Thúc đẩy đồng thuận vì một thế giới không vũ khí hạt nhân
Cập nhật ngày: 4-08-2022
Chỉ một tính toán sai lầm, cả thế giới có thể sẽ phải đối mặt với sự hủy diệt vì chiến tranh hạt nhân. Thúc đẩy một con đường mới hay tìm kiếm một giải pháp trong vấn đề hạt nhân sẽ là điều tối quan trọng hiện nay, trong đó, việc chung tay hợp tác củng cố Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) phải được coi là tiên quyết.
May mắn không phải là lá chắn
Sau hai năm bị trì hoãn do đại dịch COVID-19, Hội nghị Kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) lần thứ 10 đã chính thức được tổ chức từ ngày 1-26/8 năm nay. NPT, hiệp ước quốc tế có hiệu lực vào năm 1970, đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế quốc tế về chống phổ biến vũ khí hạt nhân với 191 quốc gia thành viên, bao gồm cả 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh "thế giới phải đối mặt với một mối nguy hiểm hạt nhân chưa từng thấy kể từ thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh" và "chỉ cần một tính toán sai lầm cũng sẽ dẫn tới huỷ diệt hạt nhân", theo nhận định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres trong bài phát biểu khai mạc hội nghị tại trụ sở LHQ ở New York.
Trên thực tế, gần 13.000 vũ khí hạt nhân đang nằm trong các kho vũ khí trên khắp thế giới và các quốc gia - trong khi đang đưa ra "những sự đảm bảo an ninh giả tạo" - vẫn đổ hàng trăm tỷ USD vào loại "vũ khí của ngày tận thế" này. Theo thống kê, có 32 nước có chương trình phát triển năng lượng hạt nhân, 9 nước có vũ khí hạt nhân và 7 nước có cả hai loại hình này. "Chúng ta đến giờ vẫn rất may mắn, nhưng may mắn không phải là chiến lược hay lá chắn ngăn căng thẳng địa chính trị leo thang thành xung đột hạt nhân", ông Guterres nói.
Như một minh chứng cho nhận định này, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đã đề cập đến cuộc xung đột Ukraine với đánh giá rằng nó "nghiêm trọng đến mức bóng ma về một cuộc đối đầu hạt nhân tiềm tàng, hoặc tai nạn hạt nhân, lại nổi lên thêm một lần". Ông Rafael Grossi cũng đề cập đến Iran, với hy vọng Iran sẵn sàng công khai minh bạch chương trình hạt nhân của nước này mà theo đánh giá của IAEA là đang phát triển với mức độ rất nhanh chóng. Ông Grossi nhấn mạnh Iran có một chương trình hạt nhân cần được xác minh theo cách thích hợp và theo ông, quy mô chương trình này đang mở rộng nhanh chóng.
Không ai là người thắng cuộc
Những lời cảnh báo của người đứng đầu LHQ và IAEA đang đặt ra bài toán lớn cho toàn nhân loại về việc tìm ra một con đường mới hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong bài phát biểu khai mạc hội nghị nhấn mạnh, con đường tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân ngày càng trở nên gập ghềnh do sự chia rẽ sau sắc trong cộng đồng quốc tế. Nhưng con đường ấy không phải không khả thi, khi có quyết tâm mạnh mẽ của quốc tế, với xuất phát điểm chính là NPT. Thông điệp này có màu sắc tương đồng với bức thư của Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi đến hội nghị, với lời khẳng định rằng "không ai có thể thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và điều này không bao giờ xảy ra".
Tổng thống Nga bày tỏ tin tưởng, NPT là một trong những yếu tố quan trọng của hệ thống an ninh quốc tế và ổn định chiến lược trong hơn nửa thế kỷ tồn tại và hy vọng hội nghị lần này sẽ tái khẳng định sự sẵn sàng của tất cả quốc gia tham gia NPT trong việc tuân thủ nghiêm túc nghĩa vụ, đóng góp đáng kể vào nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định thế giới.
Tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng khẳng định cam kết của Washington về việc tìm kiếm giải pháp giảm thiểu rủi ro toàn diện, bao gồm các kênh liên lạc an toàn giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân. "Chúng tôi sẵn sàng làm việc với tất cả các đối tác, bao gồm cả Trung Quốc và các nước khác, về các nỗ lực giảm thiểu rủi ro và ổn định chiến lược", Ngoại trưởng Blinken tuyên bố, nói thêm rằng việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 vẫn là kết quả tốt nhất cho Mỹ, Iran và thế giới. Hiện, tiến trình đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đang rơi vào bế tắc từ tháng 3/2022 do Iran và Mỹ có nhiều quan điểm khác biệt. Tiến trình đàm phán được cho là sẽ càng khó khăn hơn khi ngày 1/8, Iran tuyên bố nước này đã khởi động hàng trăm máy ly tâm để làm giàu urani sau khi Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với xuất khẩu dầu mỏ của Tehran.
Một cách trùng hợp, ngay khi hội nghị vừa bắt đầu, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres xác nhận ngày 4/8 sẽ công du đến Nhật Bản, Mông Cổ và Hàn Quốc. Trong lịch trình, ông Guterres sẽ tham gia Lễ tưởng niệm Hòa bình ở thành phố Hiroshima, Nhật Bản và gặp nhóm các nạn nhân sống sót trong thảm họa bom nguyên tử. Sau Nhật Bản, Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ đến Mông Cổ, nước đã thể hiện cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân và tuyên bố là khu vực không có vũ khí hạt nhân. Đây phải chăng là những động thái đi đầu từ LHQ, trong nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung về thế giới không hạt nhân, với việc NPT sẽ luôn là nòng cốt.