Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới được chính phủ Canada công bố, với nội dung dài tới 26 trang, cung cấp một khuôn khổ toàn diện cho sự tham gia của chính phủ Canada trong khu vực trong thập kỷ tới. Trong đó, năm năm đầu tiên của chiến lược bao gồm các sáng kiến mới và khoản đầu tư gần 2,3 tỷ USD. "Tương lai của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là tương lai của chúng tôi, chúng tôi có vai trò định hình tương lai đó. Để làm được điều này, chúng tôi cần một đối tác đáng tin cậy", Ngoại trưởng Canada Melanie Joly nhấn mạnh. Bà cho biết, chiến lược mới nhằm "phát đi thông điệp rõ ràng tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rằng, Canada luôn ở đây và họ có thể tin tưởng".
Chính phủ Canada xác định chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nỗ lực của toàn xã hội, với 5 mục tiêu liên kết với nhau: thúc đẩy hòa bình, khả năng phục hồi và an ninh; mở rộng thương mại, đầu tư và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; đầu tư và kết nối con người; xây dựng một tương lai xanh và bền vững; và xây dựng Canada với tư cách là một đối tác tích cực và gắn bó với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đáng chú ý, trong khuôn khổ chiến lược, Canada khẳng định sẽ đầu tư nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, củng cố năng lực tình báo và an ninh mạng, để thúc đẩy an ninh trong khu vực và đảm bảo sự an toàn của người dân Canada ở trong nước. Bên cạnh đó, Canada sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đảm bảo đầu tư hiệu quả, bảo vệ sở hữu trí tuệ, thúc đẩy các cơ hội kinh doanh cạnh tranh, củng cố trật tự kinh tế khu vực cởi mở, bền vững hơn và có thể dự đoán được.
Không thể phủ nhận, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã và đang là điểm đến và triển khai chiến lược của nhiều nước, nhất là đối với các nước lớn. Năm 2017, tại hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Mỹ đã tiên phong thực hiện và triển khai chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Sau đó, các quốc gia khác trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia cũng lần lượt đưa ra các tầm nhìn chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình.
Với Canada, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, với 6 trong số 13 đối tác thương mại hàng đầu của đất nước này. Mọi vấn đề quan trọng đối với người dân Canada — bao gồm an ninh quốc gia, thịnh vượng kinh tế, tôn trọng luật pháp quốc tế, các giá trị dân chủ, sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ môi trường, quyền của phụ nữ và trẻ em gái cũng như nhân quyền — sẽ được định hình bởi các mối quan hệ giữa Canada và các đối tác trong khu vực này. “Khả năng của Canada trong việc duy trì bầu trời rộng mở, hệ thống thương mại mở và xã hội cởi mở cũng như giải quyết hiệu quả biến đổi khí hậu, sẽ phụ thuộc một phần vào những gì xảy ra trong vài thập kỷ tới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, chiến lược của Canada khẳng định.
Đáng chú ý, trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Canada nhấn mạnh sự tôn trọng đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Canada khẳng định sẽ mỗ lực làm việc để làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, coi đây là điều cần thiết cho sự thịnh vượng và ổn định của khu vực. Chiến lược của chính phủ Thủ tướng Justin Trudeau bày tỏ mong muốn tăng cường đóng góp của Canada với Quỹ Ủy thác Kế hoạch Hành động ASEAN-Canada, đồng thời đặt mục tiêu đàm phán và thực hiện hiệp định thương mại tự do Canada-ASEAN cũng như khởi động cổng thương mại Canada nhằm nâng cao vị thế của Canada với tư cách là một đối tác thương mại và đầu tư.
Bên cạnh đó, Canada mong muốn tăng cường hợp tác an ninh với ASEAN và các nước thành viên, tiếp tục công nhận và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, bao gồm cả việc tăng cường sự liên kết giữa Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada và Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm ASEAN – Canada, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã khẳng định Canada luôn là đối tác tin cậy, trước sau như một của ASEAN, coi trọng quan hệ với ASEAN, nhấn mạnh ASEAN giữ vị trí trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mong muốn nâng cấp quan hệ ASEAN - Canada lên Đối tác chiến lược.
Theo giới chuyên gia, chiến lược mới của Canada nhằm đa dạng các mối quan hệ kinh tế thương mại đang phụ thuộc quá lớn vào Mỹ, đồng thời xử lý mối quan hệ với Trung Quốc. Dựa trên mối quan hệ lịch sử và văn hóa của Canada với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hàng chục năm gắn bó với các đối tác trong khu vực, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thể hiện cam kết mạnh mẽ của Ottawa về việc đầu tư vào các nguồn lực, vì tương lai và lợi ích của Canada, cũng như của khu vực.
Nguồn: cand.com.vn