hành ngân hàng không nên làm việc ở đó nữa”.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ khẳng định những người nộp thuế sẽ không phải chịu tổn thất từ những các biện pháp trừng phạt của chính quyền đối với hai ngân hàng phá sản. Thay vào đó, họ sẽ sử dụng quỹ bảo hiểm cho mục đích đó. Ngoại trừ các nhà đầu tư, khách hàng và doanh nghiệp nhỏ gửi tiền vào hai ngân hàng bị trừng phạt sẽ được bảo vệ. Hạ nghị sĩ bang California Maxine Waters, đảng viên Dân chủ trong Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện, nói rằng Tổng thống Joe Biden đã rút ra những bài học về sự sụp đổ tài chính năm 2008 và khi đã trực tiếp trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính, tổng thống nhận thức rõ về những rủi ro.

Các nhà quản lý đã giao cho FDIC tiếp quản SVB sau khi khách hàng gửi tiền hoảng loạn ồ ạt rút tất cả tiền trong vòng vài giờ. Các quan chức chính quyền hàng đầu bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhấn mạnh họ đang theo dõi tình hình trong bối cảnh tin tức hai ngân hàng đóng cửa lan truyền khắp các phương tiện truyền thông và đe dọa một hiệu ứng “domino” xảy ra đối với các ngân hàng khu vực trên khắp nước Mỹ.

Tối 12/3, Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và FDIC thông báo rằng tất cả các khách hàng của SVB có thể tiếp cận tiền gửi. Theo Nhà Trắng, khi các quan chức chính quyền làm việc để xử lý khủng hoảng suốt cuối tuần, Tổng thống Joe Biden thường xuyên được Chánh văn phòng Jeff Zients, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Lael Brainard và Bộ trưởng Yellen báo cáo tình hình. Tổng thống Joe Biden cũng nói chuyện và nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia kinh tế bên ngoài.

Tuy vậy, bất chấp những nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng và khách hàng của chính quyền Tổng thống Joe Biden, các đảng viên Cộng hòa đang vận động cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 lập luận rằng, người dân sẽ vẫn là nạn nhân cuối cùng chịu thiệt hại từ các hành động của chính phủ ngay cả khi tiền đóng thuế không được sử dụng trực tiếp. Một số nhà kinh tế tin rằng nhiều khoản phí đánh vào ngân hàng sẽ chuyển sang người tiêu dùng, chẳng hạn như tăng lãi suất cho các khoản vay.

“Tổng thống Joe Biden chỉ giả vờ đây không phải là một gói cứu trợ”, cựu Thống đốc bang Nam Carolina Nikki Haley lập luận những người gửi tiền tại các ngân hàng khác hiện nay buộc phải trợ cấp cho sự quản lý yếu kém của SVB và các khách hàng sẽ phải chịu trách nhiệm về chi phí nếu quỹ bảo hiểm bị cạn kiệt. Nhà Trắng và các quan chức chính quyền khác khẳng định hành động của họ không phải là một gói cứu trợ. Nhưng nhà kinh tế Kenneth Rogoff của Đại học Harvard cho biết trong khi ông đồng ý rằng, chính phủ đang bảo vệ đúng đắn những người gửi tiền của 2 ngân hàng, thì số tiền chi ra để cứu họ chắc chắn là một gói cứu trợ.

Trong bối cảnh giới chức Mỹ đang nỗ lực xoa dịu những lo ngại về nguy cơ sụp đổ có hệ thống của ngân hàng Mỹ sau sự sụp đổ của hai ngân hàng SVB và Signature Bank, nhà kinh tế Jan Hatzius thuộc Goldman Sachs đưa ra nhận định rằng, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - sẽ không ra quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp dự kiến diễn vào ngày 22/3 tới. Thay vào đó, chuyên gia này kỳ vọng các biện pháp mới nhất sẽ “cung cấp thanh khoản đáng kể cho các ngân hàng đang đối mặt với dòng tiền bị rút ra và tăng cường niềm tin của khách hàng gửi tiền. Goldman Sachs trước đó cho rằng FED sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.

Nhận định về hành động tiếp theo của FED, nhà kinh tế Ed Hyman cho rằng ngân hàng trung ương có thể tạm dừng việc tăng lãi suất vì cú sốc tài chính hiện nay. Về các biện pháp cứu trợ được giới chức Mỹ công bố ngày 12/3 nhằm xóa dịu tình hình, Goldman Sachs cho rằng hành động lần này không bằng các giải pháp tương tự được thực hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Bộ Tài chính Mỹ đã xác định sự việc của SVB và Signature Bank là rủi ro hệ thống, trong khi FED đã tạo ra Chương trình tài trợ có kỳ hạn mới để hỗ trợ các tổ chức bị ảnh hưởng vì sự bất ổn của thị trường sau sự sụp đổ của SVB.

Cả ông Jan Hatzius và Ed Hyman đánh giá hành động của Bộ Tài chính Mỹ và FED đều có khả năng làm tăng niềm tin của những người gửi tiền, mặc dù không đạt được sự đảm bảo của Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) đối với các tài khoản không có bảo hiểm như đã được thực hiện vào năm 2008. Hai nhà kinh tế bày tỏ hy vọng các biện pháp mới nhất sẽ “cung cấp thanh khoản đáng kể cho các ngân hàng đang đối mặt với dòng tiền bị rút ra”.

Tuy nhiên, về dài hạn, Goldman Sachs cho biết ngân hàng này vẫn dự đoán FED sẽ công bố các đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7. Nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất lên mức từ 5,25 - 5,5% để có thể đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phạt ở mức 2%.

Nguồn: cand.com.vn