Trước các lệnh trừng phạt liên tiếp của phương Tây liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đã có sự chuyển hướng sang châu Á trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và năng lượng. Song song với đó, mối quan tâm của Moscow đối với khu vực châu Phi cũng đang ngày một tăng lên.
“Xoay trục” châu Á
Cuộc xung đột ở Ukraine đã biến thành cuộc đối đầu giữa Nga và các nước phương Tây. Trong khi phương Tây hỗ trợ quân sự và vật chất cho Ukraine, họ cũng đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Do đó, Nga đã tái tập trung chính sách đối ngoại của mình vào châu Á, nơi mà nước này đã đầu tư trong những năm gần đây.
Cuộc đấu đối đầu với các nước phương Tây cũng đã đưa Nga xích lại gần Trung Quốc. Quan hệ với Bắc Kinh có tầm quan trọng rất lớn đối với Moskva trên phương diện xóa bỏ sự cô lập về chính trị và phối hợp hành động trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ cũng cực kỳ quan trọng đối với Nga.
Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là “cửa ngõ” của Nga với thế giới về giao thông vận tải, du lịch, thương mại, năng lượng và tất cả các lĩnh vực khác. Nga cũng đang phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với Ấn Độ. Ấn Độ đang mua các công nghệ quân sự quan trọng từ Nga, đặc biệt là hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. Nga cũng đã tăng cường hợp tác quân sự với Iran và Triều Tiên.
Năm 2022, Tổng thống Putin đã đến thăm các quốc gia Trung Á cũng như Iran và Trung Quốc. Cùng năm, các quan chức Nga đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Caspian, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hội nghị về Tương tác và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), cuộc họp của Hiệp ước Tổ chức An ninh Tập thể (CSTO) và cuộc họp của Hội đồng Kinh tế Á-Âu.
Cũng cần lưu ý rằng Nga đang tích cực tham gia vào các công việc của nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và đang tìm cách nâng cao tầm quan trọng của tổ chức này. Việc Nga xích lại gần các nước châu Á diễn ra đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và dự án năng lượng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu ước tính tăng 25% lên 431 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 16% xuống 180 tỷ USD. Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Kazakhstan hiện là những đối tác thương mại quan trọng của Nga. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc vượt 190 tỷ USD (tăng 30% so với năm 2021). Trong 10 đầu tháng năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đạt mức cao kỷ lục (56,5 tỷ USD). Năng lượng là một trong những lĩnh vực Nga chuyển hướng mạnh mẽ sang châu Á. Năm 2022, Nga xuất khẩu 15,5 tỷ mét khối khí đốt sang Trung Quốc qua đường ống Power of Siberia (năm 2021 là 10,4 tỷ mét khối). Vào năm 2023, các bên có kế hoạch tăng con số này lên khoảng 23 tỷ mét khối và giai đoạn 2027-2028, đường ống Power of Siberia 2 sẽ được khởi động. Ngoài ra, Nga đã tăng cường xuất khẩu dầu và khí đốt sang các nước châu Á khác.
Thật vậy, ngoài Trung Quốc và Ấn Độ đã nhập khẩu lượng dầu khổng lồ từ Nga nhờ giá chiết khấu, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Nga. Nhìn chung, Nga có kế hoạch tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Á-Thái Bình Dương lên tới 70 tỷ mét khối vào năm 2025. Các quan chức Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang làm việc để thành lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Gia tăng ảnh hưởng ở “Lục địa đen”
Giai đoạn gần đây, trước hoặc sau chuyến thăm của các quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) hoặc Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tiến hành nhiều chuyến công du đến châu lục này. Trong đợt công du đầu tiên hồi tháng Một, ông đã đến thăm Nam Phi, Eswatini, Angola và Eritrea. Trong đợt hai vào tháng Hai, Ngoại trưởng Nga đã dừng chân ở Mali, Iraq, Sudan và Mauritania để tăng cường hỗ trợ cho Nga ở châu Phi. Nga từ lâu đã sử dụng “ngoại giao lịch sử” ở châu Phi, nhưng sau cuộc xung đột ở Ukraine, những chiến thuật này đã thực sự bắt đầu phát huy tác dụng.
“Nga cố gắng xây dựng hình ảnh mình là một cường quốc chống thực dân đối với người châu Phi, vốn có sự ám ảnh rất lớn đối với phương Tây, điều này dường như tạo ra nhiều phản ứng trong khu vực”, một quan chức EU thừa nhận. Đáp lại, Đại sứ quán Nga tại Pretoria thông báo: “Nga là một trong số ít cường quốc trên thế giới không có thuộc địa ở châu Phi hay các nơi khác cũng như không tham gia buôn bán nô lệ trong suốt lịch sử. Nga đã giúp đỡ, bằng mọi cách có thể, các dân tộc ở lục địa châu Phi để giành tự do và chủ quyền của họ”. Điều này khiến EU và Mỹ không vừa lòng. Trong khi đó, Nam Phi đã trở thành ví dụ sinh động nhất về việc phương Tây tranh giành ảnh hưởng với Nga ở lục địa này.
Trong vòng vài ngày, Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng như nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell đã có chuyến thăm Nam Phi. Nam Phi có mối quan hệ lịch sử chặt chẽ với Nga kể từ khi Nga ủng hộ Đại hội Dân tộc châu Phi trong thời kỳ phân biệt chủng tộc và đã đưa ra quan điểm trung lập chính thức về cuộc xung đột ở Ukraine, trước sự thất vọng của Washington và Brussels.
“Tôi rất hy vọng rằng Nam Phi, đối tác chiến lược của chúng tôi, sẽ sử dụng mối quan hệ tốt đẹp với Nga và vai trò của nước này trong nhóm BRICS để thuyết phục Moskva ngừng cuộc chiến vô nghĩa ở Ukraine”, ông Borrell nói khi phát biểu cùng với Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ Quốc tế Nam Phi Naledi Pandor. khi được một phóng viên hỏi liệu Bộ Ngoại giao Nam Phi có kêu gọi Nga rút khỏi Ukraine hay không, bà Naledi Pandor trả lời “Không”, đồng thời lưu ý đến việc phương Tây chuyển giao vũ khí ồ ạt cho Ukraine. Ngoài cạnh tranh ngoại giao, còn có một cuộc đối đầu khác. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cáo buộc phương Tây phải chịu trách nhiệm về việc làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu - điều đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến các quốc gia châu Phi, vốn đặc biệt phụ thuộc vào nhập khẩu lúa mì và ngũ cốc.