Các nhà nghiên cứu hiến kế "moonshot" cho cuộc khủng hoảng khí hậu
Cập nhật ngày: 9-02-2023
 
Mới đây, các nhà vật lý thiên văn tại Đại học Utah (Mỹ) đề xuất giải pháp địa kỹ thuật cho sự nóng lên của trái đất, trong bối cảnh việc kêu gọi cắt giảm nhiên liệu hóa thạch đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên toàn cầu.
 
Các nhà nghiên cứu hiến kế
Nghiên cứu về moonshot của các chuyên gia Đại học Utah nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa. Ảnh: Kevin Gill.

Đề xuất của các nhà vật lý thiên văn tại Đại học Utah (Mỹ) được đăng tải trên chuyên trang về khí hậu Plos Climate. Theo đó, họ đưa ra giải pháp "moonshot", hiểu đơn giản là việc sử dụng một thiết bị đạn đạo để bắn những chùm bụi của mặt trăng vào không gian, cách trái đất khoảng 1,6km. Việc này sẽ tạo ra một tấm chắn bảo vệ, làm chệch hướng các tia sáng mặt trời.

Ben Bromley, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã tìm ra những điều thú vị rằng các hạt bụi tự nhiên trên mặt trăng có kích thước và thành phần phù hợp để tán xạ ánh sáng mặt trời khỏi trái đất một cách hiệu quả".

Nghiên cứu này cũng nêu rõ, việc phóng các chùm bụi này từ bề mặt mặt trăng sẽ tốn ít năng lượng hơn nhiều so với một vụ phóng từ trái đất. Do vậy, dự án đưa thiết bị khai thác và bắn bụi lên mặt trăng cần đặc biệt chú trọng. Ngoài ra, Ben Bromley và cộng sự còn cho rằng có thể thiết lập một trạm vũ trụ mới ở khu vực giữa trái đất và mặt trời để thực hiện giải pháp trên. 

Nghiên cứu của ông Ben Bromley cũng nhận về nhiều ý kiến trái chiều, khi họ cho rằng giải pháp khai thác mặt trăng là bất khả thi. 

Ted Parson, một chuyên gia về luật môi trường tại Đại học California (Mỹ) cho rằng, giải pháp mà nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Utah đưa ra rất thú vị nhưng khó có thể đưa vào thực tế, bởi chi phí nghiên cứu và thực hiện vô cùng lớn. Đồng thời, việc đưa các thiết bị lên mặt trăng hay thiết lập một trạm vũ trụ mới sẽ khó kiểm soát hơn so với việc lựa chọn các địa kỹ thuật ở trái đất. 

Cũng đưa ra nhận định về vấn đề này, Frank Biermann, giáo sư quản trị bền vững toàn cầu tại Đại học Utrecht (Mỹ) nêu rõ: "Điều cần thiết là phải cắt giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính trên trái đất. Việc này đòi hỏi tiến bộ công nghệ nhanh chóng và chuyển đổi kinh tế xã hội. Khai thác mặt trăng không phải là câu trả lời mà chúng ta cần". 

Nguồn: cand.com.vn