Cái bắt tay Iran-Arab Saudi và ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu
Cập nhật ngày: 13-03-2023
 
Iran và Arab Saudi, hai đối thủ lớn ở khu vực Trung Đông, đã nhất trí mở lại các đại sứ quán tại mỗi nước trong vòng hai tháng, cái bắt tay quan trọng được dự báo sẽ có tác động sâu rộng không chỉ tại khu vực mà còn đối với nhiều nước lớn trên thế giới.
 

Xích lại gần nhau

Quan hệ giữa hai nước lớn tại khu vực Trung Đông trải qua nhiều thăng trầm. Căng thẳng giữa Tehran và Riyadh từng leo thang đáng báo động trong suốt thập kỷ qua, gắn với nhiều sự kiện như Mùa xuân Arab năm 2011, chiến sự tại Syria, nội chiến ở Yemen hay vụ giẫm đạp đẫm máu tại Mecca năm 2015. Riyadh đã chính thức cắt đứt quan hệ với Tehran vào năm 2016. Những năm sau đó, giữa hai bên vẫn nổ ra nhiều tranh chấp và căng thẳng duy trì ở mức độ cao.

3000.jpg -0
Các quan chức Arab Saudi, Trung Quốc và Iran sau cuộc hội đàm tại Bắc Kinh ngày 10/3. Ảnh: AP.

Trong thời gian qua, cả hai bên đã tìm cách cải thiện quan hệ song phương. Tháng 4/2021, Iran và Arab Saudi đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ khi hai bên cắt đứt quan hệ chính thức. Thủ đô Baghdad của Iraq là chủ nhà của các cuộc đàm phán này. Từ tháng 4-9/2022, ít nhất 4 vòng đàm phán giữa hai nước đã được tổ chức, do Iraq và Oman làm trung gian. Iran và Arab Saudi ngày 10/3 tuyên bố mở lại quan hệ ngoại giao và tiếp tục thảo luận về vấn đề trao đổi đại sứ.

Cú bắt tay của Arab Saudi và Iran sẽ có tác động quan trọng, trước tiên và lớn nhất đến tình hình tại khu vực Trung Đông, theo các chuyên gia. Cả Arab Saudi và Iran, hai nước lớn tại khu vực, đều lún sâu vào cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm ở Yemen. Sau khi tham gia vào năm 2015, Arab Saudi đứng về phía chính phủ được quốc tế công nhận tại Yemen, trong khi Iran ủng hộ phiến quân Houthi, lực lượng vào năm 2014 đã chiếm giữ thủ đô Sanaa.

Cộng đồng quốc tế trong thời gian đã có nhiều nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột vốn đã gây ra một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới và biến thành cuộc chiến ủy nhiệm giữa Riyadh và Tehran. Với thỏa thuận mới, nhiều chuyên gia bày tỏ kỳ vọng tình hình tại Yemen có thể sẽ được cải thiện, chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đất nước vùng Vịnh này.

Thêm nữa, Iran từ lâu đã ủng hộ lực lượng dân quân Hezbollah hùng mạnh của người Shiite ở Lebanon, trong khi Arab Saudi lại đứng về phía các chính trị gia theo dòng Sunni của nước này. Căng thẳng hạ nhiệt giữa Riyadh và Tehran có thể giúp cả hai thúc đẩy hòa giải chính trị ở Lebanon, quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có.

Liên quan đến Syria, Iran ủng hộ Tổng thống Bashar Assad trong khi Arab Saudi lại nghiêng về quân nổi dậy tìm cách lật đổ ông. Tuy vậy, trong những tháng gần đây, đặc biệt là sau trận động đất tàn phá cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia Arab đã xích lại gần hơn với chính phủ Assad.

Thỏa thuận ngoại giao đạt được ngày 10/3 có thể khiến Riyadh tương tác với chính phủ Assad một cách dễ chịu hơn. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong thời gian qua muốn bình thường hóa quan hệ với Arab Saudi, nhưng thỏa thuận ngoại giao giữa Riyadh và Tehran sẽ ít nhiều gây cản trở cho nỗ lực này của ông Netanyahu.

Con đường mới giảm bớt lệnh trừng phạt

Đối với bản thân Iran, vốn đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới sụp đổ, thỏa thuận ngoại giao mới đạt được có thể cho Tehran những con đường mới để giảm bớt ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt.

Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman, trong khi đó, muốn chi hàng chục tỷ USD cho các siêu dự án nhằm xoay trục vương quốc này khỏi sự phụ thuộc vào dầu thô trong bối cảnh các mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra. Thỏa thuận với đối thủ hàng đầu trong khu vực sẽ giúp giảm những quan ngại về các cuộc tấn công xuyên biên giới, ảnh hưởng đến những siêu dự án tham vọng này.

Tại Mỹ, chính quyền Biden khẳng định luôn ủng hộ bất kỳ thỏa thuận nào có thể giúp giảm căng thẳng ở Trung Đông, bao gồm cả việc khôi phục quan hệ Iran-Arab Saudi. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lại bày tỏ nghi ngờ việc Iran sẽ tuân thủ các cam kết của mình. Vai trò trung gian của Trung Quốc trong việc nối lại quan hệ Iran-Arab Saudi có thể là một mối lo ngại đối với Mỹ, bởi điều này liên quan đến cuộc chạy đua giữa Washington và Bắc Kinh trong việc giành ảnh hưởng trong khu vực.

Thỏa thuận giữa Iran và Arab Saudi được công bố sau 4 ngày đàm phán ở Bắc Kinh mà không được tiết lộ trước đó. Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết ngày 10/3 rằng, trong khi Washington không tham gia trực tiếp, Arab Saudi đã thông báo cho các quan chức Mỹ về các cuộc đàm phán với Iran. Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên rất gay gắt về các vấn đề từ thương mại đến gián điệp và hai cường quốc ngày càng cạnh tranh để giành ảnh hưởng ở các khu vực trên thế giới.

Ông Kirby dường như không đánh giá cao sự tham gia của Trung Quốc vào thỏa thuận Iran-Arab Saudi, bày tỏ quan điểm của Nhà Trắng rằng những áp lực nội bộ và quốc tế đã khiến Tehran phải ngồi vào bàn đàm phán. Ông Kirby cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ hành động của Bắc Kinh ở Trung Đông.

Nhận thức về “sức mạnh mềm”

Không đồng tình với quan điểm này, Jeffrey Feltman, cựu quan chức cấp cao của Mỹ và Liên hợp quốc cho biết, Trung Quốc có vai trò quan trọng giúp hai nước đồng ý mở cửa trở lại các đại sứ quán. Ông Feltman cho rằng động thái này không khác gì “một cú tát” thức tỉnh đối với Mỹ rằng “Trung Quốc là một cường quốc đang lên”.

Thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh Iran tăng tốc chương trình hạt nhân sau 2 năm thất bại trong nỗ lực của Mỹ nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Brian Katulis, chuyên gia tại Viện Trung Đông của Mỹ cho biết, đối với Mỹ và Israel, thỏa thuận này đưa ra một “con đường khả thi mới” để khôi phục các cuộc đàm phán bị đình trệ về vấn đề hạt nhân Iran. “Arab Saudi quan ngại sâu sắc về chương trình hạt nhân của Iran. Thỏa thuận mới này có thể giúp tác động và giải quyết những quan ngại đó”, ông Katulis cho biết.

Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama cho rằng, sự tham gia của Trung Quốc trong việc “môi giới” cho thỏa thuận có “ý nghĩa quan trọng” đối với Washington. Ông Russel nhận định, việc Trung Quốc tự mình hành động để giúp đạt được một thỏa thuận ngoại giao giải quyết một tranh chấp mà họ không phải là một bên là điều bất thường, đồng thời đặt ra câu hỏi liệu đây có phải “điềm báo” trước cho nỗ lực hòa giải của Trung Quốc cho căng thẳng Nga-Ukraine khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp có chuyến thăm đến Moscow.

Jon Alterman, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết, sự tham gia của Bắc Kinh củng cố thêm nhận thức về sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, cũng như phần nào đó chỉ ra một thực tế đáng buồn về sự hiện diện toàn cầu của Mỹ đang bị thu hẹp. “Thông điệp không quá tế nhị mà Trung Quốc đang gửi đi là trong khi Mỹ là cường quốc quân sự vượt trội ở vùng Vịnh, thì Trung Quốc lại đang thể hiện mình là đại diện ngoại giao hùng mạnh và có vai trò ngày càng lớn tại khu vực”, ông Alterman nhấn mạnh.

Nguồn: cand.com.vn