Vì sao châu Âu lại "hoãn" áp giá trần dầu Nga?
Cập nhật ngày: 25-11-2022
 
Cuộc đàm phán giữa các nước Liên minh châu Âu (EU) nhằm thiết lập một mức giá trần đối với dầu mỏ Nga bị hoãn do bất đồng, theo hãng tin Bloomberg.
 

Bloomberg ngày 24/11 dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ, các nước thành viên EU cùng ngày đã hoãn đàm phán về việc thiết lập mức giá trần với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga theo đề xuất của nhóm G7 để "các nhà ngoại giao châu Âu có thêm thời gian khắc phục sự khác biệt".

Châu Âu lại
Các đoàn tàu chở dầu của Nga dừng đỗ tại một nhà ga ở Moscow. Ảnh: GettyImages

Các cuộc đàm phán có thể tiếp tục hôm nay (25/11), nhưng "có thể bị hoãn lâu hơn", Bloomberg mô tả. Để EU có thể áp giá trần với dầu mỏ Nga nhập khẩu, toàn bộ các nước thành viên EU phải đồng thuận với mức giá đó.

Theo nguồn tin, Ủy ban châu Âu muốn áp giá trần dầu mỏ Nga ở 65 USD/thùng, nhưng Ba Lan và các nước Baltic cho rằng con số đó quá cao. Ngược lại, các nước có ngành vận tải hàng hải phát triển như Hy Lạp và Malta không muốn giá trần dưới 70 USD.

Trước đó, tờ Wall Street Journal trích dẫn các nguồn tin của riêng, nói rằng Mỹ và các nước đồng minh đã thống nhất mức giá dầu mua của Nga không được cao hơn 70 USD/thùng.

Giá trần sẽ là cơ sở cho lệnh cấm của châu Âu có hiệu lực từ ngày 5/12 tới, theo đó ngăn các công ty vận chuyển hoặc cung cấp bảo hiểm cho các lô hàng dầu Nga được bán trên mức giá cố định.

Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, châu Âu là điểm đến của gần một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga. Năm 2021, khối này nhập mỗi ngày từ Nga hơn 2 triệu thùng dầu thô; 1,2 triệu thùng sản phẩm tinh chế, trong đó Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng lớn.

Theo dữ liệu của Investing.com, dầu Urals của Nga hiện đang được giao dịch ở ngưỡng khoảng 67 USD/thùng, thấp hơn mức đỉnh khoảng 100 USD hồi tháng 7, và tương đương mức giá giao dịch cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, thời gian qua, Nga đã chiết khấu đáng kể cho các khách hàng mua lượng lớn dầu mỏ của nước này như Trung Quốc và Ấn Độ. Giới quan sát tin rằng một mức giá trần khoảng 70 USD sẽ không thực sự tác động đến hoạt động xuất khẩu dầu của Nga trong ngắn hạn.

Từ phía Nga, Điện Kremlin ngày 24/11 nhấn mạnh Moscow sẽ không cung cấp dầu và khí đốt cho các quốc gia áp giá trần. "Người châu Âu vẫn có những cuộc thảo luận rất khó hiểu về mức giá trần này. Có cảm giác như họ chỉ đang cố đưa ra quyết định, không phải để có hiệu lực, mà chỉ để thể hiện rằng giới hạn đã được đưa ra", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov nói.

Trong diễn biến liên quan, theo TASS, trong ngày 24/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về những nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế giá dầu của Nga trong cuộc điện đàm với tân Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani.

Thông cáo của Điện Kremlin cho hay, ông Putin đã nói với ông al-Sudani rằng việc giới hạn giá sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho thị trường năng lượng toàn cầu.


Nguồn: cand.com.vn