Đông Nam Á là một trong những khu vực có nhu cầu năng lượng tăng nhanh nhất, với mức tăng 6% hàng năm trong hai thập kỷ qua. Kết quả là Đông Nam Á không thể tránh khỏi chất lượng không khí bị suy giảm nghiêm trọng và lượng khí thải carbon cao hơn đáng kể trong toàn khu vực. Một trong số các biện pháp được tính đến là chia sẻ lưới điện giữa các quốc gia Đông Nam Á.
Cùng nhau chia sẻ
Khoảng cách từ Singapore đến thủ đô Vientiane của Lào chỉ là 3 giờ bay, nhưng việc truyền tải điện giữa hai khu vực phải mất đến 8 năm. Vào tháng 6 và tháng 7-2022, cả hai quốc gia đã tiến hành một cuộc thử nghiệm trao đổi năng lượng. Điện từ các nhà máy thủy điện ở Lào, vốn được mệnh danh là “cục pin của châu Á”, đã được truyền qua các dây điện ở Thái Lan và Malaysia để đến Singapore. Lượng điện năng được cung cấp chỉ là 100MW, chưa đầy 1% so với những gì Singapore tự sản xuất. Tuy nhiên, thử nghiệm này, được khởi xướng vào năm 2014, đã được ca ngợi vì tính biểu tượng của nó: đánh dấu lần đầu tiên điện năng được truyền qua 4 quốc gia Đông Nam Á.
Singapore gọi dự án này là “người tìm đường” - hướng tới một tầm nhìn “cũ”: một siêu lưới điện khu vực cho phép tất cả 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được trao đổi mua bán điện năng. Mặc dù được ASEAN hình dung cách đây 1/4 thế kỷ, nhưng tham vọng này vẫn chủ yếu nằm trên giấy tờ. Sự kết nối giữa các nước láng giềng vẫn còn khá ít. Doanh số bán điện xuyên biên giới rất ảm đạm. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một cơ quan dự báo liên chính phủ, ước tính rằng 65% công suất kết nối của khu vực là giữa 2 quốc gia Thái Lan và Lào. Brunei và Philippines không có liên kết nào bên ngoài.
Ở châu Âu và Bắc Mỹ, việc trao đổi điện với các nước láng giềng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu chi phí và ô nhiễm trong khi giúp tăng cường công suất. Nó cũng giúp những khu vực đó đối phó với thay đổi thất thường trong năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Việc chia sẻ nguồn điện trên một khu vực rộng lớn có nghĩa là thâm hụt ở một nơi có thể được bù đắp nhanh chóng bằng thặng dư ở nơi khác. Ví dụ, California lấy năng lượng mặt trời từ các bang sa mạc ít dân cư hơn như Nevada khi nhu cầu tăng cao.
Tuy nhiên, các chính phủ của ASEAN có xu hướng tích trữ điện, thường là bằng cách xây dựng quá mức các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hầu hết các quốc gia thành viên tự hào về công suất phát điện hơn 30% so với nhu cầu cao điểm. Chuyên gia Matthew Heling của công ty tư vấn Afry nhận định trên tờ “The Economist”: “Mặc dù các quốc gia đều muốn trở thành bạn bè, nhưng họ không bao giờ có thể hoàn toàn tin tưởng vào người láng giềng của mình. Liệu họ có cung cấp điện năng cần thiết khi bạn muốn hay không?". Sự hoài nghi này càng đẩy chi phí và ô nhiễm tăng cao.
Một điều đã thay đổi là nỗ lực hướng tới năng lượng sạch. Singapore sản xuất 95% năng lượng từ khí đốt tự nhiên. Các trang trại năng lượng mặt trời và gió chiếm rất nhiều không gian ở quốc đảo nhỏ bé này. Chính phủ Singapore cho rằng họ sẽ khó có thể tự tạo ra hơn 3% điện năng từ năng lượng mặt trời. Quốc gia này đặt mục tiêu nhập khẩu 4GW, hoặc khoảng 1/3 yêu cầu dự kiến, điện carbon thấp từ các nước láng giềng vào năm 2035. Do đó, việc mua bán điện mang lại cho Singapore một phương thức để
Còn nhiều rào cản
Tuy nhiên, thực hiện điều này thông qua các lưới điện của ASEAN không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Mỗi quốc gia nói một ngôn ngữ khác nhau. Các hệ thống điện tồn tại dưới các chế độ quản lý và thương mại khác nhau. Thị trường điện của Singapore được điều hành bởi các lực lượng thương mại trong khi Thái Lan có đường dây điện hiệu suất cao…
Chuyên gia Jennifer Tay của công ty tư vấn PWC cho rằng thành tựu của việc trao đổi điện năng Lào-Singapore là thiết lập một hệ thống chung cho phép truyền tải điện đi qua 4 quốc gia. Điều này đòi hỏi phải giải quyết các vấn đề khác biệt về điện áp và tần số, và các vấn đề như phí truyền tải.
Siêu lưới điện xuyên ASEAN vẫn còn một chặng đường dài. Các bộ trưởng ở cả Malaysia và Indonesia đều ủng hộ quan điểm xuất khẩu năng lượng xanh mà họ có thể sử dụng cho các mục tiêu khí hậu của riêng mình.