Với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã chính thức khai mạc ngày 15/11 tại Bali, Indonesia và kéo dài trong 2 ngày với các vấn đề trọng tâm là sự phục hồi kinh tế thế giới, hệ thống y tế thế giới và biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, nhiều vấn đề khác như chuyển đổi số, an ninh lương thực và năng lượng cũng sẽ được đưa ra thảo luận. Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh Indonesia vinh dự là nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay, đồng thời hoan nghênh nỗ lực chung của các nước thành viên để cùng trao đổi với nhau trong bối cảnh nhiều thách thức hiện hữu.
Ông nhắc lại rằng thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có với nhiều cuộc khủng hoảng liên tiếp. Đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn, sự cạnh tranh tiếp tục gay gắt, xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh tài chính của tất cả các nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là các nước đang phát triển. Vì vậy, nếu các nước không ngay lập tức thực hiện các bước để đảm bảo cung ứng đủ lương thực phẩm với giá cả phải chăng, thế giới sẽ phải đối mặt với một năm 2023 ảm đạm hơn.
Tổng thống Joko Widodo cho rằng, các cuộc xung đột và chiến tranh cần chấm dứt nếu không thế giới sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiến lên phía trước. Ông nhấn mạnh, với tư cách là nước Chủ tịch G20, Indonesia đã cố gắng hết sức có thể để làm cầu nối thu hẹp các khác biệt, đồng thời kêu gọi các nước thành viên G20 phát huy tinh thần trách nhiệm, không chỉ đối với người dân của nước mình, mà còn đối với nhân loại trên thế giới: “Chúng ta không có lựa chọn nào khác, hợp tác là cần thiết để cứu thế giới.
G20 không chỉ có trách nhiệm đối với người dân của chúng ta mà còn với người dân thế giới. Thế giới không được chia rẽ và chúng ta không để thế giới rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh khác”. Tổng thống Indonesia một lần nữa khẳng định, thế giới đang kỳ vọng và chờ đợi vào những quyết định quan trọng của G20 và G20 không được thất bại.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho rằng, cuộc họp này diễn ra vào thời điểm “quan trọng và bấp bênh nhất trong nhiều thế hệ”, đồng thời nhấn mạnh, cuộc họp G20 là “thời điểm quan trọng” để giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu và cũng là “cơ sở để hàn gắn sự chia rẽ và tìm ra giải pháp cho các cuộc khủng hoảng”.
Tại hội nghị lần này, Tổng Thư ký LHQ sẽ thảo luận về Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững để giúp các nước đang gặp khó khăn giảm bớt các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra.
Trong khuôn khổ hội nghị, nước chủ nhà Indonesia đã chính thức công bố thành lập Liên minh tài chính hỗn hợp toàn cầu (GBF). Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Panjaitan cho biết GBF hướng đến mục tiêu xây dựng năng lực tài chính hỗn hợp tốt hơn trong khu vực, bao gồm các hoạt động tài chính giữa các quốc gia, khu vực tư nhân và hoạt động từ thiện.
Theo ông, GBF sẽ có trụ sở tại Bali và Indonesia mời tất cả các bên hợp tác. Là sáng kiến của Indonesia nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của G20. GBF có vai trò quan trọng trong việc gia tăng năng lực tài chính hỗn hợp của các nước đang phát triển trong G20.
Đảm nhận chức Chủ tịch G20 năm nay là thách thức nhất từ trước đến nay của Indonesia do những cạnh tranh địa chính trị, kinh tế và các vấn đề khác. Không thiếu các cam kết và hành động cụ thể thực hiện hóa các nội dung ưu tiên của nước Chủ tịch như đề xuất của Nhật Bản giúp các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu lương thực và năng lượng, kế hoạch của Mỹ nhằm huy động 600 tỷ USD tài trợ các nước có thu nhập thấp và trung bình hay lễ ra mắt một quỹ đối phó với các đại dịch tương lai, hiện đã nhận được đóng góp 1,4 tỷ USD, được đánh giá là một trong những thành công của G20 năm nay.
Nguồn: cand.com.vn