Khủng hoảng kinh tế thách thức đoàn kết của EU
Cập nhật ngày: 4-01-2023
 
Đã 8 tháng trôi qua kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, người ta bắt đầu nhìn thấy những rạn nứt trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU). Người tiêu dùng đang cảm nhận được khó khăn do lạm phát cao kỷ lục không có dấu hiệu giảm nhiệt, và cuộc khủng hoảng năng lượng hiển hiện rõ ràng hơn vào mùa đông. Các cuộc biểu tình và đình công liên quan đến chi phí sinh hoạt tăng cao đã nổ ra khắp EU.
 

Mối lo đến gần

Các cuộc biểu tình này hầu hết tập trung vào yêu cầu tăng lương, nhưng lại có một số nhắm vào các biện pháp trừng phạt Nga và sự hỗ trợ không không đầy đủ của chính phủ trong bối cảnh người dân phải đối mặt với khó khăn kinh tế. Nhiều nước thành viên EU lo sợ về các biện pháp trừng phạt và cảnh báo về nguy cơ mà tình hình kinh tế hiện tại gây ra cho tương lai EU. Bầu không khí bất mãn trong nước ở một số quốc gia gia tăng và áp lực đối với chính phủ cũng có nguy cơ khiến các quốc gia lựa chọn hành động đơn phương để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế, đe dọa phá vỡ sự thống nhất của EU.

Khủng hoảng kinh tế thách thức đoàn kết của EU -0
Dòng người tuần hành tập trung tại trung tâm Cologne, Đức để phản đối tình trạng giá cả tăng vọt.

Lạm phát trong tháng 10 ở mức cao kỷ lục tại 19 quốc gia thuộc Khu vực đồng  euro, với Đức là 11,6%, Italy 12,8%, Pháp 7,1%. Tình trạng tăng giá năng lượng (41,9%) và thực phẩm, rượu và thuốc lá (13,1%) là nguyên nhân chính gây ra lạm phát. Để đối phó với lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất, gây sức ép lên các doanh nghiệp và các nước thành viên EU mắc nợ cao, chẳng hạn như Italy, bằng việc tăng chi phí lãi vay. Dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU tăng trưởng 0,2% trong quý III, các nhà kinh tế vẫn dự đoán suy thoái đang cận kề. Ngoài ra, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn khí đốt sang châu Âu, thì các quốc gia Trung và Đông Âu có thể phải đối mặt với tình trạng “thiếu hụt, không đủ lương thực và GDP giảm 3%”, cũng như lạm phát gia tăng hơn nữa trên khắp lục địa.

Tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt Nga

Cho đến nay, EU đã thông qua 8 vòng trừng phạt đối với Nga kể từ khi cuộc chiến nổ ra. Tuy nhiên, các chính phủ thành viên bắt đầu bày tỏ nghi ngờ về các biện pháp trừng phạt trong tương lai và sự bất mãn gia tăng trong nước đe dọa tính bền vững của các biện pháp trừng phạt hiện tại.

Hungary vẫn là thành viên EU khó chấp nhận các biện pháp trừng phạt nhất. Thủ tướng Viktor Orban đã tăng cường công kích các biện pháp trừng phạt của EU. Ông đã thông qua thành công việc miễn trừ lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ của Nga vào tháng 6 và hiện đang yêu cầu miễn trừ bất kỳ mức giá trần khí đốt nào mà EU áp với khí đốt nhập khẩu của Nga. Ông Orban còn tuyên bố các biện pháp trừng phạt của EU đang tàn phá nền kinh tế Hungary. Hungary cũng đang ngăn chặn gói hỗ trợ kinh tế mới nhất của EU cho Ukraine, vốn cần có sự nhất trí để thông qua. Việc ngăn chặn gói viện trợ kinh tế cho thấy một quốc gia có thể có tác động lớn như thế nào đến một số chính sách của EU.

