Hậu quả khó lường?
Cơn giận của Washington sau khi OPEC+ quyết định giảm sản lượng đang tiếp tục sôi sục với việc các nghị sĩ Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đưa ra tối hậu thư mới cho Saudi Arabia, yêu cầu nước này trong vài tuần tới phải xem xét hủy bỏ quyết định giảm sản lượng, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ Mỹ đóng băng tất cả hợp đồng cung cấp vũ khí trong một năm. Đồi Capitol mong muốn trừng phạt nhanh chóng và cụ thể cho những gì được coi là “sai lầm đáng kinh ngạc” của một đồng minh quan trọng ở Trung Đông. Bởi, Washington xem việc OPEC+ cắt giảm sản lượng khai thác là hành động đi ngược lại lợi ích của Mỹ và đồng minh, đồng thời phục vụ lợi ích cho nước Nga trong bối cảnh hai bên đang đối đầu xung quanh cuộc chiến Ukraine.
Phản ứng dữ dội của Quốc hội Mỹ đối với Saudi Arabia đã leo thang mạnh mẽ sau khi ông Robert Menendez, Chủ tịch đầy quyền lực của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đe dọa đóng băng việc mua bán vũ khí và hợp tác an ninh với Riyadh, nói rằng Thái tử Mohammed Bin Salman đang giúp “thúc đẩy cuộc chiến của ông Putin thông qua OPEC”. Ông Menendez gay gắt cho rằng “đơn giản là không có chỗ để Saudi Arabia chơi cả hai bên trong cuộc xung đột này”.
Ngay sau khi OPEC+ công bố quyết định cắt giảm sản lượng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã thể hiện cơn thịnh nộ của mình vì không ngăn được đồng minh Saudi Arabia đi đến quyết định cắt giảm sản lượng và sau đó cũng không thuyết phục được đồng minh hủy bỏ quyết định. “Sẽ có một số hậu quả đối với những gì họ đã làm với Nga”, Tổng thống Biden cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên CNN. “Tôi sẽ không đi sâu vào những gì tôi sẽ cân nhắc và những gì tôi có trong đầu. Nhưng, chắc chắn sẽ có hậu quả”.
Những hậu quả đó là gì? Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên báo chí rằng Tổng thống Mỹ đang xem xét khả năng ngừng bán vũ khí như một phần của quá trình đánh giá lại toàn bộ mối quan hệ của Mỹ với Saudi Arabia. Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt sẽ không có động thái nào xảy ra.
John Kirby, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia cho biết Tổng thống Biden tin rằng Mỹ nên “xem xét lại mối quan hệ song phương với Saudi Arabia, “liệu mối quan hệ đó có phục vụ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ hay không”. Mặt khác, ông Kirby cũng đề nghị Tổng thống Biden nói chuyện với các đảng viên Dân chủ cấp cao trong Quốc hội Mỹ, những người đã kêu gọi cắt giảm hợp tác với Saudi Arabia. Động thái cắt giảm sản lượng dầu diễn ra chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng có thể xoay quanh số tiền người tiêu dùng Mỹ đang trả cho việc đổ xăng.
Vấn đề của người Mỹ không chỉ là việc Saudi Arabia làm lợi cho Nga khi quyết định giữ giá dầu ở mức cao, mà còn là vấn đề an ninh kinh tế nội địa và những tác động của việc người dân phải bỏ ra chi phí cao cho việc đổ xăng và các thứ chi phí khác kéo theo. Hệ lụy mà đảng Dân chủ lo ngại nhất chính là ảnh hưởng của giá dầu có thể làm lệch cán cân phiếu bầu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào đầu tháng 11 tới.
Đồng minh mới và cân bằng lợi ích
Riyadh phản bác cáo buộc của Washington, khẳng định việc cắt giảm sản lượng chỉ đơn thuần là quyết định mang tính chất thương mại, không nhằm mục đích chính trị. Riyadh tuyên bố mong muốn duy trì giá dầu ở mức xung quanh 100 USD/thùng nhằm mục đích duy trì khoản thu ngân sách phục vụ cho các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng trong nước đang bị thiếu hụt kinh phí. Tuy nhiên, cách giải thích này của Saudi Arabia không thuyết phục được Washington.
Giới phân tích cho rằng, quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia đang đi theo chiều hướng trong đó Saudi Arabia ngày càng muốn chứng tỏ vị thế độc lập của mình đối với Washington. Quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ lần này là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy quan hệ giữa Washington và Riyadh đã đạt đến mức bình đẳng và có lẽ quan trọng hơn là tình hình căng thẳng ở Washington không khiến Saudi Arabia quan tâm quá mức. Trong nhiều tháng trước chuyến thăm vào tháng 7 của Tổng thống Biden đến Jeddah và đặc biệt là trong 3 tháng sau chuyến thăm đó, phương tiện truyền thông xã hội của Saudi Arabia đã xôn xao với những lời bàn tán về một “thái độ không phù hợp” của Thái tử Mohammed Bin Salman, hay nói cách khác là của Saudi Arabia với người Mỹ.
Những căng thẳng với Washington và lời thề sẽ "tái cân bằng" quan hệ giữa hai nước có thể gây ra những tác động vượt xa vấn đề giá xăng dầu, từ việc xác định tương lai của một liên minh mới nổi rõ ràng giữa Nga và Thái tử Mohammed Bin Salman, các cuộc đàm phán về Iran và sức mạnh tài chính của Moscow trong cuộc chiến ở Ukraine. Có vẻ như Riyadh không muốn tiếp tục ẩn mình sau chiếc ô an ninh của Mỹ.
Có vẻ như dầu mỏ đang trở thành công cụ lớn nhất trong việc mặc cả chính trị, ngoại giao, không còn là thứ để làm “phần thưởng” trao cho bạn bè theo cách đánh giá truyền thống, mà là một công cụ được trang bị vì lợi ích của bên sở hữu nó, ở đây chính là Saudi Arabia. Các lập trường mới đã phá vỡ chỗ dựa vốn đã bảo đảm cho mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Saudia Arabia bấy lâu nay.
Quyền lực mới đang nắm quyền trên thực tế là Thái tử Mohammed Bin Salman đã “chọn bạn mà chơi” theo các điều kiện của riêng mình. Vài năm gần đây, mối quan hệ giữa Thái tử Mohammed Bin Salman với Moscow ngày càng xích lại gần hơn và cũng ngày càng xa rời Mỹ - người bạn cũ hơn. Chính điều này khiến Washington “tức giận” hơn cả.
Nguồn: cand.com.vn