Căng thẳng phương Tây - Trung Quốc thêm trầm trọng vì “một gã khổng lồ” công nghệ
Cập nhật ngày: 7-03-2023
Nhiều công chức và viên chức làm việc cho chính phủ Australia tới đây sẽ khó có cơ hội được thư giãn bằng các video giải trí trên nền tảng Tiktok, ít nhất là khi đang ở cơ quan. Ngày 6/3, có tới 25 bộ và nhiều cơ quan chính phủ Australia ban hành lệnh cấm Tiktok – ứng dụng của công ty công nghệ Trung Quốc Bytedance, trên tất cả các thiết bị điện tử phục vụ công việc.
Động thái của Canberra theo sau quyết định tương tự của Mỹ, Canada, Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và Đan Mạch. Giới chuyên gia nhận định, việc cấm Tiktok tại những quốc gia trên, có khả năng làm hằn sâu thêm mối quan hệ phương Tây – Trung Quốc vốn “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.
Truyền thông Australia ngày 6/3 cho biết, đến nay đã có 25 bộ và cơ quan chính phủ của nước này quay lưng với ứng dụng Tiktok trên tất cả các thiết bị phục vụ công việc. Trong số đó, có 11 bộ và cơ quan chính phủ đã cấm hoàn toàn ứng dụng như Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục, Cơ quan Bảo hiểm người khuyết tật quốc gia và Ủy ban Bầu cử Australia. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Bộ Nội vụ Australia chuẩn bị hoàn tất một cuộc điều tra các nền tảng mạng xã hội và sẽ đưa các khuyến nghị lên chính phủ.
Trước đó, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 1/3 đã bỏ phiếu để Tổng thống Joe Biden ban hành lệnh cấm Tiktok. Đây là lần hạn chế sâu rộng nhất và chưa từng có của chính phủ Mỹ đối với bất kỳ ứng dụng truyền thông xã hội nào. Nhà Trắng tuần trước đã cho các cơ quan chính phủ 30 ngày để đảm bảo rằng Tiktok không được cài đặt trên mọi thiết bị và hệ thống liên bang.
Về phía các lãnh đạo của Canada, Đan Mạch hay Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu, họ đều có chung quan điểm rằng “tốt nhất là nhân viên chính phủ không dùng Tiktok, vì có nhiều lo ngại liên quan đến bảo mật an ninh dữ liệu”. Được biết, số liệu của hãng phân tích thị trường We Are Social (Mỹ) công bố hồi đầu tháng 3 đã chỉ ra rằng, Tiktok hiện là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều thứ sáu trên thế giới, với hơn 1 tỷ người truy cập mỗi ngày và có tốc độ tăng trưởng về lượng người dùng là giới trẻ vượt xa các đối thủ cạnh tranh. Tiktok tuy sinh sau đẻ muộn nhưng chiếm tới 2,3% thị trường quảng cáo số trên toàn thế giới, chỉ đứng sau Google, Facebook, Amazon và Alibaba. Sự gia tăng nhanh chóng về lượng người dùng đã giúp Tiktok thu về hơn 11 tỷ USD doanh thu quảng cáo vào năm 2022, tăng gấp ba lần so với năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng chóng mặt, các quốc gia, tổ chức nêu trên cho rằng Bắc Kinh có khả năng sử dụng Tiktok như một chú ngựa thành Troia, nhằm tiếp cận với dữ liệu người dùng, truyền bá tin giả, tạo ra mối nguy về an ninh quốc gia.
Theo Reuters, chính phủ Trung Quốc có thể âm thầm yêu cầu dữ liệu từ các công ty và công dân nước này. Giới chuyên gia đánh giá, động thái này được dự báo sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây. Bà Susan Ariel Aaronson - Giảng viên trường Quan hệ quốc tế Elliott nhận định: “Không ngạc nhiên khi nhiều chính phủ muốn cấm Tiktok. Thời buổi này, dữ liệu là nguồn lực quan trọng để phát triển một cường quốc kinh tế. Ví dụ, khi một chính phủ muốn phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, họ cần những nguồn dữ liệu khổng lồ. Không chính phủ nào muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua thu thập dữ liệu. Họ chắc chắn không muốn những dữ liệu cá nhân của công dân nước mình nằm trong tay một công ty nước ngoài”. Với những diễn biến không có lợi cho Trung Quốc liên quan đến việc nhiều nước cấm Tiktok, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ning đã chính thức lên tiếng.
Bà Mao Ning nhấn mạnh: “Các nước phương Tây có thể đang lạm dụng khái niệm an ninh mạng, an ninh quốc gia. Tiktok chỉ đơn thuần là ứng dụng di động đang được phần lớn thanh niên yêu thích. Chúng tôi bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng ứng dụng này theo dõi người dùng ở Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Các đối tác nên cung cấp môi trường cởi mở, không phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp nước ngoài ở sở tại”.
Về phía Tiktok, Người phát ngôn công ty này nêu rõ: “Việc kêu gọi cấm hoàn toàn Tiktok là cách tiếp cận không đầy đủ đối với vấn đề an ninh quốc gia cũng như với các vấn đề rộng lớn của toàn ngành như bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư và tác hại tiêu cực trực tuyến”. Hồi tháng 11/2022, công ty này thừa nhận rằng nhân viên của họ ở Trung Quốc có thể xem dữ liệu cá nhân của người dùng châu Âu. Thông báo áp dụng cho người dùng ở khu vực kinh tế châu Âu, Vương quốc Anh và Thụy Sĩ nhưng không áp dụng cho Mỹ. Tuy vậy, Tiktok nhấn mạnh rằng họ luôn nỗ lực bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng cũng như đã giới hạn tính năng theo từng độ tuổi cụ thể.
Người phát ngôn của Tiktok khẳng định: “Chúng tôi luôn sẵn sàng gặp gỡ các quan chức chính phủ các nước để thảo luận về cách chúng tôi bảo vệ quyền riêng tư và an ninh của người sử dụng, nhưng việc loại bỏ Tiktok theo cách này sẽ không đạt được mục tiêu chung”. Trước đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng quyết định xóa và chặn Tiktok khỏi các thiết bị di động của chính phủ được đưa ra như một biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là trước những lo ngại về tính pháp lý của các thông tin được thu thập từ thiết bị di động. Mặt khác, mặc dù rủi ro khi sử dụng Tiktok là rõ ràng, nhưng chính quyền các nước chưa có bằng chứng nào cho thấy thông tin của chính phủ đã bị xâm phạm. Đối với dân chúng, việc chọn một ứng dụng hoặc nền tảng truyền thông xã hội là lựa chọn cá nhân. Người dùng cần được cung cấp thông tin để hiểu về các rủi ro và tự mình đưa ra lựa chọn sáng suốt trước khi quyết định sử dụng bất kỳ ứng dụng nào.