Gia tăng bất ổn do làn sóng đình công lan rộng tại Pháp
Cập nhật ngày: 20-10-2022
Pháp tiếp tục đối mặt với những gián đoạn nghiêm trọng trong hoạt động kinh tế - xã hội do làn sóng đình công vẫn tiếp diễn sau gần 3 tuần, sau khi các nghiệp đoàn lớn kêu gọi tiến hành cuộc đình công trên cả nước trong tuần này.
Trong những tuần qua, hàng nghìn người đã tham gia các cuộc đình công, biểu tình trên khắp nước Pháp yêu cầu tăng lương trong bối cảnh lạm phát leo thang. Đáng chú ý, Bộ Nội vụ Pháp ngày 19/10 xác nhận, số người tham gia các cuộc tuần hành trên cả nước đã lên đến 107.000, chỉ tính riêng tại thủ đô Paris là hơn 13.000. Con số này thấp hơn so với con số 70.000 người theo thông báo ban đầu của nghiệp đoàn CGT.
Một số người biểu tình quá khích đã phun sơn và đập phá cửa kính tại một ngân hàng và một đại lý ôtô BMW ở thủ đô Paris trước khi bị cảnh sát chống bạo động giải tán. 15 người đã bị bắt giữ do có các hành động quá khích, trong khi 9 nhân viên an ninh bị thương trong các cuộc đụng độ với những người biểu tình.
Đình công trên diện rộng diễn ra sau khi các công nhân tại một số nhà máy lọc dầu và các kho chứa dầu của tập đoàn năng lượng TotalEnergies quyết định mở rộng "chiến dịch" này, đồng thời bác bỏ thỏa thuận tăng lương vốn đã được nhất trí giữa ban lãnh đạo TotalEnergies và nghiệp đoàn lớn nhất trong lĩnh vực công CGT, bất chấp các biện pháp được Chính phủ Pháp sử dụng để yêu cầu nhân viên trong ngành này trở lại làm việc.
Cuộc đình công đã bước sang tuần thứ 3, gây gián đoạn nghiêm trọng hoạt động phân phối nhiêu liệu trên toàn quốc, đặc biệt tại miền Bắc, miền Trung nước Pháp cũng như khu vực Paris. Nguyên nhân chủ yếu của các cuộc đình công là yêu cầu tăng lương để theo kịp chi phí sinh hoạt tăng vọt khi nước Pháp ghi nhận mức lạm phát cao đến 6,2%, mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua. Lạm phát gia tăng ở khắp nơi trên thế giới trong bối cảnh các nền kinh tế nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19, tuy nhiên, tình hình đã trở nên tồi tệ sau khi cuộc chiến tại Ukraine bắt đầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá thực phẩm và nhiên liệu.
Các cuộc đình công tuy không gây gián đoạn hoạt động giao thông vận tải nghiêm trọng như dự báo, song khiến hơn 60% công suất lọc dầu của nước này, tương đương 740.000 thùng mỗi ngày, bị đình trệ, buộc Pháp phải tăng nhập khẩu nhiên liệu dù nguồn cung toàn cầu đang rất không chắc chắn. Trong khi đó, các công nhân trong ngành năng lượng hạt nhân cũng đang tiến hành đình công, đe dọa cản trở công việc bảo dưỡng, bảo trì để khởi động các lò phản ứng.
Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết chỉ có 30/56 lò phản ứng hạt nhân ở nước này đang hoạt động, trong khi chính phủ hy vọng sẽ có tổng cộng 45 lò phản ứng được vận hành vào tháng 1/2023. Tuy nhiên, nhà cung cấp năng lượng EDF cho biết, công ty này hoãn kế hoạch vận hành trở lại 5 lò phản ứng đang tạm dừng hoạt động. Ngày 18/10, nhà vận hành hệ thống truyền tải điện RTE cảnh báo việc mở rộng đình công tại các nhà máy điện hạt nhân cũng sẽ gây "những hậu quả nghiêm trọng" đối với việc cung cấp điện trong mùa Đông này.
Đình công kéo dài khiến nguồn cung nhiên liệu bị tê liệt trong khi hoạt động của các lĩnh vực công như vận tải, trường học... cũng chịu ảnh hưởng. Kể từ rạng sáng ngày 18/10, Gare de Lyon, một trong những ga tàu quan trọng tại thủ đô Paris, đã chật cứng do lượng hành khách đổ xô đến khu vực trung tâm để tham gia tuần hành. Nhà điều hành đường sắt công cộng SNCF cho biết, 50% các tuyến đường sắt khu vực đã ngưng hoạt động song không gây ảnh hưởng đến các tuyến vận tải quốc gia.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Clement Beaune đã cảnh báo hoạt động đường sắt của SNCF có thể "gián đoạn nghiêm trọng", trong khi nhà điều hành đường sắt RATP cho biết các dịch vụ di chuyển đến ngoại ô khu vực Paris cũng như các dịch vụ xe buýt cũng sẽ chịu ảnh hưởng vì đình công. Hoạt động dạy và học cũng bị gián đoạn khi dữ liệu của Bộ Giáo dục nước này cho thấy khoảng 10% giáo viên trung học phổ thông cũng tham gia vào cuộc đình công, một số ít giáo viên cấp tiểu học cũng được cho là tham gia đình công.
Chính phủ Pháp đã sử dụng các quyền hạn khẩn cấp để yêu cầu một số lượng lớn công nhân trở lại làm việc tại các kho chứa nhiên liệu. Động thái này có "tác dụng ngược" khi khiến các công đoàn thêm phẫn nộ mặc dù nhận được sự ủng hộ từ tòa án. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết cần phải áp dụng các quyền hạn khẩn cấp để tái mở cửa các nhà máy lọc dầu và kho chứa.
Trong một phát biểu được đưa ra hồi đầu tuần, Tổng thống Macron nhấn mạnh chính phủ sẽ "làm hết sức để ổn định tình hình" và cuộc khủng hoảng sẽ được giải quyết "trong thời gian sớm nhất". Mặc dù vậy, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin thừa nhận hiện có "vấn đề về tiền lương" tại nước này, đồng thời hối thúc các công ty tăng lương cho người lao động khi có thể. Các nghiệp đoàn Pháp tuyên bố sẽ tiếp tục có thêm nhiều động thái gây sức ép tương tự trong những tuần tới, đặc biệt liên quan một cuộc cải cách lương hưu đang gây tranh cãi.