Rạn nứt liên kết xuyên Đại Tây Dương
Cập nhật ngày: 22-11-2022
 
Liên minh an ninh mạnh mẽ giữa Mỹ và châu Âu trong việc phản đối cuộc chiến giữa Nga và Ukraine dường như cho thấy tầm quan trọng của một sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương như vốn có. Nhưng khi phải đối mặt với một thách thức tồn tại khác, đó là sự trỗi dậy của Trung Quốc, thì Mỹ và châu Âu lại cảm thấy hụt hẫng.
 

Mỹ và châu Âu đang tranh cãi, với những bất đồng từ thương mại kỹ thuật số cho đến chính sách công nghiệp, đe dọa làm tổn hại đến vai trò lãnh đạo chung đối với thương mại toàn cầu vốn đã tồn tại trong hơn 75 năm qua.

Với Mỹ và châu Âu, việc đối phó với sự bảo hộ vốn có trong mô hình kinh tế do nhà nước điều hành của Trung Quốc cũng quan trọng như việc đối phó với các thách thức quân sự. Theo họ, mối đe dọa có thể ít nghiêm trọng hơn, nhưng cùng với thời gian, nó ngày càng trở nên tinh vi và có nguy cơ đánh mất nền tảng của các xã hội tự do.

Rạn nứt liên kết xuyên Đại Tây Dương -0
Mỹ và châu Âu đều đang áp dụng các chính sách khiến cả hai bên ngày càng đi vào xung đột thương mại.

Thành công của Trung Quốc trong việc triển khai quyền lực nhà nước rộng lớn để nắm bắt thị trường thế giới và dẫn đầu về công nghệ, cùng với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của nước này, là một thách thức an ninh hiện hữu với châu Âu và Mỹ. Sự trỗi dậy của Trung Quốc bị cho là đã làm xói mòn sự ủng hộ đối với thương mại mở - vốn đã dao động - ở cả Mỹ và châu Âu, đặc biệt là vào thời điểm xảy ra những gián đoạn do COVID-19, những hạn chế trong chuỗi cung ứng và bây giờ là cuộc chiến Nga-Ukraine. Do đó, trọng tâm chính sách của Mỹ và châu Âu là chuyển sang hướng nội, với việc đưa sản xuất về trong nước và khu vực hóa trở nên phổ biến.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc rút lui khỏi các thị trường thế giới và đặt hy vọng vào khả năng tự cung tự cấp của Mỹ và châu Âu sẽ là một sai lầm lớn. Thương mại thế giới vẫn phát triển; các lĩnh vực chiến lược được toàn cầu hóa. Bỏ qua thực tế này và thất bại trong việc gắn kết các lợi ích của Mỹ và châu Âu là một sự đánh cược nguy hiểm. Mỹ và các nước châu Âu cần phải xây dựng sức mạnh kinh tế ở trong nước và duy trì lợi thế hàng đầu trong việc đổi mới, nhưng không trả giá bằng việc bỏ qua cuộc chiến để duy trì lợi ích chung toàn cầu của liên minh này.

Trong trận chiến đó, sức mạnh của các liên minh chiến lược có ý nghĩa quyết định. Giới phân tích nhận định Mỹ và các nước châu Âu đang trải qua một thực tế mới của “toàn cầu hóa đứt gãy”, nơi mà các chính sách thương mại vẫn còn quan trọng, nhưng phát huy tác dụng trong phạm vi ảnh hưởng được định hình lại với các mô hình thương mại và đầu tư đã thay đổi. Chủ nghĩa đa phương vẫn sẽ tồn tại, nhưng được định hình bởi các khối cạnh tranh nhiều hơn là các nỗ lực đơn phương thuần túy. Trong bối cảnh này, các liên minh lợi ích và khu vực sẽ trở nên thống trị.

Nhìn chung, cả Mỹ và châu Âu đều cần các liên minh đa dạng trên toàn thế giới. Nhưng vì lý do lịch sử và thương mại, liên kết xuyên Đại Tây Dương phải là nền tảng không thể thiếu của Mỹ và châu Âu, đặc biệt có thể đóng vai trò là chuẩn mực cho thị trường trong một thế giới đang định hình lại. Như ủy viên thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis nói tại Washington hồi tháng trước, rằng: “Điều quan trọng là Mỹ và EU phải đứng trên cùng một quan điểm khi đối mặt với những thách thức toàn cầu chồng chéo”. Cả Mỹ và châu Âu đều không nên sử dụng mức độ dân chủ hóa của một quốc gia làm phép thử duy nhất cho mối quan hệ thương mại, mặc dù việc châu Âu phụ thuộc quá mức vào Nga về năng lượng là một bài học đắt giá. Đồng thời, khi Mỹ và châu Âu đánh mất tầm quan trọng của liên minh - kể cả trong lĩnh vực kinh tế - các chế độ chuyên chế sẽ vui mừng.

Mỹ và châu Âu đã đạt được một số kết quả tích cực trong vấn đề này. Một số rắc rối song phương lâu nay đã được giải quyết, nhưng các bước đi gần đây nhằm liên kết các lực lượng đã không đi đến sự thống nhất chiến lược thực sự. Tệ hơn nữa, Mỹ và châu Âu đều đang áp dụng các chính sách khiến cả hai bên ngày càng đi vào xung đột thương mại, chẳng hạn như EU thúc đẩy “chủ quyền kỹ thuật số” hoặc hạn chế nhập khẩu nông sản, trong khi Mỹ thực hiện chính sách đóng cửa lĩnh vực sản xuất chíp hoặc kế hoạch nội địa hóa sản xuất xe điện.

Theo các nhà phân tích, động lực này làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Mỹ và châu Âu, làm mất đi hy vọng về một chương trình nghị sự về an ninh kinh tế chung. Thay vào đó, Mỹ và châu Âu nên triển khai các cơ chế như G7 và Hội đồng Công nghệ và Thương mại Mỹ-EU để đảo ngược câu chuyện này. Để thành công, Mỹ và châu Âu phải nắm bắt được mối nguy hiểm của việc chống lại các yêu cầu nội dung và các quy định về dữ liệu địa phương. Việc lựa chọn chủ động để không đánh vào lợi ích kinh tế của hai bên đòi hỏi một ý thức cấp bách và động lực chính trị từ các lãnh đạo cấp cao. Chương trình nghị sự của Mỹ và châu Âu cần phải lớn hơn và táo bạo hơn, xóa bỏ sự phân biệt đối xử và nâng cao sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương trong khi tìm cách làm cho chuỗi cung ứng linh hoạt hơn và giải quyết các áp lực kinh tế ở trong nước. Chỉ khi cùng với nhau, Mỹ và châu Âu mới có thể đối phó với các mối đe dọa địa chính trị ngày nay và chỉ khi cùng với nhau (cùng với các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác), Mỹ và châu Âu mới có thể xây dựng các quy tắc thương mại đa phương trong tương lai.

Bằng cách thu hẹp khoảng cách trong tầm nhìn tương ứng của hai bên về trật tự địa kinh tế trong tương lai - và không gây phương hại cho các công ty của nhau – Mỹ và châu Âu có thể điều hướng kỷ nguyên cạnh tranh nước lớn trong tương lai này. Đã đến lúc báo hiệu với thế giới rằng Mỹ và châu Âu đã và đang liên kết với nhau, dù phía trước còn nhiều khó khăn.


Nguồn: cand.com.vn