Lần đầu tiên kể từ Thế chiến II
Những kết quả được công bố cho thấy Liên minh trung hữu đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sớm tại Italy. Số phiếu mà Liên minh trung hữu giành được phân bổ như sau: Đảng Anh em Italy (FDI) của bà Giorgia Meloni giành 26%, đảng Liên đoàn (Lega) của ông Matteo Salvini giành 9%; đảng Tiến lên Italy (Forza Italy) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi giành 8%. Tổng số phiếu mà 3 đảng trong liên minh giành được đủ để nắm quyền kiểm soát nghị viện và thành lập chính phủ mới tại Italy.
Đảng Dân chủ (PD) đã thừa nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử, đồng thời thông báo sẽ trở thành lực lượng đối lập lớn nhất trong nghị viện Italy nhiệm kỳ tới. Phát biểu với báo giới về kết quả bầu cử, nghị sĩ cấp cao của PD, bà Debora Serracchiani thừa nhận: "Cánh hữu đã có đa số trong nghị viện, nhưng sẽ không phải là đa số trên toàn đất nước".
Lãnh đạo của đảng Anh em Italy là bà Giorgia Meloni, năm nay 45 tuổi, đã trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Italy. Phát biểu ngắn trên báo chí ở Rome, bà Giorgia Meloni tuyên bố: "Người Italy đã gửi một thông điệp rõ rang ủng hộ chính phủ cánh hữu do đảng Anh em Italy lãnh đạo. Chúng tôi sẽ điều hành vì tất cả người Italy". Bà Giorgia Meloni cam kết: "Chúng tôi sẽ làm điều này với mục đích đoàn kết mọi người". Italy sẽ phải mất vài tuần mới thành lập được một chính phủ mới.
Theo truyền thông Italy, quốc hội mới bầu ra chủ tịch thượng viện và hạ viện, sau đó, Tổng thống Sergio Mattarella bắt đầu tham vấn với các lãnh đạo đảng để thảo luận về chính phủ mới. Thủ tướng được bổ nhiệm sẽ đưa ra một danh sách các bộ trưởng và cần được tổng thống phê chuẩn, cũng như bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội.
Lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, một chính phủ theo đường lối cực hữu lên cầm quyền ở Italy.
Phản ứng ban đầu
Những phản ứng ban đầu của lãnh đạo một số nước trên thế giới trước kết quả tổng tuyển cử ở Italy cho thấy các nước đều đang thận trọng chờ đợi để xem xét đường lối của chính phủ mới ở Italy.
Trong một tuyên bố đưa ra sau khi kết quả cuộc tổng tuyển cử được công bố, Nhà Trắng khẳng định, thắng lợi của bà Giorgia Meloni thể hiện "ý chí của người dân Italy", đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng Italy vẫn là một "đối tác kiên định" với phương Tây. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean[1]Pierre cho biết, Mỹ sẽ phối hợp (về chính sách) với chính phủ mới của Italy về một loạt thách thức toàn cầu. Đáng chú ý là trong phát biểu, Thư ký báo chí Nhà Trắng không đề cập tên nhà lãnh đạo Giorgia Meloni.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nêu rõ sẽ làm việc với liên minh trung hữu cầm quyền ở Italy về những mục tiêu chung, trong đó có việc ủng hộ Ukraine, tôn trọng nhân quyền và xây dựng một tương lai kinh tế bền vững. Gần như ngay sau đó, Moscow cũng ra tuyên bố, nhấn mạnh sẵn sàng phát triển quan hệ mang tính xây dựng và thiện chí với liên minh trung hữu của Italy, đứng đầu bởi nhà nữ lãnh đạo Giorgia Meloni.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định tôn trọng việc người dân Italy đã đưa ra lựa chọn và đề nghị hai bên có những hợp tác sâu rộng.
Trong bài đăng trên Twitter, Thủ tướng Anh Liz Truss (đã từ chức) gửi lời chúc mừng bà Meloni về thành công của đảng Anh em Italy trong cuộc tổng tuyển cử, nhấn mạnh rằng Anh và Italy là đồng minh thân thiết trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc hỗ trợ Ukraine và giải quyết các thách thức kinh tế toàn cầu. Chỉ có một số nhân vật trong chính giới Đức bày tỏ sự lo ngại khi một chính phủ cánh hữu lên nắm quyền ở Italy.
Ông Wolfgang Buechner, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, đánh giá: "Italy là một quốc gia rất thân thiện với châu Âu, những công dân Italy cũng rất thân thiện. Chúng tôi không mong đợi điều này sẽ thay đổi sau khi một chính phủ cánh hữu lên nắm quyền".
Ngồi trên đống lửa
Sự thay đổi trong nền chính trị tại Italy diễn ra vào thời điểm 4 khu vực miền Đông Ukraine do Nga kiểm soát vừa tiến hành cuộc trưng cầu ý dân với kết quả là đa số người bỏ phiếu ở cả 4 khu vực đều nhất trí với phương án sáp nhập vào Nga. Tiến trình sáp nhập được thực thi một cách chóng vánh với việc chỉ vài ngày sau khi công bố kết quả trưng cầu dân ý, Tổng thống Nga V.Putin đã ký sắc lệnh sáp nhập Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia vào Nga.
Ukraine và hầu hết các nước phương Tây đều bác bỏ kết quả các cuộc trưng cầu ý dân ở 4 vùng ly khai, coi kết quả các cuộc trưng cầu dân ý đó là "giả mạo" và "không bao giờ" công nhận những vùng lãnh thổ mới sáp nhập đó là thuộc về Nga.
