Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 2/6 cho biết, từ trung ương đến địa phương, công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Triều Tiên đều được thắt chặt, tăng cường kiểm soát nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, nỗ lực đưa từng địa phương trở thành vùng an toàn dịch trong thời gian sớm nhất.
Theo KCNA, trung bình mỗi ngày, các địa phương khử trùng hơn 300.000 cơ sở làm việc, sản xuất và sinh hoạt, đồng thời thiết lập các chốt phòng chống dịch tại hơn 800 điểm và thực hiện nghiêm ngặt việc đo thân nhiệt và khử trùng đối với hành khách và xe cộ.
Trước đó hôm 1/6, Thủ tướng Triều Tiên Kim Tok-hun đã tiến hành thị sát nhà máy dược phẩm Bình Nhưỡng và nhà máy dược phẩm Sunchon, đặt mục tiêu đưa ngành công nghiệp dược phẩm của nước này lên “một tầm cao mới”, bao gồm cả việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, KCNA đưa tin.
Trong chuyến thị sát, quan chức này khẳng định, việc sản xuất và cung ứng đủ thuốc là điều kiện tiên quyết để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân trong chiến dịch chống dịch khẩn cấp hiện nay.
Triều Tiên công bố các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên hôm 12/5. Theo thông tin từ Sở chỉ huy khẩn cấp phòng chống dịch Triều Tiên, từ 18h ngày 31/5 đến 18h ngày 1/6, nước này ghi nhận hơn 96.610 trường hợp sốt, 108.990 trường hợp hồi phục trên cả nước.
Tính đến 18h ngày 1/6, tổng số hơn 3.835.420 trường hợp sốt được phát hiện tại Triều Tiên, trong đó có hơn 3 triệu người đã hồi phục. Triều Tiên sử dụng cụm từ "trường hợp sốt" thay vì "ca COVID-19" hoặc "bệnh nhân COVID-19" khi báo cáo.
Mặc dù Triều Tiên liên tục thông báo những tiến triển trong công tác chống dịch, song WHO vẫn bày tỏ nghi ngờ trước những tuyên bố từ phía Bình Nhưỡng.
"Chúng tôi cho rằng tình hình đang trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt hơn", Giám đốc phụ trách tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan hôm 2/6 nhận định. Ông cho biết WHO không có quyền truy cập bất kỳ thông tin nào về dịch bệnh ngoài những con số được truyền thông Triều Tiên công khai.
Triều Tiên đã từ chối tiếp nhận viện trợ vaccine COVID-19 của WHO và cũng không tiêm chủng cho bất kỳ ai trong số khoảng 25 triệu người dân nước này, The Guardian cho biết.
“Chúng tôi đang thực sự gặp vấn đề trong việc tiếp cận dữ liệu thô và đánh giá tình hình thực tế”, ông Ryan chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh WHO đang làm việc với Hàn Quốc và Trung Quốc để có được những đánh giá chuẩn xác hơn về tình hình dịch tại Triều Tiên cũng như nỗ lực viện trợ cho quốc gia này.
Nguồn: cand.com.vn