Mặc dù lập trường chống trừng phạt của Hungary không gây ngạc nhiên, nhưng các nước thành viên EU khác bắt đầu bày tỏ lo ngại. Hy Lạp, Cyprus và Malta đều bày tỏ hoài nghi về lệnh cấm tàu EU vận chuyển dầu mỏ của Nga đi khắp thế giới trong đợt trừng phạt mới nhất, cho rằng việc làm như vậy có thể ảnh hưởng không cân xứng đến nền kinh tế của họ. Tại Italy, đã có sự bất đồng giữa các thành viên chủ chốt của chính phủ liên minh mới về cách tiếp cận của nước này đối với các biện pháp trừng phạt. Thủ tướng Giorgia Meloni công khai duy trì lập trường ủng hộ các lệnh trừng phạt, nhưng 2 ông Matteo Salvini và Silvio Berlusconi, lãnh đạo của 2 trong số các đảng liên minh lại lên án các lệnh trừng phạt gây hại cho cả châu Âu và Italy.

Tình cảnh này đặt bà Meloni vào tình huống bấp bênh tiềm tàng, theo đó bà sẽ phải lựa chọn thay đổi cách tiếp cận các biện pháp trừng phạt, nếu không sẽ có khả năng chứng kiến chính phủ sụp đổ. Và cả kết quả đó đều không có lợi cho EU. Một sự thay đổi trong chính sách trừng phạt sẽ phá vỡ sự thống nhất của EU trong khi sự sụp đổ của Chính phủ Italy sẽ gây ra thêm bất ổn ở một trong những nước thành viên lớn nhất vào thời điểm EU cần đoàn kết và ổn định nhất.

Các chính phủ không phải là bên duy nhất bày tỏ lo ngại về các biện pháp trừng phạt. Một số hiệp hội công nghiệp châu Âu hối thúc EU tránh áp các biện pháp trừng phạt đối với nhôm của Nga, cảnh báo rằng nếu áp đặt, có thể “khiến hàng nghìn công ty phá sản”. Ngoài ra, tại Cộng hòa Séc, một số cuộc biểu tình chống chính phủ đã diễn ra, những người biểu tình thậm chí còn yêu cầu chính phủ thân phương Tây từ chức vì ủng hộ các biện pháp trừng phạt và không hành động trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao. Tương tự, những người biểu tình ở miền Đông nước Đức yêu cầu Chính phủ Đức dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga.

Ngoài ra, cách tiếp cận của một số quốc gia đối với cuộc khủng hoảng đang diễn ra cũng đe dọa sự thống nhất của EU và đặt ra câu hỏi về khả năng của khối trong việc duy trì phản ứng tập thể đối với cuộc khủng hoảng kinh tế. Điển hình như trường hợp của nước Đức. Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Bỉ và Hungary đều lên án gói viện trợ trong nước trị giá 200 tỷ euro gần đây của Đức nhằm giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp đối phó với lạm phát và giá năng lượng.

Động thái này được cho là có thể gây bất lợi cho thị trường chung châu Âu và các thành viên EU bày tỏ lo ngại rằng nó có thể mang lại cho Đức lợi thế không công bằng. Còn Pháp thì lại đang thúc đẩy cơ chế “EU vay chung” và áp giá trần khí đốt để đối phó với chi phí năng lượng ngày càng tăng, những chính sách mà Đức đã miễn cưỡng ủng hộ. Điều này làm tăng thêm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất EU, vốn đã trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây.

Chưa thể nói đến “sự sụp đổ” của EU vào lúc này. Thực tế rằng EU đã vượt qua các cuộc khủng hoảng lớn trong suốt quá trình tồn tại của mình và cho đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng lần này sẽ dẫn đến việc khối này sụp đổ. Tuy nhiên, EU chắc chắn sẽ kém đoàn kết hơn và dễ bị chia rẽ hơn trong thời gian tới.


Nguồn: cand.com.vn