Để có thể đảo ngược được quá trình đó, ngoài số lượng khổng lồ vũ khí, trang thiết bị quân sự mà phương Tây viện trợ ồ ạt cho Ukraine với hy vọng mang lại lợi thế trên chiến trường, điều mấu chốt là phương Tây phải tìm được tiếng nói chung, ra những quyết sách chung để ủng hộ Ukraine.
Với kết quả cuộc tổng tuyển cử vừa diễn ra ở Italy, dường như niềm tin về sự thống nhất mà chính nhờ vào cuộc xung đột nổ ra ở Ukraine đã lâu lắm phương Tây mới tìm lại được ấy, bỗng chốc lại trở nên lung lay.
Cần phải thấy một yếu tố khiến cho kết quả của cuộc tổng tuyển cử ở Italy khiến phương Tây nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa, đặc biệt là liên quan đến việc thống nhất lập trường ủng hộ Ukraine, trong số 3 lãnh đạo của 3 đảng của liên minh vừa thắng cử, có tới 2 nhà lãnh đạo không mặn mà lắm với lập trường chung của phương Tây.
Ông Matteo Salvini, thủ lĩnh của đảng Liên đoàn từng tuyên bố công khai rằng việc Nga sáp nhập Crimea là hành động hợp pháp. Năm 2019, ông Salvini từng ca ngợi ông V.Putin là "một trong những chính khách xuất sắc nhất hiện nay", thậm chí có lần còn mặc chiếc áo phông in hình ông Putin và dòng chữ "Quân đội Nga".
Còn cựu Thủ tướng Italy, ông Silvio Berlusconi, thủ lĩnh đảng Tiến lên Italy là một người nhiệt thành ủng hộ ông Putin, tự coi mình là một người bạn của ông Putin trong một mối quan hệ được mô tả là "tình bạn chính trị".
Ông Silvio Berlusconi đã không ít lần thể hiện lập trường ủng hộ ông V.Putin trong cuộc xung đột Ukraine. Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Rai 1 của Italy, ông Berlusconi, 85 tuổi, nói rằng Tổng thống Nga V.Putin bị đẩy vào cuộc xung đột và "chỉ muốn thay thế chính phủ của Tổng thống Ukraine Zelensky bằng những người tử tế trong vòng 1 tuần" thông qua chiến dịch quân sự đặc biệt mà Moscow phát động bên nước láng giềng từ ngày 24-2 rồi rời đi 1 tuần sau đó!
Không giống hai đối tác trong liên minh của mình, bà Giorgia Meloni là người chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và từng tái khẳng định sự cam kết của Italy đối với vấn đề Ukraine dưới thời Thủ tướng Draghi, một người có lập trường thân EU. Sau khi ông Draghi từ chức hồi cuối tháng 7, bà Meloni khẳng định quan điểm "luôn ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Ukraine, không chỉ vì tin vào chính nghĩa mà còn vì Italy không thể mạo hiểm trở thành mắt xích yếu trong liên minh phương Tây".
Vấn đề nằm ở chỗ bà Meloni có thể kiểm soát được hai đối tác trong liên minh của mình hay không?
Cơn "đau đầu" mới của EU
Một yếu tố khác cũng khiến Mỹ và phương Tây lo ngại về chính phủ tương lai của bà Meloni là vẫn chưa có gì rõ ràng về đường lối của liên minh này. Lâu nay, liên minh của bà Meloni vẫn duy trì lập trường chống lại giới chính trị truyền thống, hoài nghi Liên minh châu Âu EU và chống "chủ nghĩa Đại Tây Dương" (chủ trương thắt chặt quan hệ giữa các nước châu Âu với Mỹ và Canada ở khu vực Bắc Mỹ).
Liệu chính phủ liên minh mới có cho phép Italy tham gia các sứ mệnh NATO như các chính phủ trước đây ở Italy đã làm không? Các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Italy có tầm quan trọng chiến lược đối với các hoạt động quân sự của Mỹ và NATO ở Địa Trung Hải, châu Phi và Trung Đông. Liệu chính phủ liên minh mới ở Italy có xem xét hạn chế các hoạt động quân sự mà Mỹ tiến hành từ các căn cứ này không?
Chưa một ai có thể trả lời những câu hỏi này.
Trước đây, mới chỉ có duy nhất chính phủ của Thủ tướng Hungary Orbán khiến EU đau đầu vì thường xuyên có lập trường khác biệt đối với EU, ngay cả trong những vấn đề quan trọng như các gói trừng phạt nhằm vào nước Nga do cuộc xung đột ở Ukraine. Điển hình là vấn đề nhập khẩu khí đốt của Nga.
Giờ đây, điều đáng lo hơn cả đối với phương Tây trước chiến thắng của phe cánh hữu trong cuộc bầu cử ở Italy nằm ở chỗ chính phủ tương lai của bà Meloni có thể đi theo con đường của Hungary. Ấy là chưa kể Ba Lan cũng thường xuyên đe dọa phủ quyết các chính sách quan trọng của EU để có được sự nhượng bộ từ Brussels trong các vấn đề liên quan đến lợi ích của nước này.
Một thành viên quậy phá đã đủ "đau đầu", nhưng từ 2 thành viên trở lên thì vấn đề trở nên phức tạp hơn rất nhiều, không chỉ do sự tăng lên về mặt số lượng mà còn nằm ở chỗ các thành viên này có thể hợp lực với nhau để ngăn chặn hoặc đảo ngược những quyết định của EU đòi hỏi phải được tất cả các quốc gia thành viên nhất trí thông qua...
Đấy là cơn "đau đầu" mới của EU.
Nguồn: cand.com.vn